Aa

Tháng tư có gió bốn mùa

Nhà thơ Lữ Mai
Nhà thơ Lữ Mai luthimai@gmail.com
Thứ Sáu, 21/04/2023 - 06:15

Một ngày nào đó, bất chợt nhận ra, tháng tư đã vơi đi một nửa, cái nắng oi nồng càng giục giã những cơn mưa. Đâu đó, nơi từng góc phố, hàng cây lơ đãng rớt rơi niềm bâng khuâng.

Xuân đã qua, hè đang tới, nhưng tháng tư vẫn lạ lùng nao nức, đan xen nóng và lạnh, nắng và mưa, thảnh thơi và tất bật... Tháng tư, thường rơi vào tháng ba âm lịch, hi hữu như năm nay còn là tháng hai nhuận, nghĩa là có rét Nàng Bân, hoặc đợi rét Nàng Bân ghé ngang dăm ba bữa. Ấy vậy nên giữa hè, chỉ sau một đêm, một cơn mưa ào đến là gió rét, lại giũ chăn ấm ra, lại xuýt xoa may chưa cất vội đồ mùa đông, chậm chút, nấn ná chút có cái hay của nó…

Nhiều người vẫn hỏi nhau, trong một năm thì tháng nào đặc biệt nhất. Nào tháng giêng lộc vương xuân thì. Nào tháng ba hoa gạo đỏ góc trời. Tháng chín cúc vàng đơm giậu thưa. Hay tháng mười gió heo may ngọt từng đốt mía… Nhưng rồi ta chợt nhận ra, tháng tư tưởng chừng nhạt nhòa lại chứa đựng bao điều đặc biệt. Xuân đã qua rồi, vẫn lại có những ngày nồm ẩm, mưa phùn, lộc non đơm xanh mát. Dạo phố gặp từng hàng hoa ngập tràn hương sắc, ngước mắt thấy tán cây sưa, cây bàng cuộn trào lộc mới… mà cảm giác xuân còn đâu đây, rất gần thôi, trong hoa trong lá, trong cả mắt người.

Rồi nắng bỗng bừng lên, đường đột, oi gắt, chếnh choáng. Nắng vàng ươm tràn khắp mọi ngả, len lỏi vào ban công, cửa sổ… với cái vẻ chói chang của mùa hè không dễ gì thay thế. Hàng quán phe phẩy quạt, tăng tốc quạt… đúng không khí hè về. Mờ sáng trong công viên lô nhô người tập thể dục, người gánh hàng đi bán… chỉ có hè mới sớm sủa xốn xang nhường ấy.

Ai ngờ, mưa ào ạt, rét Nàng Bân phủ một mảng màu khác hẳn hôm qua. Mọi thứ chậm lại, lững lờ, mơ màng. Ai cũng cho mình quyền được sống chậm chút, nhấp ngụm trà, cà phê mà nghe gió thổi, ngắm mưa bay. Quãng chuyển ấy, kể cả đôi ngày sau đợt rét ấy thì tiết trời hệt mùa thu. Cũng hanh hao, heo heo, hoa cúc từ những nhà vườn nào vàng ruộm, thoảng hương nối nhau ra phố. 

Tháng tư tưởng chừng nhạt nhòa lại chứa đựng bao điều đặc biệt. Ảnh: Lữ Mai
Tháng tư tưởng chừng nhạt nhòa lại chứa đựng bao điều đặc biệt. (Ảnh: Lữ Mai)

Đâu phải ngẫu nhiên, các nhạc sĩ dành nhiều cảm hứng và tâm huyết để viết nên bao bài hát về tháng tư thật ám gợi. Với Dương Thụ, đó là một khung trời khoáng đạt, mênh mang, thiên nhiên hòa vào nỗi nhớ: “Tháng tư về, gió hát mùa hè/ Có những chân trời xanh thế/ Mây xa vời, nắng xa vời/ Con sông xa lững lờ trôi”.

Nhạc sĩ viết trong cảm hứng của tháng tư miền Bắc, ở chính quê hương mình (Vân Đình, Hà Tây cũ). Trạng thái lãng đãng, phiêu diêu, thả lòng đầy quyến rũ ấy mê hoặc lòng người. Khung cảnh ca khúc là câu chuyện đôi tình nhân dạo bước bên nhau trong thời điểm tháng tư có gió bốn mùa. Rất nhiều giọng ca nổi tiếng cũng đắm đuối, say sưa thể hiện ca khúc dễ thương này, từ Thanh Lam, Mỹ Linh, Phương Thanh, Hồng Nhung, Trần Thu Hà… và về sau là các ca sĩ trẻ: Vũ Cát Tường, Thùy Chi, Trung Quân, Khắc Hưng, Lê Thiện Hiếu, Trương Thảo Nhi...

Gần hơn nữa với giới trẻ là bản tình ca “Tháng tư là lời nói dối của em” được thể hiện qua giọng ca của Hà Anh Tuấn từ năm 2016 và vẫn vang lên tới bây giờ. Bài hát được nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng sáng tác dựa trên cảm hứng từ bộ Anime nổi tiếng của Nhật Bản “Your Lie in April” (Shigatsu Wa Kimi No Uso) của tác giả Naoshi Arakawa với ca từ tinh tế: “Tháng tư đôi khi thật mong manh để mình nói ra những câu chân thật. Giá như tôi một lần tin em, cô gái tôi thương, nay hóa theo mây gió. Để lại tháng tư ở đó”. Lời ca tái hiện nỗi buồn về câu chuyện tình yêu dang dở nhưng không hề bi lụy, não nề. 

Tháng tư, sao có thể quên hoa loa kèn trắng tinh khôi, thơm thanh thoát. Mùa hoa ấy không dài, có năm dài lắm thì hết tháng tư, bằng không chỉ quá giữa tháng đã thưa thớt dần. Trong thơ ca nhạc hoa, loa kèn là loài hoa dân dã ngay từ cái tên cho đến hình hài, hương sắc. Chỉ màu trắng, nhụy vàng, lá xanh bóng bẩy căng tràn mà khiến cho bao không gian từ cổ điển tới hiện đại thêm nền nã, bừng sáng. Bạn bè tôi ở xa về, từ nước ngoài hay các vùng miền của đất nước đều cố gắng lên chợ mua loài hoa tháng tư này mang về không gian của mình để thưởng thức trọn vẹn vẻ đẹp tinh khôi, mộc mạc. 

Tháng tư, sao có thể quên hoa loa kèn trắng tinh khôi, thơm thanh thoát.
Tháng tư, sao có thể quên hoa loa kèn trắng tinh khôi, thơm thanh thoát. (Ảnh: Lữ Mai)

Ngày còn ở quê, tháng tư ùa đến, tôi cũng đắm chìm vào thiên nhiên, từng góc vườn, từng khóm hoa, giàn hoa đang nở bừng đón nắng. Dưới giàn đậu ván, hoa tím hồng rung rinh, vừa tàn hôm trước, hôm sau đã he hé quả non. Hết đợt hoa nọ nối tiếp đợt hoa kia cứ tím rực lên đầy khấp khởi.

Dọc con đường đi học, ven chân núi là những khóm trinh nữ hoàng cung trắng muốt vừa ngậm sương vừa nở. Loài hoa này cùng họ với loa kèn, có củ như hành tây, cuống hoa vươn ra như thanh kiếm nhỏ. Người quê tôi dùng làm thuốc, cũng trồng làm cảnh. Riêng dọc những con đường thì mọc tự nhiên, lan từ những khóm lớn tít trên sườn đồi xuống tận đường mòn. Yêu hoa, mê mẩn ngắm hoa, nhưng chẳng đứa trẻ nào đưa tay hái. Câu chuyện của bà, của mẹ kể vẫn còn miên man. Rằng thuở xưa có nàng cung nữ nhan sắc tuyệt trần, vì lòng ghen ghét đố kỵ mà bị lãng quên trong cung cấm, nàng qua đời rồi biến thành trinh nữ hoàng cung. 

Thảnh thơi dạo quanh phố cổ, tháng tư mơ hồ trong từng ngõ nhỏ, phố gần. Trà mạn tỏa khói lan man quán nước. Từng sợi mưa xám bạc run rẩy như kẻ mộng du. Bà cụ bán hàng pha trà trong cái ấm sành màu đen mun bé bằng nắm tay, chén uống cùng màu và bé tin hin như hạt mít. Vị đắng chát ngọt, đậm sâu. Vài người rủ nhau rời từ quán trà sang hàng đậu phụ nướng ngay gần đó. Hàng quán khiêm nhường nhưng sạch sẽ tinh tươm. Trời lành lạnh, mưa bụi cộng hưởng thêm vị nồng nàn từ những bìa đậu mơ non mướt mềm của làng Mai Động từng nổi danh khắp ba mươi sáu phố phường. Người bán hàng khéo léo phủ lên bìa đậu dăm hạt muối đã trộn gia vị rồi xếp trên vỉ sắt đặt lên bếp than hoa thoăn thoắt quạt đều tay. Than nồng đượm, nổ lách tách bắn những tia hoa lửa lung linh. Lật qua lại vài lần, miếng đậu ươm, láng bóng, thơm lừng… được dọn trong một đĩa sứ thô trắng ngà kèm rau kinh giới, khách vừa ăn, vừa xuýt xoa…

Tháng tư dường như cũng trú ngụ dưới những gốc đa bóng tỏa xanh um, rễ buông trầm lặng. Tôi đã luôn hình dung, ở mảnh đất nghìn năm văn hiến này, luôn có một mạch nguồn thẳm sâu thật linh thiêng kỳ lạ, khiến những cây đa có thần. Cứ ngắm từng cây đa ở đất này theo năm tháng, theo khoảnh khắc thay lá đổi mùa,  từ cây lớn đến cây nhỏ… tất thảy đều một dáng hình, hồn cốt đặc trưng.

Rồi thì, tự thân linh khí ấy sẽ thu hút con người đâu đâu tụ lại một cách mặc nhiên. Người ta ghé cạnh gốc đa, khi để ăn cái bánh mì lót dạ, khi xuýt xoa kéo ghế ngồi chờ chiếc bánh tôm, há cảo đang cong cớn, lèo xèo trong chảo mỡ sôi, khi nhẩn nha uống ngụm trà chát cạnh đền Quán Thánh ngóng hồ Tây xa xa.

Tháng tư, ngồi dưới tán cây đa này, nghĩ về những cây đa khác và hình dung dưới sâu tầng đất, mạch nguồn, cội rễ sẽ gặp nhau. Có khi, tôi đi trên phố chiều bất chợt mưa về, thoáng thấy người lao động, mưu sinh tìm gốc đa trú ngụ, họ mặc vội manh áo mưa hay âu lo che chắn gánh hàng, bó lại từng đóa hoa sũng nước… Sự thiêng liêng, thần bí có thể được chắt chiu, vụt sáng từ khoảnh khắc lầm lũi rất đời thường.

Thảnh thơi dạo quanh phố cổ, tháng tư mơ hồ trong từng ngõ nhỏ, phố gần. (Ảnh: Lữ Mai)

Bạn dừng xe cạnh vỉa hè phố Huế, đối diện rạp Đại Nam, bảo tôi xuống mua đôi chiếc bánh mì, giữa cơn nắng tháng tư đỏng đảnh. Đó là một cửa hiệu lâu đời, từ tủ xếp bánh, khay đựng nhân đến chiếc ghế gỗ bà chủ ngồi đều nhỏ nhắn. Bạn kể, đã nhiều năm rồi, quán vẫn nguyên chủ ấy, khách đông nườm nượp cứ việc lặng lẽ xếp hàng.

Bà chủ xong công đoạn rạch bánh mì, cho nhân vào, chuyển sang tay khách, mọi người tự tiến đến mặt tủ kính có hai khay đựng muối ớt và sốt cho vào tùy ý. Thi thoảng, chủ quán gọi vọng vào bên trong: “Cho thêm pa-tê nhé”, “Thêm chút lạp xưởng đi”... tức khắc có người nhà mang đồ ra. Thoạt trông, hiệu bánh ấy chẳng có gì đặc biệt. Vẫn là những chiếc bánh mì vỏ xốp mỏng, bên ngoài giòn rụm bên trong dẻo mềm đặt cạnh khối pa-tê vuông vức phía trên phủ lớp mỡ mỏng trong veo luôn được bàn tay sạch sẽ, mau mắn xắn rất gọn gàng. Song, vì chờ đợi khá lâu nên ai tinh ý bèn nhận ra cả khách hàng lẫn chủ quán đều kiệm lời, nền nã. Họ như quen biết, hiểu nhau từ năm nảo năm nào.

Bánh mì ở đây không phong phú, phì nhiêu với nhiều chủng loại, nhiều nhân và đầy đủ rau sống, dưa góp, nước sốt tràn trề mà gọn gàng bao bọc những lát thịt, xá xíu, lạp xưởng nhiều mỡ, pa-tê mỏng dính thêm lớp bơ thơm lựng phết sâu bên trong lớp ruột bánh mì trắng tinh, mềm ẩm. Đến muối ớt, nước sốt hiệu này cũng thật lạ. Thứ gia vị ấy không hề cầu kỳ, bắt mắt mà tinh tế đến thành thực, nhẹ nhàng.

Khách chưa từng thưởng thức bánh của hiệu hoặc người vụng về đôi chút hẳn gặp rắc rối khi nhón trong tay cầm chiếc thìa con con tự rưới xíu xiu gia vị. Nhớ là chỉ một xíu xiu thôi, ban đầu là muối ớt, sau đó là nước sốt, thành hai dải mỏng manh dọc chiều chiếc bánh. Chẳng riêng gì những vùng miền khác, mà chính ở mảnh đất Hà thành này, bánh mì phố Huế cũng khác mọi phố phường còn lại. Nhưng tôi cũng lại hồ nghi, rằng món ăn đặc biệt hay bởi tháng tư đặc biệt?

Một ngày nào đó, bất chợt nhận ra, tháng tư đã vơi đi một nửa, cái nắng oi nồng càng giục giã những cơn mưa. Đâu đó, nơi từng góc phố, hàng cây lơ đãng rớt rơi niềm bâng khuâng. Nắng mới như chưa bao giờ ám ảnh đến thế. Ta chợt khát khao cơn mưa lớn quay về như một nỗi hoài mong ký ức. Những năm tháng tuổi thơ, mặc cho mưa ào ào trút xuống, người trong làng vẫn vác cày, giong trâu ra đồng, tiếng gọi nhau, reo hò vang lên át cả tiếng gió mưa, sấm chớp. Đường cày đều nhau chạy dọc dài theo bờ ruộng. Trẻ con ra đón trâu để chăn, thả sức chạy nhảy khắp đồng, vùng vẫy trong các vũng nước mưa đến nỗi đứa nào, đứa nấy ướt như chuột lột. Vùng quê nghèo sau cơn mưa như bừng tỉnh bởi sự đánh thức của thiên nhiên, con người sau thời gian nghỉ ngơi chờ thời vụ…

Ngay buổi sáng nay thôi, khi tôi còn rảo bước trên đường phố, gió đã hất tung mái tóc, tán sấu già mướt xanh hào hứng đón những giọt mưa mùa hè rồi bình nhiên trả về lòng đất. Bao mộng mơ xưa cũ quay về, mưa rưng rưng thời cắp sách. Bồi hồi nhớ thời ngồi bên cửa sổ hoa bằng lăng, hoa phượng vĩ, tay run run trang lưu bút đầu đời… Nhớ và thương cái màu xanh biếc trên những đôi cánh mỏng của loài ve đập đập khi gió thoảng qua. Tất cả những cảm xúc ấy, chỉ được đánh thức bởi tháng tư, bởi tất cả sự hòa quyện đầy xôn xao của thiên nhiên, thời tiết. 

“Tháng mấy trời mưa hỡi em/ Mà chiều nay mây dệt xám khung trời/ Đường ngày xưa vắng em, một mình anh lẻ loi/ Nẻo về xa bước chân sao nghe lạnh lùng”… Giọng hát Khánh Ly bản thu âm từ trước năm 1975 vang lên trong máy hát cuộn trào trùng phùng, da diết. Tiếng mưa tí tách trên khung sắt ngoài ban công… hòa vào nhau làm nên khúc nhạc mưa dịu ngọt. Mưa tháng tư mang về thanh tịnh, vũng nước nhỏ rất nhỏ đọng bên hè phố cũng thật là trong. Chợt thèm được vào bếp nấu bữa cơm chay. Chút muối vừng đen đen trắng trắng, dăm cái nem chay bóng vàng, canh mồng tơi thanh mát, vài bìa đậu phụ hoa mơ... và tất nhiên cắm thêm một bình hoa cúc, loài hoa từ mùa thu, bằng cách nào đó, vì lưu luyến chăng nay đã thơ thẩn trở về./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top