Cuối tháng Ba đầu tháng Tư. Hầu như cây cối đã hết hoa. Chỉ còn lác đác cây lộc vừng nở vội đến sáng là hoa đã rụng vãn. Nhưng Hà Nội lại bỗng bừng lên sắc mới - Mùa đá đơm bông! Tôi xin mượn câu kết trong bài hát “Ngày đá đơm bông” của tác giả Nhật Ngân và Loan Thảo để đặt tên cho cái tháng lạ kỳ nhất của Hà thành - Tháng Tư!
Nói lạ kỳ bởi tháng Tư là tháng giao mùa. Nhưng không giống những tháng giao mùa khác. Tháng Tư là tháng giao mùa trong cái thế của khí dương đang lên. Vì vậy, từ Trời - Đất đến con người, cỏ cây, vạn vật đều căng tràn nhựa sống, phơi phới xuân thì và chỉ chực chờ để bùng lên mãnh liệt.
Tháng Tư - Hà thành vẫn đẹp. Nhưng không phải đẹp bởi sắc hoa đào như tháng Giêng, hoa ban tháng Hai hay hoa gạo tháng Ba. Mà đẹp trong từng hạt mưa giao mùa, trong tia nắng non rụt rè kẽ lá, và bừng lên trong những chồi những lộc…
Tháng Tư! Không còn là làn mưa bụi cứ nhởn nhơ tít lưng chừng trời mãi không chịu rơi xuống đất. Nhưng cũng chưa phải là sầm sập những trận mưa rào mùa Hạ.
Tháng Tư! Không còn là những ngày nền trời phủ làn mây xám dài lê thê, nhưng cũng chưa phải là cái nắng hè chang chang như muốn cháy hết mình, thao thiết.
Trời cứ ngày mưa ngày nắng đan xen. Đã có đâu đây ì ầm tiếng sấm, nhưng vẫn còn cái rét Nàng Bân bảng lảng chợt đến chợt đi.
Trong dìu dặt làn mưa ấm áp ấy, đến gỗ đá cũng nở hoa, huống hồ cây cỏ.
Buổi sáng hỏi mây trời đi hoài có rõ.
Con đường nào, con đường nào dẫn đến một ngày vui?
Ngày vui đó, bầy chim sáo rủ nhau về xây tổ.
Mưa sẽ về, mưa sẽ về cho đá đơm bông.
(Ca từ trong bài hát “Ngày đá đơm bông” – Nhật Ngân & Loan Thảo)
Dòng nhựa căng đầy trong lớp vỏ xù xì thô ráp, tưởng như ngủ quên trong giá rét. Tối hôm trước trời vẫn mưa lâm thâm. Bỗng một sớm mai tia nắng bừng lên. Lập tức vạn vật bừng tỉnh giấc. Những mảnh vỏ cây cựa mình nhú lên những chồi non. Và trong tiết trời nhuần nhị chứa đầy nắng ấm và hơi ẩm ấy, quay đi quay lại đã là những mầm sống bung ra và bừng sáng cả Đất Trời.
Bắt đầu là những cây đa, cây sanh, cây si… đột ngột buông những chùm rễ trắng xóa dưới tán cây im lìm rậm rịt. Rồi cây bàng góc phố, cây lộc vừng, cây bằng lăng và cơ man là những cây gì gì nữa…, tất cả đều phủ kín những chồi những lộc, những lá non xanh mướt mát. Nhưng đẹp nhất có lẽ vẫn là những tán lộc vừng và bằng lăng.
Những chồi lộc vừng mới nhú như búp nụ hoa. Đợi có nắng ấm là bung ra những lộc non và lộc non ấy xòe ra những chiếc lá bóng nhẫy, đỏ màu đồng hun. Còn trên cành bằng lăng quấn quýt những nhánh cây như cọng rơm tưởng đã héo khô, chẳng biết những chiếc chồi li ti thức giấc lúc nào, chỉ biết nó cứ hồn nhiên uống nắng trời mà xòe ra đẹp như những cánh hoa.
Nhưng, những chồi những lộc đẹp chẳng kém gì hoa ấy như cô thôn nữ giấu tuổi xuân thì trong nền mây xám bạc của tiết mưa xuân cuối mùa. Và nó chỉ thực sự phô ra vẻ đẹp như cháy hết mình khi ngời lên trong cái nắng cuối xuân đầu hạ vàng như mật ong và trong như hổ phách.
Trong cái nắng tinh khôi ấy, những chiếc lá non màu đỏ đồng hay màu vàng quỳ như dát vàng dát bạc, cứ ánh lên lấp lánh, đẹp óng ả như trong tranh sơn mài. Bức tranh tháng Tư Hà thành ấy trùm lên vườn hoa, công viên, trải ra từng con phố, len lỏi vào từng con ngõ hay mảnh vườn nho nhỏ nơi phố vắng, miên man, bất tận…
Đã thấy xuân về với gió đông.
Với trên màu má gái chưa chồng
Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong.
Từng đàn con trẻ chạy xun xoe
Mưa tạnh trời quang nắng mới hoe
Lá nõn nhành non ai tráng bạc
Gió về từng trận gió bay đi
Thong thả dân gian nghỉ việc đồng
Lúa thì con gái mượt như nhung
Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng
Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng.
(Xuân về - Nguyễn Bính)
Thú thực, tôi bất lực trước vẻ đẹp xuân thì của Hà thành - tháng Tư này. Đành mượn ba khổ thơ trong bài “Xuân về” của thi sĩ đồng quê Nguyễn Bính để kết lại bài viết. Và muốn chua thêm một câu, nếu đồng quê Việt Nam ngời lên trong trẻo mướt mát màu xanh của lúa đang thì con gái, thì Hà thành cũng có vẻ đẹp xuân thì ấy trong từng lá nõn nhành non…