Kế hoạch được ban hành nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng, tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống tham nhũng đã được xác định trong luật phòng chống tham nhũng và Công ước của Liên hợp quốc về phòng chống tham nhũng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và công nhân.
Nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật về phòng chống tham nhũng và đạo đức liêm chính của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân, góp phần ngăn chặn, hạn chế vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Kế hoạch số 202/KH-UBND sẽ được triển khai ở tất cả các sở, ban, ngành và các cấp địa phương trong toàn tỉnh từ năm 2019 đến hết năm 2021 cho toàn thể các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức đơn vị, doanh nghiệp, học sinh, sinh viên và người dân trên các địa bàn dân cư thuộc tỉnh. Trong đó, nhóm đối tượng tập trung ưu tiên gồm: Cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, lãnh đạo các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp, người lao động và học sinh, sinh viên.
Theo đó tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, Nhà nước giữ vai trò nòng cốt. Kế hoạch khuyến khích, tạo điều kiện huy động mọi nguồn lực xã hội, đề cao trách nhiệm và từng bước hình thành thói quen chủ động học tập, tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.
Đề án đưa ra những nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng như: Thực trạng, nguyên nhân, điều kiện tham nhũng và giải pháp phòng, chống tham nhũng; ý nghĩa, tầm quan trọng của phòng, chống tham nhũng và xây dựng đạo đức liêm chính; tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức liêm chính và phòng, chống tham nhũng; quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng; kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng trong lịch sử Việt Nam; công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng; hợp tác quốc tế của Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng.
Bên cạnh đó tổ chức các hoạt động tôn vinh, nhân rộng mô hình, gương tiêu biểu trong phòng, chống tham nhũng và xây dựng đạo đức liêm chính. Biên soạn, phát hành tài liệu, tờ rơi, tranh ảnh, khẩu hiệu cổ động, ấn phẩm tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng và đạo đức liêm chính. Lồng ghép tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong hoạt động chuyên môn, nhất là trong các hoạt động: cải cách và kiểm soát thủ tục hành chính, kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm hành chính, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Đề án đưa ra mục tiêu hàng năm, 100% báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; giáo viên, giảng viên các môn pháp luật, giáo dục công dân được tập huấn, bồi dưỡng cập nhật chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng. 100% chương trình đào tạo thuộc các loại hình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng có nội dung về chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, đạo đức liêm chính; Hàng năm, 100% cán bộ, công chức, viên chức được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng dưới các hình thức.
Đến hết năm 2019 có 90%, đến hết năm 2021 có 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, đơn vị nghiên cứu, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Đến hết năm 2019 có 85%, đến hết năm 2021 có 100% người lao động tại cơ quan nghiên cứu, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Đến hết năm 2019 có 75%, đến hết năm 2021 có 90% người lao động tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Hết năm 2019 có 60% đến 70%, đến hết năm 2021 có 70% đến 85% người dân nông thôn, dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, tiểu thương, lao động tự do được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Kế hoạch số 202/KH-UBND giao các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao trách nhiệm tổ chức triển khai kế hoạch này; chủ động ban hành kế hoạch cả giai đoạn 2019-2021 trong quý IV năm 2019 và kế hoạch hàng năm để triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn, đảm bảo trọng tâm, trọng điểm; lồng ghép thực hiện Kế hoạch với kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế- xã hội của đơn vị, địa phương.
Ngoài ra, các đơn vị có nhiệm vụ định kỳ hàng năm tự kiểm tra, sơ kết, đánh giá, khen thưởng thực hiện các nhiệm vụ của kế hoạch; tổng hợp báo cáo kết quả tại Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng gửi về Thanh tra tỉnh để tông hợp báo cáo UBND tỉnh./.