"Tiền trảm hậu tấu"
Hồ sơ mà phóng viên có được cho thấy, dự án Đầu tư xây dựng Kho xăng dầu Hương Xuân (trong cảng Lễ Môn, phường Quảng Hưng, Thanh Hóa) do Công ty cổ phần Cảng Thanh Hóa làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận địa điểm tại đầu tư tại Công văn số 8656/UBND-KTTC ngày 26/8/2015, với quy mô dự án kho xăng dầu là 4.900m3. Diện tích sử dụng đất là 3.929m2.
Ngày 15/10/2020, Công ty cổ phần Cảng Thanh Hóa có Công văn số 80/CV-CTH gửi Chủ tịch UBND tỉnh thanh Hóa xin điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng kho xăng dầu Hương Xuân theo hướng thay đổi vị trí (nhà xuất dầu ô tô xitec, nhà bơm dầu…) và bổ sung các hạng mục phụ trợ (nhà điều hành, nhà hóa nghiệm…).
Sau khi nhận được đề nghị của Công ty cổ phần Cảng Thanh Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tham mưu cho tỉnh về đề xuất trên.
Tuy nhiên, quá trình kiểm tra, rà soát để báo cáo UBND tỉnh theo đề nghị quy hoạch của Công ty cổ phần Cảng Thanh Hóa, đoàn liên ngành phát hiện nhiều vi phạm về trật tự xây dựng tại dự án này.
Theo đó, Công ty đã tổ chức xây dựng công trình sai nội dung giấy phép được cấp tại dự án Kho xăng dầu Xuân Hương - Cảng Lễ môn, phường Quảng Hưng, TP. Thanh Hóa (thửa đất 800, tờ bản đồ số 2), cụ thể: Công ty xây dựng trạm bơm dầu diện tích 289m2; nhà lắp ô tô xitec diện tích 204m2 kết cấu khung lắp ghép, mái tôn lợp sai vị trí so với hồ sơ được phê duyệt.
Như vậy, thay vì thực hiện đúng các hạng mục nêu trên theo giấy phép xây dựng và đúng vị trí đã được cấp phép, thì Công ty cổ phần Cảng Thanh Hóa đã tự ý điều chỉnh vị trí xây dựng 2 công trình trên (xây sai vị trí), sau đó xin điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nhằm "hợp thức hóa" cho vi phạm?
Căn cứ vào những vi phạm nêu trên, UBND TP. Thanh Hóa đã ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty cổ phần Cảng Thanh Hóa số tiền 40 triệu đồng, đồng thời yêu cầu Công ty khắc phục hậu quả theo quy định.
Từ những căn cứ nêu trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa chưa giải quyết đề nghị của Công ty về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Kho xăng dầu Hương Xuân tại Cảng Lễ Môn. Trên cơ sở đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư, ngày 20/11/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa có Công văn số 16312 không xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư tại dự án Kho xăng dầu Hương Xuân.
Cần xin ý kiến Chính phủ
Sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính, Công ty cổ phần Cảng Thanh Hóa tiếp tục có công văn gửi cơ quan có thẩm quyền xin chấp thuận chủ trương lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Dự án Kho và bến cảng Lễ Môn (quy mô diện tích quy hoạch là 4,5ha). Theo đó, Công ty đề xuất sẽ giữ lại nguyên trạng công trình cầu cảng, cụm kho dầu, trạm xuất dầu và các công trình phụ trợ; phá dỡ 2 nhà kho cũ; xây dựng 02 nhà kho mới với tổng diện tích 9.000m2 và nhà điều hành.
Như vậy, nếu được chấp thuận về chủ trương điều chỉnh quy hoạch thì phía Công ty cổ phần Cảng Thanh Hóa sẽ được “hợp thức hóa” cho vi phạm trước đây? Hay nói cách khác, đề nghị quy hoạch của Công ty cổ phần Cảng Thanh Hóa bao gồm các hạng mục vi phạm trước đây và xây dựng hạng mục mới. Được biết, vị trí khu đất thực hiện đầu tư hạng mục mới (kho và bến cảng) nằm ở bãi sông Mã (tương ứng k48+540-k49 đê hữu sông Mã, đê cấp 1).
Căn cứ chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Xây dựng đã có công văn xin ý kiến tham vấn của các đơn vị có liên quan (Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cảng vụ hàng hải Thanh Hóa, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về đề xuất của Công ty cổ phần Cảng Thanh Hóa.
Về cơ bản các đơn vị (Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cảng vụ hàng hải Thanh Hóa, Sở Công thương) đồng ý với chủ trương quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đất mà Công ty cổ phần Cảng Thanh Hóa đề xuất.
Riêng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì cho rằng, cần xin ý kiến của Chính phủ trước khi thực hiện cấp phép xây dựng công trình: “Các hạng mục xây mới theo quy hoạch nêu trên không thuộc nhóm công trình được quy định tại khoản 1 và khoản 2, Điều 26, Luật Đê điều năm 2006. Vì vậy, dự án đầu tư xây dựng công trình phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt theo quy định tại khoản 4, Điều 26, Luật Đê điều năm 2006; đồng thời, việc xây dựng các công trình phải được UBND tỉnh cấp phép trên cơ sở ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định tại khoản 2, Điều 25, Luật Đê điều năm 2006”.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến tham vấn của các đơn vị, ngày 5/5/2021, Sở Xây dựng có Công văn số 2819/SXD-PTĐT đề xuất UBND tỉnh Thanh Hóa “chấp thuận chủ trương lập quy hoạch như nội dung đề nghị của Công ty cổ phần Cảng Thanh Hóa”.
Đối với ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng đề nghị UBND tỉnh giao đơn vị này theo chức năng, nhiệm vụ quản lý của mình huớng dẫn Công ty cổ phần Cảng Thanh Hóa để việc thực hiện quy hoạch và các buớc tiếp theo của dự án đảm bảo trình tự, thủ tục và các quy định của pháp luật chuyên ngành.
Một số ý kiến cho rằng, đê Sông Mã có vị trí, vai trò rất quan trọng trong công tác phòng chống lũ lụt, thủy lợi, bởi vậy, khi cho phép thực hiện các hạng mục công trình tại vị trí được cho là "nhạy cảm", cơ quan có thẩm quyền cần cân nhắc, đánh giá bài bản, khoa học về tác động môi trường, tránh gây ảnh hưởng đến kết cấu thân đê và dòng chảy của sông Mã.
"Tại khoản 1, khoản 2, Điều 26 Luật Đê điều năm 2016 quy định, chỉ sử dụng bãi sông nơi chưa có công trình xây dựng trong trường hợp: “1)…xây dựng công trình phân lũ, làm chậm lũ, kè bảo vệ đê, cột chỉ giới, các loại biển báo đê điều, cột thủy chí, trạm quan trắc các thông số kỹ thuật về đê điều, bãi chứa vật tư dự trữ phòng, chống lũ, lụt, bão và trồng cây chắn sóng bảo vệ đê. 2)...xây dựng công trình quốc phòng, an ninh, công trình giao thông, thủy lợi, công trình ngầm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống giếng khai thác nước ngầm, trạm bơm, âu thuyền”.
Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo lập dự án đầu tư xây dựng … trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.
Reatimes sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này./.