Lời tòa soạn:
Nhiều năm trở lại đây, trong quá trình triển khai các dự án theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), một số địa phương đã giao quỹ đất đối ứng khá lớn cho nhà đầu tư, điều này khiến ngân sách Nhà nước thất thoát hàng nghìn tỷ đồng và nảy sinh nhiều hệ lụy.
Phóng viên Reatimes đã vào cuộc tìm hiểu, phân tích và lấy ý kiến của người dân tỉnh Thanh Hóa về những hệ lụy, bất cập tại dự án đường giao thông nối Tỉnh lộ 514C và Quốc lộ 47C theo hình thức BT này.
Đổi gần 28ha đất lấy… hơn 2,7km đường
Ngày 10/06/2020, tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định số 2209/QĐ-UBND phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đường giao thông nối Tỉnh lộ 514C và Quốc lộ 47C theo hình thức đối tác công tư (Hợp đồng BT).
Cụ thể, dự án được thực hiện tại xã Minh Sơn và xã Minh Châu thuộc thị trấn Triệu Sơn (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) với chiều dài tuyến L=2.776,0m, là đường phố nội bộ đô thị theo tiêu chuẩn TCXDVN 104:2007 với vận tốc thiết kế Vtk=30Km/h. Tổng vốn đầu tư của dự án là 79.202.055.000 đồng, thời gian thực hiện 29 tháng (kể từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực đến thời điểm các bên hoàn thành nghĩa vụ theo quy định của hợp đồng).
Từ những căn cứ như: Công văn số 5671/UBND-CN ngày 13/05/2019 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc ủy quyền phê duyệt danh sách nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu kỹ thuật dự án đường giao thông nối Tỉnh lộ 514 và Quốc lộ 47C huyện Triệu Sơn theo hình thức PPP (hợp đồng BT), Quyết định số 2898/QĐ-UBND ngày 15/05/2019 của chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn về việc phê duyệt nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu kỹ thuật dự án Đường giao thông nối Tỉnh lộ 514 và Quốc lộ 47C huyện Triệu Sơn theo hình thức PPP (hợp đồng BT),…
Từ đó, tại Quyết định này, tỉnh Thanh Hóa đã lựa chọn Liên danh Công ty Cổ phần xây dựng Tiến Đạt - Công ty Cổ phần Việt Thanh (địa chỉ: Số 04/02 Đường Nguyễn Hiệu, phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa) hay gọi là Công ty TNHH BT Triệu Sơn - là Nhà đầu tư thực hiện dự án.
Đổi lại, tỉnh Thanh Hóa dự kiến sẽ thanh toán bằng 5 khu đất thuộc các xã Minh Dân, xã Dân Lý và thị trấn Triệu Sơn (huyện Triệu Sơn) cho Nhà đầu tư để tạo vốn đối ứng với tổng diện tích khoảng 279.835,0m2.
Ngày 27/11/2020, tại các Quyết định số 5086/QĐ-UBND, Quyết định số 5085/QĐ-UBND, Quyết định 5084/QĐ- UBND, UBND tỉnh Thanh Hóa giao đất đợt 1 cho liên doanh nhà thầu là Công ty TNHH BT Triệu Sơn với tổng diện tích 198.998,8m2 (gần 20ha).
Trong đó, tại Quyết định 5084/QĐ-UBND, tỉnh Thanh Hóa giao đất đợt 1 với tổng diện tích là 64.568,7m2 (34.628,8m2 đất ở, 29.939,9m2 đất hạ tầng kỹ thuật) cho Công ty TNHH BT Triệu Sơn để thực hiện dự án Khu dân cư mới Nam Đồng Nẫn 2 tại thị trấn Triệu Sơn; tại Quyết định số 5085/QĐ-UBND, tỉnh Thanh Hóa giao đất đợt 1 cho Công ty TNHH BT Triệu Sơn để thực hiện dự án Khu dân cư mới Nam Đồng Nẫn 1 tại thị trấn Triệu Sơn với tổng diện tích: 80.223,7m2 (45.970,4m2 đất ở, 34.253,3m2 đất hạ tầng kỹ thuật); và tại Quyết định số 5086/QĐ-UBND, tỉnh Thanh Hóa giao đất đợt 1 cho Công ty TNHH BT Triệu Sơn để thực hiện dự án Khu dân cư mới Nam Cống Chéo tại thị trấn Triệu Sơn với tổng diện tích: 54.206,4m2 (34.029,3m2 đất ở, 20.177,1m2 đất hạ tầng kỹ thuật).
Thực tế ghi nhận tại tuyến đường giao thông nối Tỉnh lộ 514 và Quốc lộ 47C huyện Triệu Sơn cho thấy, tuyến đường mới chỉ được nhà đầu tư san lấp đất nền, công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn thiện.
Trong khi đó, thay vì nhà đầu tư dồn mọi nguồn lực để triển khai thi công hoàn thiện tuyến đường này thì ngược lại mọi hoạt động xây dựng của nhà đầu tư hầu như không có.
Trao đổi vấn đề này với PV Reatimes, ông Vũ Đức Kính, Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) khẳng định: "Nhà đầu tư thực hiện dự án Đường giao thông nối Tỉnh lộ 514 và Quốc lộ 47C huyện Triệu Sơn theo hình thức chỉ định thầu. Đến thời điểm hiện tại tỉnh đã giao cho nhà đầu tư gần 20ha đất để thực hiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư mới. Thời gian qua, nhà đầu tư chậm triển khai thi công tuyến đường này là do thiếu vốn và chưa giải phóng xong mặt bằng. Do đó, chúng tôi đang đẩy nhanh thực hiện việc giao một số khu đất cho nhà đầu tư để xây dựng dự án khu dân cư trước nhằm thu vốn để tiếp tục thực hiện dự án này".
Bài học từ những dự án BT
Thời gian qua, dư luận bức xúc trước tình trạng hàng loạt dự án chậm tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện. Bởi trên thực tế, hình thức chỉ định thầu đã dẫn đến việc lựa chọn các nhà đầu tư không đủ năng lực về tài chính, yếu kém trong quản lý, trong khi quỹ đất đối ứng cho những dự án này đã bị nhà đầu tư xây dựng, buôn bán, chuyển nhượng thu lợi nhuận vô cùng lớn.
Hay các dự án BT thường bị “thổi” giá hoặc định giá không đúng với thực tế, khiến diện tích đất đối ứng phải chi trả cho nhà đầu tư quá lớn, trong khi phần dự án công trình thực hiện lại không tương xứng đang là tâm điểm chú ý của dư luận cả nước suốt thời gian vừa qua.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, lợi ích của nhà đầu tư nằm ở chỗ các dự án BT đến nay đều được chỉ định thầu. Việc xác định tổng mức đầu tư, quyết toán, thực hiện “đổi - trả” đều do các cơ quan quản lý và doanh nghiệp tự thương thảo với nhau. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho sự bùng lên của lợi ích nhóm, việc đi đêm giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Theo chương VII, điều 47, 48 quy định tại Nghị định 15 ngày 14/2/2015, nhà đầu tư, doanh nghiệp chịu trách nhiệm về chất lượng công trình, tự giám sát, quản lý hoặc thuê tư vấn quản lý, nghiệm thu... Cơ quan quản lý Nhà nước chỉ giám sát việc tuân thủ các nghĩa vụ của nhà đầu tư, doanh nghiệp theo hợp đồng. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý mới thuê tổ chức tư vấn có đủ năng lực để hỗ trợ thực hiện việc giám sát công trình, dự án. Điều này dẫn tới thất thoát ngân sách Nhà nước, chất lượng công trình không thật sự đảm bảo theo như cam kết trong hợp đồng.
Ngoài ra, theo đánh giá của các chuyên gia, việc giao nhà đầu tư quỹ đất đối ứng từ việc xây dựng công trình BT thông qua chỉ định thầu sẽ tạo giá trị chênh lệch từ đất đai, gây nên thất thoát không hề nhỏ cho Nhà nước.
Chính từ những hệ lụy về mặt xã hội và những thất thoát lớn về ngân sách Nhà nước mà chiều ngày 18/06/2020, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP. Và kể từ thời điểm luật này có hiệu lực (1/1/2021), sẽ không còn bất cứ dự án nào được đầu tư bằng hình thức BT.
Quay lại câu chuyện dự án đường giao thông nối Tỉnh lộ 514 và Quốc lộ 47C huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) cũng theo hình thức BT này, dư luận đang đặt ra hoài nghi về khả năng "nắm đằng chuôi" của chính quyền và cơ quan quản lý khi “trao” cho nhà đầu tư gần 20ha đất vàng chỉ để đổi lấy 2,77km đường giao thông còn dang dở.
Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.
Chiều 18/6/2020, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), bỏ quy định về các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) ra khỏi luật.
Cụ thể, kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành, dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng BT. Dự án áp dụng loại hợp đồng BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư thì dừng thực hiện kể từ ngày 15/8/2020. Dự án chưa phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu thì dừng thực hiện.
Trường hợp đã phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu thì tiếp tục thực hiện căn cứ hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và quy định của pháp luật tại thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
Đối với dự án đã có kết quả lựa chọn nhà đầu tư trước ngày luật này có hiệu lực, cơ quan ký kết hợp đồng có trách nhiệm tổ chức đàm phán, ký kết hợp đồng căn cứ kết quả lựa chọn nhà đầu tư, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và quy định của pháp luật tại thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
Dự án đã ký kết hợp đồng trước ngày luật này có hiệu lực thi hành sẽ tiếp tục thực hiện việc triển khai thực hiện dự án, thanh toán theo quy định của hợp đồng BT đã ký kết và quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng.
Từ những thực tế các dự án triển khai theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), việc chỉ định thầu, giao quỹ đất đối ứng không qua đấu giá đã khiến ngân sách Nhà nước thất thoát hàng nghìn tỷ đồng và nảy sinh nhiều hệ lụy.
Ví dụ, năm 2019, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán 28 dự án BT tại các địa phương và phát hiện nhiều vi phạm. Cụ thể, hầu hết các dự án đều chỉ định nhà đầu tư; có dự án chỉ định nhà đầu tư sau khi triển khai thi công dự án; các dự án chủ yếu do nhà đầu tư đề xuất và đưa vào danh mục đầu tư, chuyển đổi hình thức đầu tư dự án từ sử dụng vốn ngân sách Nhà nước sang PPP và dự án do nhà đầu tư đề xuất không lấy ý kiến các bộ, ngành theo quy định.
Thông qua kết quả kiểm toán 28 dự án BT, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý 5.058,4 tỷ đồng. Trong đó, tăng thu ngân sách Nhà nước 112,4 tỷ đồng, giảm chi ngân sách Nhà nước 1.260,2 tỷ đồng; xử lý khác 1.316,1 tỷ đồng; thu hồi nộp ngân sách Nhà nước thanh toán vượt giá trị dự án BT 355,5 tỷ đồng, giảm giá trị hợp đồng BT 2.014,2 tỷ đồng.