Aa

Thanh Hóa: Hàng nghìn hồ sơ, sổ đỏ có nguy cơ bị hủy và "đóng băng" giao dịch

Thứ Ba, 21/04/2020 - 19:09

Tại Thanh Hóa, hàng nghìn hồ sơ đất đai hiện đang “đóng băng”, đứng trước nguy cơ bị hủy, các giao dịch liên quan cũng tạm dừng vì việc tham mưu, ban hành quyết định không gắn với thực tiễn.

Loay hoay như “gà mắc tóc”

Ngày 26/3/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 1058/QĐ-UBND về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành, bị bãi bỏ lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. 

Theo đó, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi người sử dụng đất thực hiện các quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận sẽ được thực hiện theo đúng quy định tại khoản 1, Điều 37, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.

Do đó, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại điều Điều 37, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP không thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện. 

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, tức là gần 1 tháng sau khi Quyết định 1058 có hiệu lực, nhiều Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tại các địa phương trong tỉnh vẫn chưa được kiện toàn về nhân sự, bộ máy con dấu chưa chính thức đi vào hoạt động theo mô hình một cấp. Điều này dẫn đến những tồn đọng liên quan tới thủ tục đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các địa phương trong tỉnh.

Điều đáng nói là, tại thời điểm Quyết định 1058 có hiệu lực từ ngày 26/3/2020, tại rất nhiều địa phương trong tỉnh còn tình trạng tồn đọng hồ sơ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã ký, cấp sau ngày 26/3.

Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa.

Theo xác minh, tại UBND huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), trong thời gian từ ngày 26/3/2020 đến ngày 17/4/2020 (tức là sau khi quyết định 1058 có hiệu lực) UBND huyện Quảng Xương đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 653 trường hợp thuộc thẩm quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường (số lượng nhiều do thời gian này, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất mới tiếp nhận phôi in giấy chứng nhận). 

Hầu hết số Giấy chứng nhận này đã được UBND huyện Quảng Xương trao cho người sử dụng đất, số ít còn lại đang tạm lưu giữ tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của huyện. Số hồ sơ đang tồn đọng là 689 hồ sơ thuộc thẩm quyền quyết định của Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định tại Quyết định 1058.

Tại UBND TP. Thanh Hóa, có 408 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp sau ngày 26/3/2020 và 600 hồ sơ đang trong thời hạn xử lý. Tại TP. Sầm Sơn cũng có khoảng hơn 50 hồ sơ liên quan tới đất đai đang bị tồn đọng sau khi ban hành quyết định 1058. Nhiều huyện khác trên địa bàn tỉnh cũng trong tình trạng tương tự.

Chưa lường trước được rủi ro?

Thực tế cho thấy, sau khi quyết định 1058 được ban hành và có hiệu lực pháp luật vào ngày 26/3, nhiều địa phương trong tỉnh đã không kịp trở tay bởi đã trót ký giấy chứng nhận và nhận thủ tục, hồ sơ của công dân. 

Đây cũng được cho là điều bất khả kháng bởi theo lãnh đạo một số địa phương, nếu không tiếp nhận hồ sơ thì sẽ bị người dân phản ứng vì thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ. Trong khi đó, khó khăn lớn nhất là các văn phòng đăng ký đất đai ở các địa phương trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường chưa được kiện toàn và đi vào hoạt động. Trong khi Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (tên gọi cũ) thuộc quản lý của cấp huyện đã hết "sứ mệnh lịch sử".

“Hiện nay, huyện Quảng Xương đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc vì phần lớn hồ sơ đang trong quá trình giải quyết và có một số hồ sơ đã đến hoặc quá thời hạn giải quyết, nhưng chưa có hướng giải quyết dứt điểm để người dân phải đi lại nhiều lần gây bức xúc cho người dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai”, văn bản UBND huyện Quảng Xương gửi tỉnh Thanh Hóa cho hay.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Sầm Sơn cho hay, sau khi ban hành quyết định 1058, không ít các giao dịch về kinh tế của công dân bị ngưng trệ: “Các giao dịch (vay vốn) liên quan tới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị ngưng lại khiến người dân bức xúc. Tuy nhiên, để có cơ sở giải quyết tốt các thủ tục hành chính về đất đai trên địa bàn TP. Sầm Sơn cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đảm bảo đúng quy định pháp luật, chúng tôi phải xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh để thực hiện”, ông Hiếu nói.

Tương tự, UBND TP. Thanh Hóa cũng vì "bất dắc dĩ" phải ban hành văn bản về việc tạm dừng trao Giấy chứng nhận (đã cấp), giao dịch đối với 408 Giấy chứng nhận từ ngày 26/3 đến ngày 3/4/2020 cho đến khi có văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

UBND thành phố Thanh hóa.

Như vậy, “số phận” của hàng nghìn giao dịch, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được UBND cấp huyện cấp sau ngày 26/3/2020 sẽ không có hiệu lực về mặt pháp luật?

Trao đổi nhanh với phóng viên qua điện thoại, ông Lưu Trọng Quang, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa cho biết, việc này đang chờ ý kiến của tỉnh.

“Về mặt nguyên tắc, đối với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp sau ngày 26/3 (khi Quyết định 1058 có hiệu lực) có thể bị hủy vì không có hiệu lực. Nếu các Giấy chứng nhận chưa phát hành thì chờ ý kiến của tỉnh. Các hồ sơ tồn đọng khi chưa có ý kiến chỉ đạo cụ thể của tỉnh thì tạm dừng. Hiện nay, tỉnh đang giao Sở Tư pháp tham mưu theo hướng đẩy lùi hiệu lực thi hành Quyết định 1058 từ ngày 1/7/2020. Tuy nhiên, đến nay chưa có quyết định cuối cùng”, ông Quang cho hay.

Điều khó hiểu là, khi bộ máy Văn phòng đăng ký đất đai tại nhiều địa phương chưa được kiện toàn theo hướng 1 cấp, nhưng cơ quan tham mưu cũng như tỉnh Thanh Hóa vẫn trình để ban hành quyết định 1058? Trách nhiệm của cơ quan tham mưu ban hành văn bản 1058 ra sao?

Về việc này, ông Quang cho biết: “Theo quy trình khi thành lập Văn phòng đăng ký đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường) thì phải ban hành ngay quyết định (để hoạt động). Nếu ban hành chậm thì Sở sẽ có khuyết điểm. Lúc chúng tôi trình để ban hành quyết định trên thì cũng hi vọng các văn phòng đăng ký đất đai (1 cấp trực thuộc Sở - PV) sẽ ra đời cùng thời điểm. Nhưng sau khi ban hành quyết định 1058 thì các văn phòng ra đời chậm hơn, nên mới xảy ra việc như thế. Tức là văn bản ra đời trong khi văn phòng đăng ký đất đai (ở các địa phương - PV) chưa ra đời nên chưa tạo ra tính đồng bộ", ông Quang phân trần.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top