Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa từng cảnh báo: "Nếu lơ là, mất cảnh giác trong việc chống dịch sẽ phải trả giá rất đắt”. Đi kèm với đó là hàng loạt văn bản chỉ đạo từ người đứng đầu UBND tỉnh, yêu cầu thực hiện các biện pháp cấp bách một cách rất cụ thể đối với các đơn vị, cơ quan, ban ngành, địa phương của tỉnh Thanh Hóa trong công tác phòng chống dịch nói chung.
Không ít lần, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa, Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch các huyện, thị, thành phố đích thân tới những điểm nóng mỗi khi nghe có F0 xuất hiện để chỉ đạo trực tiếp công tác phòng, chống dịch. Sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Cấp ủy, Chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, góp phần không nhỏ giúp Thanh Hóa giữ vững thế trận trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.
Thế nhưng, trong lúc cả hệ thống chính trị đang căng mình chống dịch, một số huyện trong tỉnh (Hoằng Hóa, Quảng Xương) đã và đang thực hiện kế hoạch đấu giá đất. Điển hình như, hôm 14/8, tại Trung tâm hội nghị huyện Hoằng Hóa diễn ra phiên đấu giá tập trung tới cả trăm người, bất chấp chỉ đạo hạn chế tụ tập đông người và khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế. Theo lý giải của lãnh đạo địa phương đã và đang thực hiện kế hoạch tổ chức đấu giá, việc tổ chức đấu giá nhằm mục đích hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu ngân sách năm 2021 nói chung và đảm bảo nguồn thu ngân sách địa phương nói riêng.
Vậy nhưng, câu hỏi đặt ra là, việc tổ chức buổi đấu giá thu hút tới hàng trăm người có thực sự quan trọng và cần thiết vào thời điểm này hay không, khi cả nước nói chung và Thanh Hóa nói riêng đang gồng mình chống dịch Covid-19?
Liệu rằng, hàng trăm con người chen lấn nhau trong một không gian chật hẹp để tham gia buổi đấu giá đất hôm 14/8 vừa qua tại huyện Hoằng Hóa có được an toàn trước dịch bệnh hay không khi các thông số y tế đưa ra để kiểm soát đầu vào và thực hiện “5K” phòng dịch đối với người tham gia đấu giá mới chỉ ở mức tương đối?
Và nếu như trong hàng trăm người tụ tập tại Trung tâm hội nghị huyện Hoằng Hóa hôm đó vô tình có những F0, F1 hay thậm chí là có những người đã mang trong mình mầm bệnh nhưng chưa phát bệnh, thì thử hỏi ai sẽ chịu trách nhiệm về những hậu quả nặng nề sau đó (nếu có)?
Hay nói cách khác, thay vì phải tụ tập đông người tại một điểm, không lẽ địa phương không đưa ra phương án tổ chức đấu giá nào khả dĩ hơn để vừa đảm bảo chặt chẽ công tác phòng, chống dịch, vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế? Có chăng nên tạm dừng hoạt động đấu giá có tụ tập đông người là quyết định đúng đắn lúc này?
Một số người trong cuộc cho rằng, trong chỉ đạo chung về phòng chống Covid-19, không nhắc đến việc “cấm” tổ chức đấu giá, cho nên không có lý gì phải trì hoãn kế hoạch đã đề ra. Có thể cách lý giải này không hẳn sai nếu hiểu theo cách cắt nghĩa theo mặt chữ. Tuy nhiên, trong lúc tỉnh có chỉ đạo áp dụng các biện pháp nhằm giảm tiếp xúc giữa người với người, nhưng một số huyện vẫn tổ chức đấu giá thì chẳng khác nào “bịt lỗ này, bung lỗ nọ”, hoặc "vẽ đường cho hươu chạy"?
Quan điểm và sự giãi bày có phần bao biện nói trên từ phía người trong cuộc liên quan đến phiên đấu giá vừa qua tại Hoằng Hóa có phần khác với tư duy chống dịch của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa.
Ngay lúc này, thậm chí người đứng đầu ngành Y tế Thanh Hóa còn không đủ thời gian nghe điện thoại phỏng vấn để tập trung vào việc chống dịch. Ông Trịnh Hữu Hùng - Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa trả lời thẳng thắn khi phóng viên có ý định trao đổi về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh: "Anh bận lắm! Chúng ta cố gắng vượt qua mùa Covid". Câu nói gấp gáp, thẳng thật của vị lãnh đạo Sở Y tế phần nào giúp nhiều người mường tượng được tình hình chống dịch hiện nay và sự vất vả của những chiến sỹ tuyến đầu chống dịch. Và có lẽ, trong lúc này, việc gìn giữ tính mạng, sự an toàn cho cả cộng đồng mới là ưu tiên số một. Ấy vậy mà không ít người trong cuộc còn có suy nghĩ khá đơn giản...
Việc “chống dịch như chống giặc” lúc này không chỉ là khẩu hiệu mà còn là “mệnh lệnh” phải chiến thắng “kẻ thù nhân loại - Covid-19". Trong “trận chiến” này, chúng ta chỉ được phép thắng, càng không thể chấp nhận thái độ lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống dịch. Cả nước nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng đã tốn nhiều công sức, tiền bạc, thì chẳng có cớ gì lại để một số địa phương đánh mất thành quả dễ dàng chỉ vì một phút lơ là.
Cần phải nói thêm rằng, đây là lần thứ 4 dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở nước ta. Tính tới thời điểm hiện tại, cả nước đã ghi nhận thêm nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tình trạng thiếu ý thức của một bộ phận không nhỏ người dân và tư tưởng chủ quan của một số cán bộ trong việc thực hiện các quy định phòng dịch, cách ly y tế… có thể khiến tình hình dịch bệnh trở nên phức tạp hơn. Bài học về sự lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch đã khiến một số địa phương phải trả giá đắt. Và nếu người đứng đầu không quyết liệt, “mạnh tay” hơn nữa trước những vi phạm của cấp dưới thì hậu quả thực sự rất khó lường/.
Trao đổi với phóng viên về việc một số địa phương vẫn tiến hành đấu giá có sự tham gia của hàng trăm người tại thời điểm dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành, trong đó không ngoại trừ Thanh Hóa, ông Nguyễn Văn Thi - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cho hay: "Nếu địa phương nào thực hiện không đúng quy định khi thực hiện đấu giá, phóng viên cứ phản ánh. Chúng tôi sẽ tiếp thu và xử lý thông tin".