Kinh tế tăng trưởng mạnh
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 4/2024. Báo cáo tại phiên họp này cho biết, tình hình kinh tế xã hội của địa phương tiếp tục phát triển, nhiều lĩnh vực tăng khá so với cùng kỳ, nổi bật như thu hút đầu tư tăng mạnh, sản xuất nông nghiệp tiếp tục ổn định…
Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng 4 của tỉnh này ước tăng 10,26% và có 20/25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so với cùng kỳ. Trong đó, một số sản phẩm của Thanh Hóa tăng mạnh như: Sáp parafin (tăng 86,9%), benzen (60,3%), lưu huỳnh rắn (60,6%), giấy bìa các loại (32,5%), dầu nhiên liệu (29%), clanhke xi măng (24,7%), giày thể thao (9,2%)... Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu một số ngành dịch vụ tháng 4 của Thanh Hóa ước đạt 15.599 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, thu ngân sách nhà nước của tỉnh này tháng 4 ước đạt 3.551 tỷ đồng, bằng 83% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, Thanh Hóa thu ngân sách ước đạt 18.214 tỷ đồng, bằng 51% dự toán và tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2024, tỉnh phấn đấu thu ngân sách đạt 35.567 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 22.070 tỷ, thu hoạt động xuất nhập khẩu 13.550 tỷ đồng.
Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của địa phương trong tháng 4 tiếp tục tăng mạnh; giá trị xuất khẩu ước đạt 545,6 triệu USD, tăng 15,8%; giá trị nhập khẩu ước đạt 965,5 triệu USD, tăng 23,4%.
Hoạt động du lịch của Thanh Hóa phục hồi mạnh mẽ, tổng lượt khách du lịch tháng 4 ước đạt 2,3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế ước đạt 24,3 nghìn lượt khách, tăng 18,9% so với cùng kỳ. Tổng thu du lịch trong tháng 4 ước đạt 3.715 tỷ đồng, tăng 32,7%.
Cùng với đó, các ngành kinh tế khác cũng tăng trưởng nhẹ, như vận chuyển hàng hóa tăng 12,4%, vận chuyển hành khách tăng 12,7%, doanh thu vận tải tăng 13,3%; số doanh nghiệp thành lập mới tăng 14,7%.
Nhiều dự án lớn sắp khởi công
Theo báo cáo tại cuộc họp, trong tháng 4/2024, Thanh Hóa đã thu hút 8 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 4 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 126,6 tỷ đồng và 115 triệu USD. Lũy kế 4 tháng đầu năm nay, tỉnh này đã thu hút được 38 dự án, trong đó có 10 dự án FDI. Số lượng dự án trên đã tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước, tổng vốn đăng ký khoảng 3.666 tỷ đồng và 177 triệu USD.
Tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn giao các Sở, ban, ngành triển khai các giải pháp, tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành công điện về giải ngân vốn đầu tư công. Chuẩn bị tốt các điều kiện để khởi công các dự án sắp tới như: Hóa chất Đức Giang, Khu công nghiệp Lam Sơn Sao Vàng, Khu công nghiệp số 3, các đề xuất của Tập đoàn Savico, dự án của WHA...
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Công Thương, Điện lực Thanh Hóa chủ động nắm bắt tình hình, tham mưu giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án truyền tải điện trọng điểm trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên); Dự án đường dây 220kV Nậm Sum (Lào) - Nông Cống và đảm bảo nguồn điện ổn định cho sinh hoạt, sản xuất kinh doanh, nhất là tại các địa phương trọng điểm về du lịch biển.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình phát triển kinh tế của địa phương còn tồn tại một số hạn chế, như có 4/25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng giảm so với cùng kỳ gồm dầu đậu nành tinh luyện, bia các loại, phân bón các loại, ô tô tải.
Công tác tham mưu giải quyết công việc có chỗ còn cứng nhắc, máy móc; ở một số ngành, địa phương vẫn chưa thực sự sâu sát với địa bàn, công việc được giao, khiến việc phát hiện, xử lý những nhiệm vụ phát sinh còn hạn chế./.