Aa

Thanh Hóa: Người dân “kêu cứu” giữa lòng di tích Lam Kinh

Viết Huy
Viết Huy hoanghuy1089@gmail.com
Thứ Tư, 09/10/2019 - 14:50

Gần 20 năm qua, hàng chục hộ dân thuộc diện phải di dời ra khỏi di tích Lam Kinh vẫn ngày ngày chờ đợi được tái định cư ra khu ở mới. Tuy nhiên, những kiến nghị của họ dường như bị chính quyền "bỏ quên"...

Sống lay lắt... 

Suốt 17 năm qua, 31 hộ dân sống tại thôn Phúc Lâm, xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa phải sống trong những căn nhà cấp 4 chật chội, dột nát, xuống cấp nghiêm trọng. Các điều kiện về vệ sinh, môi trường không đảm bảo do không được sữa chữa, cải tạo, xây mới, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, sức khỏe và làm mất mỹ quan dọc tuyến đường vào Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh. Tuy nhiên, suốt quãng thời gian ấy, họ chờ đợi được tái định cư ra khu ở mới nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời.

Người dân sống tại thôn Phúc Lâm cho biết, khoảng cuối năm 1998, hàng chục hộ dân tới khu vực ngay sau lưng lăng mộ vua Lê đoạn bám vào mặt Quốc lộ 15A và một bên là chợ Cham, thuê của xã hơn 100m2 để dựng nhà tạm vừa lấy chỗ nương thân vừa mưu sinh. Lúc này, di tích Lam Kinh còn chưa được quan tâm, trùng tu. Đến khoảng đầu những năm 2000, thấy người dân có nhu cầu và “cũng chẳng ảnh hưởng gì đến khu di tích” nên UBND xã Xuân Lam đã bán đứt toàn bộ diện tích mà các hộ dân đã thuê trước đó cho bà con.

Hàng chục căn nhà đã xuống cấp nghiêm trọng.

Thế nhưng, tháng 6/2002, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy Khu di tích lịch sử Lam Kinh. Theo đó, diện tích khu di tích được mở rộng từ 141ha lên 200ha. Để thực hiện, UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức di dời 1 khu chợ và 31 hộ dân sống ở khu vực phía đông khu di tích (thuộc thôn Phúc Lâm) ra khỏi vùng quy hoạch.

Đến năm 2004, UBND huyện Thọ Xuân cùng các ngành đã kiểm kê tài sản, áp giá đền bù, đồng thời xây dựng mặt bằng tái định cư cách đó khoảng 700m để di chuyển các hộ dân, nhường đất cho khu di tích. Trong quá trình thực hiện kiểm kê, áp giá, 31 hộ dân sống tại đây đều hoàn toàn ủng hộ dự án và luôn trong tâm thế chuẩn bị di dời. Thế nhưng suốt gần 20 năm đã trôi qua, việc di dời đến nơi ở mới vẫn chưa được thực hiện. Trong khi đó, cuộc sống của 31 hộ dân ngày càng lâm vào khó khăn, bi đát, "sống mòn" chờ đợi trong vô vọng.

Người dân sống trong căn nhà "rách nát" nhưng vẫn không thể di dời.

Bà Đỗ Thị Minh (62 tuổi), một hộ dân sống tại đây bức xúc: “Gia đình tôi ở từ năm 1989 đến nay, có 3 khẩu, căn nhà ngày trước gia đình ở chính giờ đã sập, không thể ở được, cả gia đình phải ở chui rúc trong gian quán chật chội, sinh hoạt vô cùng khổ sở, bao nhiêu năm qua, gia đình muốn đi cũng dở mà ở cũng không xong.

Không những vậy, căn nhà là nơi trú nắng mưa, nhưng mỗi lần mưa xuống cả gia đình phải lấy áo mưa mặc trong nhà, chỗ nào cũng dột mặc dù đã sửa đến lần thứ 3. Nguyện vọng của chúng tôi muốn biết là dự án có thực hiện nữa hay không. Bao giờ thì di rời chúng tôi ra khu tái định cư hoặc không thì cũng cho chúng tôi biết để sửa sang nhà cửa, ở cho ổn định?”.

Chờ đến bao giờ?

Hoàn cảnh gia đình bà Minh chỉ là một điển hình cho tình trạng thực tế của 31 nhà dân trong khu vực này. Trong khi khu chợ Cham đã được di chuyển đến nơi mới, thì các hộ dân phải nằm lại. Hầu hết các căn nhà ở đây đều đã xuống cấp, dột nát, thậm chí có nhà bị đổ sập không đủ an toàn để trú ngụ. 

Một số gia đình có điều kiện đã tự đi nơi khác ở, số còn lại khó khăn đành chấp nhận ở lại. Họ không được xây dựng nhà mới, không được chuyển nhượng đất đai. Nhà bị sập cũng không dám sửa chữa, vì không biết khi nào phải di chuyển. Con cái khôn lớn, lập gia đình cần chỗ ở, cần tách hộ… nhưng cũng đành bó tay.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Đình Sĩ, Phó Ban quản lý khu Di tích Lam Kinh cho biết: “Số hộ dân tại Phúc Lâm dường như đã bị các cơ quan chức năng “bỏ quên”, khiến chúng tôi không thể mở rộng không gian như kế hoạch đã hoạch định trước đó. Ban Quản lý không có sân để tổ chức phần hội với các trò chơi dân gian, cũng như các khu dịch vụ để thu hút du khách. Việc hàng trăm nhân khẩu đang sống chung với di tích đã phần nào tạo ra sự nhếch nhác, mất mỹ quan, sự thâm nghiêm vốn phải có của các khu Thái miếu. Đồng thời, vấn đề này còn gây ra nhiều khó khăn cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị tiềm năng của cả khu di tích”.

Chính quyền các cấp cần sớm giải "bài toán" tái định cư để người dân ổn định cuộc sống.

Trước những yêu cầu bức xúc của người dân Phúc Lâm và Khu di tích Lam Kinh, UBND huyện Thọ Xuân đã có công văn gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa đề nghị Sở báo cáo UBND tỉnh khẩn trương bố trí nguồn kinh phí và giao UBND huyện Thọ Xuân làm chủ đầu tư để tổ chức thực hiện đền bù, di dời 31 hộ dân ra khỏi vùng quy hoạch.

Ngay sau công văn đề nghị của UBND huyện Thọ Xuân, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa đã có công văn gửi UBND tỉnh Thanh Hóa đề xuất với nội dung: “Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo huyện Thọ Xuân khẩn trương rà soát lại toàn bộ quy trình thực hiện dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho 31 hộ dân trong khu vực quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Lam Kinh. Nguồn vốn được bố trí từ ngân sách tỉnh”.

Ông Lê Đình Hải - Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Kiến nghị của người dân thôn Phúc Lâm là hoàn toàn chính đáng, nhưng do khó khăn về kinh phí nên vẫn chưa thể chuyển các hộ ra khu ở mới. Việc tiếp tục di dời 31 hộ dân ra khu tái định cư hay không vượt ngoài khả năng và thẩm quyền của huyện. Chúng tôi cũng chỉ biết gửi kiến nghị của người dân lên cấp trên và chờ đợi!”.

Như vậy, việc di dời 31 hộ dân này đến khu tái định cư đến nay vẫn là bài toán chưa có câu trả lời.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top