Theo báo cáo của Sở Tài chính Thanh Hóa, tổng thu Ngân sách Nhà nước 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 39.326 tỷ đồng, vượt 39,7% dự toán tỉnh giao, tăng 56,5% so cùng kỳ.
Cục Thuế Thanh Hóa thông tin thêm, tổng thu nội địa ước đạt 24.373 tỷ đồng, đạt 131% so dự toán năm và bằng 154% so với cùng kỳ; ước thực hiện cả năm khoảng 29.000 tỷ đồng, đạt 156% dự toán và bằng 161% so với cùng kỳ. Có 10/13 lĩnh vực có tiến độ thu tốt, dự kiến đạt và vượt dự toán năm.
Một số khoản thu có tỷ trọng lớn, số thu đạt cao so với dự toán năm, gồm: Thu tiền sử dụng đất đạt 10.603 tỷ đồng, bằng 151% so dự toán; ước cả năm là 11.700 tỷ đồng, bằng 167% dự toán. Thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 5.199,5 tỷ đồng, bằng 157 % dự toán. Thuế thu nhập cá nhân đạt 1.055 tỷ đồng, bằng 134% dự toán. Thuế bảo vệ môi trường 1.430,7 tỷ đồng, bằng 124% dự toán năm... Các lĩnh vực thu phí, lệ phí đạt 71% dự toán và thu từ hoạt động xổ số kiến thiết đạt 78% dự toán, dự kiến khó có khả năng hoàn thành dự toán năm.
Theo Cục Hải quan Thanh Hóa, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 14.952 tỷ đồng, đạt 136% dự toán và bằng 160% so với cùng kỳ; ước thực hiện cả năm 17.727 tỷ đồng, đạt 161% dự toán và bằng 165% so với cùng kỳ. Nguồn thu chủ yếu là từ thuế nhập khẩu dầu thô của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn; thu từ dầu thô tính đến ngày 14/9/2022 là 11.732 tỷ đồng/25 chuyến tàu, trung bình mỗi chuyến thu 469,3 tỷ đồng.
Liên quan đến nội dung trên, một số chuyên gia nhận định, trong 9 tháng 2022, Thanh Hoá thu ngân sách đạt gần 40.000 tỷ đồng là một con số đáng khích lệ. Tuy nhiên, số liệu nêu trên cho thấy, nguồn thu từ đất đai (thu tiền sử dụng đất) lại chiếm tới 26,96% tổng thu ngân sách của toàn tỉnh trong 9 tháng năm 2022. Trong khi đó, một số nguồn thu khác tuy chiếm tỷ lệ cao, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.
Cũng theo báo cáo, tổng chi ngân sách địa phương ước tính từ đầu năm đến ngày 16/9/2022 ước đạt 26.047 tỷ đồng, đạt 72,3% dự toán, tăng 0,2% so cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển 11.964 tỷ đồng, vượt 12,5% dự toán, tăng 5,2%; chi thường xuyên 14.037 tỷ đồng, đạt 57,7% dự toán, giảm 3,9% so cùng kỳ.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thanh Hóa đã đón hơn 10 triệu du khách, doanh thu từ du lịch ước đạt 20.000 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 12.748 tỷ đồng, gấp 2,1 lần cùng kỳ.
Sản xuất công nghiệp cơ bản ổn định và có bước phát triển, các sản phẩm may mặc, giày da tăng thêm sản lượng do đầu tư mở rộng sản xuất trong năm 2021 và hoàn thành đầu tư mới đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2022; các sản phẩm xi măng, gạch xây, bia, thuốc lá… duy trì được sản xuất ổn định. Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 16,03% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 7,51%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16,06%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 16,27%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,94% so cùng kỳ.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2022 dự kiến tăng 3,44% so với tháng trước, tăng 60,51% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 63,07% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, năm 2022, tỉnh Thanh Hóa được Thủ tướng Chính phủ giao vốn đầu tư công hơn 11.919 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 23/9/2022, tổng giá trị giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của Thanh Hóa đạt 6.228 tỷ đồng (bao gồm vốn các chương trình mục tiêu quốc gia), bằng 55% kế hoạch, cao hơn 8,3% so với tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước (46,7%).
Hiện tại, Thanh Hóa có 51 chủ đầu tư giải ngân đạt từ 50% kế hoạch trở lên, 12 chủ đầu tư giải ngân đạt từ 30% đến dưới 50% kế hoạch, 15 chủ đầu tư giải ngân đạt từ 10% đến dưới 30% kế hoạch, 9 chủ đầu tư giải ngân đạt dưới 10% kế hoạch và 3 chủ đầu tư chưa giải ngân.
Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 từ nguồn cân đối ngân sách tỉnh, vốn hỗ trợ từ Ngân sách Trung ương và trái phiếu Chính phủ do tỉnh quản lý đã được Chủ tịch UBND tỉnh giao chi tiết cho các chủ đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư giải ngân và các nhà thầu, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước đạt 103.349 tỷ đồng, đạt 71,3% kế hoạch năm, tăng 2,6% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn Ngân sách Nhà nước 11.636 tỷ đồng, tăng 2,0%; vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch Nhà nước 4.467 tỷ đồng, tăng 3,4%; vốn vay từ các nguồn khác (của khu vưc̣ Nhà nước) 6.443 tỷ đồng, tăng3,5%; vốn đầu tư của dân cư và tư nhân 68.813 tỷ đồng, tăng 11,7%.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn Ngân sách Nhà nước địa phương ước đạt 7.395 tỷ đồng, bằng 67,1% kế hoạch năm và tăng 1,2% so với cùng kỳ. Vốn Ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 3.108 tỷ đồng, bằng 63,3% kế hoac̣h năm và giảm 1,4% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 8.282 tỷ đồng, giảm 39,1% so với cùng kỳ năm 2021./.