Thời gian qua, UBND tỉnh Thanh Hoá đã tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tìm hiểu, triển khai thực hiện các hồ sơ, thủ tục dự án. Đồng thời, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố nâng cao chất lượng, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định của pháp luật trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, quy hoạch, quản lý đất đai trong quá trình giải quyết hồ sơ, thủ tục cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Đến tháng 9/2022, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều dự án đầu tư trực tiếp đi vào hoạt động, như: Xi măng Nghi Sơn, Xi măng Công Thanh; Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Nhiệt điện Nghi Sơn 2; FLC Sầm Sơn Golf links; Khu đô thị du lịch sinh thái FLC; Dây chuyền 1, 2, 3 Nhà máy xi măng Long Sơn; Cảng tổng hợp quốc tế Nghi Sơn; Dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào vận hành thương mại… đã đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng thu ngân sách của tỉnh.
Bên cạnh đó, một số dự án trọng điểm đang được triển khai, đem lại triển vọng phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch và tạo động lực tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của tỉnh, như: Nhà máy xi măng Đại Dương; Dây chuyền 4 Nhà máy xi măng Long Sơn; các bến cảng tổng hợp, bến cảng container trong Khu kinh tế Nghi Sơn; Nhà máy Intco Medical Việt Nam; Flamingo Linh Trường khu B; các trang trại chăn nuôi bò sữa, bò thịt, lợn thịt chất lượng cao, khách sạn, khu du lịch ven biển...
Cùng với việc hỗ trợ, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư trực tiếp; tỉnh kiên quyết rà soát, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất đối với các dự án đã được giao đất, cho thuê đất. Đồng thời, tỉnh ra văn bản thu hồi đất đối với các dự án vi phạm quy định về đất đai.
Trên cơ sở rà soát các dự án đầu tư trực tiếp trên địa bàn tỉnh, các thành viên Tổ công tác rà soát tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã phân tích, chỉ ra một số tồn tại trong thực hiện các dự án, như: Một số dự án triển khai đầu tư xây dựng các hạng mục công trình chậm so với tiến độ được chấp thuận; mặc dù lập tổng mặt bằng/quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 nhưng chậm lập trích lục bản đồ vị trí khu đất nên khó khăn trong việc xác định các mốc giải phóng mặt bằng thực hiện dự án; vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng dẫn đến thời gian hoàn thành hồ sơ, thủ tục thuê đất kéo dài, phải đề nghị UBND tỉnh gia hạn thời gian thực hiện.
Một số dự án trên địa bàn tỉnh đã đi vào sản xuất, vận hành, khai thác, nhưng hoạt động không hiệu quả; mục tiêu dự án được cơ quan chấp thuận không còn phù hợp với xu hướng phát triển nhưng nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc chuyển đổi mô hình, mục tiêu đầu tư…
Tại Hội nghị rà soát tiến độ thực hiện các dự án chiều 27/9/2022, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, Tổ trưởng Tổ công tác rà soát tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của các thành viên Tổ công tác trong việc rà soát, thống kê các dự án đầu tư trực tiếp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Phó Chủ tịch nhấn mạnh vai trò quan trọng của Tổ công tác trong nắm bắt tình hình, đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.
Để việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai trên địa bàn tỉnh nói chung và thực hiện các dự án đầu tư nói riêng, Phó Chủ tịch Lê Đức Giang yêu cầu các thành viên Tổ công tác khẩn trương đấu mối với các huyện, thị xã, thành phố, cung cấp số liệu, thông tin, hoàn thiện báo cáo kết quả rà soát tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong ngày 28/9 để Tổ công tác báo cáo HĐND tỉnh.
Trong đó, Phó Chủ tịch tỉnh lưu ý thống kê, rà soát chính xác số liệu về các dự án được giao đất, cho thuê đất trên địa bàn tỉnh; làm rõ lý do chậm tiến độ của các dự án, phân tích lý do khách quan, chủ quan...; đồng thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án./.