Aa

Thanh Hóa: Tập trung xây dựng nhà ở xã hội gắn với phát triển đô thị

Viết Huy
Viết Huy hoanghuy1089@gmail.com
Thứ Năm, 02/02/2023 - 06:10

Xây dựng nhà ở xã hội mang lại cơ hội có nhà ở cho người có thu nhập thấp, góp phần chỉnh trang đô thị, điều tiết thị trường bất động sản theo hướng lành mạnh, ổn định là vấn đề mà tỉnh Thanh Hóa đang quan tâm.

Yêu cầu doanh nghiệp bàn giao 5 khu đất để xây dựng nhà ở xã hội

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hoá đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét, chỉ đạo chủ đầu tư các dự án bàn giao các khu đất để xây dựng nhà ở xã hội cho Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hoá quản lý, làm cơ sở thực hiện trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án theo quy định của pháp luật.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hoá, 5 khu đất quy hoạch nhà ở xã hội thuộc dự án nhà ở thương mại trên địa bàn TP Thanh Hoá và TP Sầm Sơn mà chủ đầu tư phải bàn giao cho nhà nước quản lý là các dự án: Nhà ở xã hội thuộc Khu dân cư dọc 2 bên đường dự án CSEDP thuộc khu đô thị Đông Sơn (TP Thanh Hoá); nhà ở xã hội thuộc Khu đô thị phía Đông Đại lộ Bắc Nam, phường Nam Ngạn (TP Thanh Hoá), nhà ở xã hội thuộc dự án Khu thương mại và dân cư A-TM3, phường Đông Hương (TP Thanh Hoá); nhà ở xã hội thuộc Khu dân cư Đông Nam làng Tân Thọ, xã Đông Tân, phường Phú Sơn (TP Thanh Hoá); nhà ở xã hội thuộc dự án Khu dân cư Đồng Xuân, phường Bắc Sơn (TP Thanh Hoá).

Thanh Hóa: Định hướng phát triển nhà ở xã hội gắn với phát triển đô thị
Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hoá đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét, chỉ đạo chủ đầu tư các dự án bàn giao các khu đất để thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật (Ảnh Viết Huy).

Liên quan đến vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Mai Xuân Liêm cũng đã có ý kiến chỉ đạo: Giao Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hoá chủ trì, căn cứ chỉ đạo của UBND tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, tiếp nhận bàn giao phần diện tích nhà ở xã hội tại dự án Khu thương mại và dân cư A-TM3 (phường Đông Hương, TP Thanh Hoá) để triển khai công việc tiếp theo theo quy định.

Yêu cầu UBND TP Thanh Hoá, UBND TP Sầm Sơn khẩn trương thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng đối với dự án Khu dân cư Đông Nam làng Tân Thọ, xã Đông Tân và phường phú Sơn, TP Thanh Hoá và dự án Khu dân cư Đồng Xuân, phường Bắc Sơn, TP Sầm Sơn để nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục giao đất theo quy định; yêu cầu các chủ đầu tư các dự án tập trung nguồn lực để thực hiện việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, bàn giao quỹ đất nhà ở xã hội cho nhà nước quản lý theo quy định.

Trong thời gian qua, Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hoá đã thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo quy định của pháp luật, thực hiện nghiêm quy định dành quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở, khu đô thị và đảm bảo nhu cầu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.

Theo đó, Sở Xây dựng Thanh Hóa đã thực hiện rà soát, tham gia ý kiến điều chỉnh, bổ sung quỹ đất nhà ở xã hội tại 23 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị (tại TP Thanh Hoá, TP Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn) để đảm bảo việc bố trí quỹ đất nhà ở xã hội theo quy định.

Liên quan đến dự án xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn, mới đây UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản đề nghị các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện chủ trương theo chỉ đạo của UBND tỉnh về việc không khuyến khích đầu tư nhà ở xã hội loại liền kề thấp tầng chia lô,…

Trường hợp khi lập đồ án quy hoạch chi tiết các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị, khu dân cư tại khu vực mà quy hoạch chung, quy  hoạch phân khu... (các quy hoạch cấp trên) không phù hợp để bố trí nhà ở xã hội cao tầng, Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào điều kiện, nhu cầu của địa phương để đề xuất báo cáo UBND tỉnh xem xét đối với từng vị trí cụ thể đảm bảo theo quy  định của pháp luật.

Đối với 5 khu đô thị, khu dân cư là Khu đô thị mới Nam Bỉm Sơn, Khu dân cư hai bên đường Quốc lộ 1A đoạn từ cầu Hoàng Long đến tượng đài Thanh niên xung phong, TP. Thanh Hóa; Khu dân cư thôn Kiều Tiến, xã  Hoằng Đại, TP. Thanh Hóa; Khu dân cư thôn Sơn Hà, xã Hoằng Đại, TP. Thanh Hóa; Khu dân cư Đồng Chành (thôn 6), xã Thiệu Khánh nay là phố Dinh Xá,  phường Thiệu Khánh, TP. Thanh Hóa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500.

Trước mắt, UBND thị xã Bỉm Sơn, UBND TP.Thanh Hóa theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm tham mưu việc bàn giao các quỹ đất nhà ở xã hội thấp tầng đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho Nhà nước quản lý, thực hiện tại dự án riêng (bằng  nguồn vốn và phương thức đầu tư phù hợp với tình hình thực tế).

Sở Xây dựng phối hợp với các đơn vị liên quan, các địa phương đã triển khai dự án nhà ở xã hội thấp tầng (bao gồm cả dự án sử dụng quỹ đất 20%) để tiến hành khảo sát thực tế, học tập kinh nghiệm, trong đó có việc quản lý quỹ đất nhà ở xã hội thấp tầng mà nhà đầu tư được đầu tư quản  lý, kinh doanh (nếu cần thiết).

Định hướng phát triển đô thị đến năm 2030 đạt 50%

Với tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh Thanh Hóa hiện mới đạt khoảng 36%, thấp hơn trung bình chung cả nước là khoảng 41,5%. Đến thời điểm hiện nay, hệ thống đô thị tỉnh Thanh Hóa có 34 đô thị, gồm 1 đô thị loại I, 2 đô thị loại III, 1 đô thị loại IV, 30 đô thị loại V, với tỷ lệ đô thị hóa đạt 36%, tăng hơn 25,6% so với năm 2010. Như vậy, trong hơn 10 năm qua, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh Thanh Hóa vẫn thấp hơn trung bình cả nước.

Thanh Hóa: Định hướng phát triển nhà ở xã hội gắn với phát triển đô thị
Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ đô thị hóa đạt 40%, đến năm 2030 tỷ lệ đô thị hóa đạt 50% (Ảnh Trung Nguyễn).

Cùng với việc thực hiện Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, quản lý, xây dựng và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có kế hoạch số 57 để quán triệt thực hiện.

Ngoài các mục tiêu chung, Tỉnh ủy Thanh Hóa còn đề ra nhiều mục tiêu tổng quát như việc phát triển đô thị có kiến trúc hiện đại, xanh, giàu bản sắc văn hóa xứ Thanh theo đúng quy hoạch.

Nhiều chỉ tiêu cụ thể đã được đề ra trên cơ sở phân tích hiện trạng và điều kiện phát triển đô thị hiện tại. Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ đô thị hóa đạt 40%, đến năm 2030 tỷ lệ đô thị hóa đạt 50%.

Theo quy hoạch xây dựng, số lượng đô thị toàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 khoảng 45 đô thị. Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP của tỉnh đến 2025 phấn đấu đạt 75%, đến năm 2030 phấn đấu đạt 85% của toàn tỉnh.

Lộ trình đến 2030, tỉnh Thanh Hóa sẽ xây dựng các thành phố Thanh Hóa và Sầm Sơn, các thị xã Bỉm Sơn và Nghi Sơn thành đô thị thông minh, kết nối các đô thị thông minh của khu vực và quốc gia.

UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành kế hoạch số 275 về phát triển hệ thống đô thị nhằm từng bước hoàn chỉnh hệ thống đô thị tỉnh Thanh Hóa, phát triển bền vững, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; đảm bảo đến năm 2025 đạt mục tiêu đô thị hóa 40% trở lên.

Theo định hướng đến 2025, Thanh Hóa sẽ phát triển 1 đô thị loại I là TP. Thanh Hóa (sáp nhập TP. Thanh Hóa và huyện Đông Sơn); 2 đô thị loại III gồm TP. Sầm Sơn và thị xã Bỉm Sơn; 1 đô thị loại IV là thị xã Nghi Sơn và 29 thị trấn là đô thị loại V.

Bên cạnh đó, 100% các đô thị hiện có và đô thị mới có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu; có chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị; bảo đảm tối thiểu 100% đô thị loại IV trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hóa cấp đô thị.

Đến nay, tỉnh Thanh Hóa có 23 huyện đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện, đạt 100%; các đô thị thành phố, thị xã, thị trấn đều được phê duyệt quy hoạch chung, đạt 100% với chất lượng đồ án quy hoạch ngày càng được nâng cao, làm cơ sở để quản lý quy hoạch, kế hoạch hóa đầu tư.

Thông tin từ Viện Quy hoạch - Kiến trúc Thanh Hóa, quy hoạch nhằm nâng cao vai trò, vị thế của đô thị Thanh Hóa thịnh vượng, hiện đại, sinh thái, giàu bản sắc, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng biến đổi khí hậu, phát huy truyền thống và lịch sử văn hóa đồng bằng sông Mã và văn hóa Đông Sơn. Tầm nhìn của đô thị hướng tới một “Thành phố hội tụ, kết nối phát triển” với vai trò là một trung tâm liên kết vùng Bắc Trung Bộ với đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc Việt Nam và Đông Bắc Lào.

Hướng phát triển đô thị TP. Thanh Hóa theo mô hình “vành đai mở kết hợp mạng lưới mềm”, lấy trục đại lộ Lê Lợi kéo dài làm trục trung tâm, lấy sông Mã làm trục cảnh quan của đô thị. Đến nay TP. Thanh Hóa là một trong những đô thị hấp dẫn, năng động nhất khu vực Bắc Trung bộ và Nam Đồng bằng Sông Hồng, là đô thị loại I, cùng với TP. Vinh và TP. Huế là 1 trong 3 đô thị có quy mô dân số, diện tích lớn nhất vùng Bắc Trung Bộ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top