Quá trình đầu tư, xây dựng các khu công nghiệp (KCN) tại Thanh Hóa đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập từ đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thoát nước thải, phòng cháy chữa cháy chủ yếu KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga và KCN Bỉm Sơn dẫn đến hàng loạt doanh nghiệp vi phạm quy định về PCCC.
Trước đó, trong quá trình cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa tiến hành rà soát việc chấp hành các quy định về PCCC tại KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga có 183 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh đã bị xử lý vi phạm, với tổng số tiền phạt hơn 9 tỷ đồng. Trong đó, có 108 cơ sở bị đình chỉ hoạt động, 3 cơ sở yêu cầu tạm dừng hoạt động để khắc phục tồn tại về PCCC.
Hiện nay, có 39 doanh nghiệp đã có phương án, lộ trình khắc phục, còn lại đa phần các doanh nghiệp đều chưa có phương án, lộ trình khắc phục các hạn chế về công tác PCCC.
Tại cuộc họp này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm giao Ban Quản lý KKTNS và các KCN, thị xã Bỉm Sơn phối hợp giải quyết khó khăn, đưa các vị trí GPMB còn lại vào kế hoạch GPMB năm 2023, tạo điều kiện để các chủ đầu tư tiếp tục thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống PCCC tại KCN Bỉm Sơn.
Đối với các vấn đề còn vướng mắc tại KCN Tây Bắc Ga - Đình Hương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm đã nêu rõ, trong thời gian qua, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các KCN chưa tập trung rà soát, chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp chấp hành và thực hiện đầu tư kịp thời đối với hạng mục hạ tầng PCCC tại các khu vực do đơn vị quản lý theo quy định hiện hành. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp và các chủ đầu tư hạ tầng còn lúng túng trong quy trình thiết kế, trình thẩm định phương án PCCC theo quy định mới.
Các đơn vị, Công an tỉnh tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp đã nộp hồ sơ trình phê duyệt phương án khắc phục, tạo điều kiện để sớm hoàn thành đầu tư công trình PCCC, nghiệm thu đi vào hoạt động trở lại. Bên cạnh đó, thực hiện rà soát, phân nhóm các doanh nghiệp có khả năng, điều kiện khắc phục để hướng dẫn các đơn vị xây dựng hồ sơ, phương án, lộ trình thực hiện.
Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn xây dựng phương án, nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng khung về PCCC để các doanh nghiệp đấu nối với hệ thống PCCC của các đơn vị. Đối với các doanh nghiệp cố tình không thực hiện phương án khắc phục sẽ xử lý theo quy định.
Theo báo cáo, tổng diện tích KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga có khoảng 200,11ha; gồm 3 khu: KCN Đình Hương, KCN Tây Bắc Ga (giai đoạn 1) và KCN Tây Bắc Ga (giai đoạn 2). Đối với KCN Đình Hương được thành lập trên cơ sở gom các doanh nghiệp đã có từ trước nên không có chủ đầu tư hạ tầng, hệ thống các hạng mục hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông (các trục đường giao thông được nâng cấp, cải tạo từ Quốc lộ 1A cũ, đường ngã ba Đình Hương đi Đông Sơn...). Từ khi thành lập đến nay không đầu tư thêm các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, do đó hạ tầng KCN chưa đồng bộ.
Đối với KCN Tây Bắc Ga (giai đoạn 1), được UBND đầu tư hạ tầng theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng với Công ty TNHH Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Bình Minh. Hiện KCN Tây Bắc Ga (giai đoạn 1) đã đầu tư trạm xử lý nước thải tập trung công suất 1.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, hệ thống xử lý nước thải tập trung tạm dừng đầu tư theo Thông báo số 14/TB-UBND ngày 21/01/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh. Hiện tại, hạ tầng kỹ thuật KCN Tây Bắc Ga (giai đoạn 1) đã được đầu tư hoàn thành khoảng 80% khối lượng dự án được phê duyệt, được quyết toán với tổng giá trị là 147,632 tỷ đồng.
Về hệ thống PCCC, hiện nay hệ thống cấp nước chữa cháy có tổng số 19 trụ cấp nước chữa cháy. Đến nay, hệ thống trụ cấp nước chữa cháy đã được đưa vào sử dụng trên 10 năm, tuy được kiểm tra bảo dưỡng nhưng nhiều trụ nước cũng đã bị hoen rỉ, xuống cấp không đáp ứng nhu cầu sử dụng.
Về hạ tầng kỹ thuật KCN Tây Bắc Ga (giai đoạn 1) đưa vào sử dụng trước năm 2020 nên chưa thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu về PCCC. KCN chưa thành lập đội PCCC chữa cháy chuyên ngành theo quy định tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ, Thông tư 149/2020/TT-BCA của Bộ Công an.
KCN Tây Bắc Ga (giai đoạn 2), được UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Phục Hưng (trước đây có tên là Công ty cổ phần kiến trúc Phục Hưng) đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật. Đến nay, chủ đầu tư hạ tầng đã triển khai thi công đảm bảo tiến độ quy định và hoàn thành khoảng 95% khối lượng công việc theo dự án đầu tư đã được phê duyệt.
Đối với KCN Bỉm Sơn có khoảng 524,9ha; được chia thành khu A và khu B. Về hạ tầng KCN Bỉm Sơn, hạ tầng KCN này hiện do 3 nhà đầu tư triển khai là Công ty CP Đầu tư phát triển VID Thanh Hóa, Công ty CP Tập đoàn Tân Phục Hưng và Công ty CP Đầu tư và Xây dựng HUD4. Các chủ đầu tư đã hoàn thành khoảng 75 - 95% khối lượng công việc, tập trung ở các hạng mục hệ thống giao thông, thoát nước, điện nguồn...
Đối với hạ tầng PCCC, các chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ và đang chờ thẩm duyệt phương án thiết kế mới để thi công. Ngoài ra, KCN Bỉm Sơn cũng chưa thành lập được đội PCCC chuyên ngành cho toàn khu theo quy định.
Cũng tại cuộc họp này, các chủ đầu tư cũng nêu một số khó khăn còn tồn tại, nhất là trong công tác GPMB để thi công hạng mục PCCC và một số hạng mục khác như cấp nước. Đồng thời, đề nghị chính quyền các địa phương phối hợp tích cực để hoàn thành GPMB các vị trí khó, đẩy nhanh quá trình đầu tư hạ tầng và thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất./.