Aa

Thanh Hóa: Tỉnh "đòi" đất, doanh nghiệp không chịu trả

Thứ Ba, 27/04/2021 - 11:00

Tính đến thời điểm này, sau khoảng 5 năm từ khi có thông báo thu hồi đất, Công ty Sơn Tân Anh vẫn chưa chịu bàn giao đất.

Tỉnh ra quyết định thu hồi đất nhưng doanh nghiệp không chịu bàn giao

Công ty Cổ phần Chế biến Lâm sản xuất khẩu Thanh Hóa trước đây là doanh nghiệp Nhà nước, được UBND tỉnh cho thuê đất sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh lâm sản tại số 31 Trần Khát Chân, phường Hàm Rồng, TP. Thanh Hóa. Đến ngày 24/3/2006, doanh nghiệp được Nhà nước gia hạn cho thuê đến 30/1/2007.

Ngày 10/1/2007, Công ty Cổ phần Chế biến Lâm sản xuất khẩu Thanh Hóa ký hợp đồng bán tài sản trên đất thuê cho Công ty TNHH Sơn Tân Anh (gọi tắt là Công ty Sơn Tân Anh). Sau khi ký hợp đồng, Công ty Sơn Tân Anh tiếp tục sử dụng đất đối với khu đất đã hết hạn thuê.

Đến tháng 6/2015, Công ty Cổ phần Chế biến Lâm sản xuất khẩu Thanh Hóa có văn bản xin trả đất. Căn cứ tờ trình của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định thu hồi đất của Công ty Cổ phần Chế biến Lâm sản xuất khẩu Thanh Hóa, diện tích 865m2, do không được gia hạn theo quy định.

Khu đất đang được Công ty Sơn Tân Anh sử dụng.

Sau khi có quyết định của tỉnh, cơ quan có thẩm quyền đã triển khai việc thu hồi đất đối với đơn vị có liên quan để tiếp nhận khu đất. Thế nhưng đến nay, sau nhiều năm kể từ khi tỉnh Thanh Hóa có quyết định thu hồi, khu đất này vẫn chưa được bàn giao trên thực tế.

Điều đáng nói là, kể từ sau khi có quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh Thanh Hóa, Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Thanh Hóa đã nhiều lần có văn bản thông báo tới Công ty Sơn Tân Anh, đồng thời yêu cầu tháo dỡ, di chuyển tài sản công trình ra khỏi khu đất, nhưng doanh nghiệp vẫn không thực hiện. Tại nhiều văn bản liên quan tới việc thu hồi đất, đại diện doanh nghiệp không ký biên bản, hoặc vắng mặt.

Doanh nghiệp chiếm đất, thu lợi không nhỏ

Cuối năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã tổ chức kiểm tra việc sử dụng đất tại khu đất thu hồi của Công ty Cổ phần Chế biến Lâm sản xuất khẩu Thanh Hóa tại địa chỉ nêu trên. Theo đó, Công ty Sơn Tân Anh là đơn vị sử dụng đất vào mục đích chế biến lâm sản, chưa tháo dỡ, di chuyển tài sản công trình ra ngoài khu đất và không phối hợp xử lý.

Cũng theo Sở này, việc Công ty Sơn Tân Anh sử dụng đất khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép là hành vi chiếm đất căn cứ theo quy định của Luật Đất đai 2013, đồng thời buộc trả lại đất đã chiếm, tháo dỡ, di chuyển tài sản ra ngoài khu đất, bàn giao mặt bằng cho Trung tâm phát triển quỹ đất Thanh Hóa quản lý.

Cơ quan có thẩm quyền cũng yêu cầu Công ty Sơn Tân Anh buộc nộp lại số lợi có được bất hợp pháp do hành vi vi phạm (chiếm đất), số tiền hơn 250 triệu đồng. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp này cho rằng, đơn vị không chiếm đất và không ký vào biên bản vi phạm hành chính.

Mới đây, tại biên bản làm việc ngày 14/1/2021, phía Công ty Sơn Tân Anh đồng ý giao đất cho Nhà nước, nhưng đưa ra đề nghị cho Công ty được thuê đất ở vị trí khác hoặc cho phép kéo dài thời gian thuê 1 đến 2 năm để doanh nghiệp có mặt bằng sản xuất; hỗ trợ chi phí cho Công ty vì có công trong việc tôn tạo, cải tạo đất đã sử dụng hơn 10 năm…

Tuy nhiên, đề nghị này không được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Phía cơ quan có thẩm quyền cũng đưa ra “tối hậu thư” đề nghị doanh nghiệp này di chuyển tài sản và bàn giao đất chậm nhất ngày 1/3/2021. Nếu công ty không thực hiện theo chỉ đạo sẽ tổ chức cưỡng chế theo quy định. Thế nhưng, đến nay, đã gần 2 tháng sau khi có ý kiến từ cơ quan có thẩm quyền, mọi thứ dường như vẫn “án binh bất động”.

Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM).

Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng: "UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định thu hồi đất của Công ty Cổ phần Chế biến Lâm sản xuất khẩu Thanh Hóa, diện tích 865m2, do không được gia hạn theo quy định.

Như vậy, để thi hành quyết định thu hồi đất của Công ty Cổ phần Chế biến Lâm sản xuất khẩu Thanh Hóa, các cơ quan Nhà nước phải xem xét đối với Công ty Sơn Tân Anh, trong đó Công ty Sơn Tân Anh không phải là người sử dụng đất, người sở hữu tài sản trên đất thuê được công nhận nên sẽ xử lý bằng việc xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc trả lại mặt bằng.

Với những trường hợp này, phía cơ quan Nhà nước sẽ thuyết phục, vận động doanh nghiệp thực hiện quy định. Nhưng các yêu cầu của doanh nghiệp đưa ra là không đúng quy định. Do đó, với vụ việc này, nếu doanh nghiệp không tự nguyện bàn giao đất thì các cơ quan Nhà nước sẽ tiến hành thủ tục cưỡng chế", Luật sư Phượng cho hay.

Câu hỏi đặt ra là, liệu có sự hạn chế về năng lực hoặc sự nể nang nào đối với người thực thi công vụ được trao quyền hay không, mà vẫn không thể thực hiện trọn vẹn quyết định thu hồi đất do tỉnh ban hành?

Theo Luật sư Phượng: "Trường hợp phải trả đất cho Nhà nước thì người sử dụng đất thanh lý các tài sản trên đất như việc bán cây trồng, tháo dỡ các công trình để tận thu... Tuy nhiên, vụ việc này để tình trạng kéo dài như vậy thì phía cơ quan Nhà nước còn thiếu cương quyết trong thực thi công vụ"./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top