Aa

Thành lập Ban Chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng

Châu Anh
Châu Anh nchauanh9999@gmail.com
Thứ Tư, 07/05/2025 - 22:40

UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định số 1186 về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng Dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng (đoạn qua địa bàn tỉnh). Ban Chỉ đạo do Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường làm Trưởng ban.

Theo Quyết định số 1186, Ban Chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (đoạn qua địa bàn tỉnh Lào Cai) gồm 9 thành viên. Thành phần bao gồm các cán bộ thuộc Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành liên quan, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ Xây dựng), Bí thư Thành ủy thành phố Lào Cai, cùng Bí thư Huyện ủy các huyện: Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn, Bát Xát. Ngoài ra, Thủ trưởng các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh và Tổng Biên tập Báo Lào Cai cũng là thành viên. Ban Chỉ đạo do Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường làm Trưởng ban.

Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo gồm 15 người, do ông Nguyễn Trọng Hài, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, kiêm Tổ trưởng tổ giúp việc.

Thành lập Ban Chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng- Ảnh 1.

Bản đồ tổng hướng tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng. (Ảnh: Báo Nhân dân)

Trưởng Ban Chỉ đạo có trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng theo đúng chủ trương, định hướng của Trung ương và Tỉnh ủy. Đồng thời, Trưởng ban chịu trách nhiệm điều hành toàn bộ hoạt động của Ban Chỉ đạo; chủ trì các cuộc họp định kỳ và đột xuất; quyết định các vấn đề thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo; phân công công việc cụ thể cho các thành viên. Trong những trường hợp cần thiết, Trưởng ban có thể ủy quyền cho Phó Trưởng ban xử lý công việc thuộc thẩm quyền.

Ngoài ra, Trưởng ban sẽ chỉ đạo các cấp, ngành, cơ quan tại địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng và Ban Quản lý dự án Đường sắt để tiếp nhận hồ sơ liên quan (bao gồm tọa độ tim tuyến, ranh giới giải phóng mặt bằng), đồng thời khẩn trương tổ chức công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư song song với quá trình lập Báo cáo nghiên cứu khả thi của Bộ Xây dựng, nhằm đảm bảo hoàn thành việc bàn giao mặt bằng trong tháng 8/2025, phục vụ thi công dự án.Các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo có trách nhiệm chủ trì triển khai các nhiệm vụ theo sự phân công hoặc ủy quyền của Trưởng ban; tổ chức thực hiện đảm bảo tiến độ và hiệu quả, đồng thời chịu trách nhiệm trước Trưởng ban về kết quả thực hiện. Ngoài ra, còn có nhiệm vụ hỗ trợ Trưởng ban trong công tác kiểm tra, đánh giá, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong phạm vi được phân công theo dõi, phụ trách.

Trước đó, tại cuộc họp Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt diễn ra vào sáng 26/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu rõ nêu rõ mục tiêu không thay đổi là phải khởi công Dự án đầu tư tuyến đướng sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong năm 2025 và khởi công tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong năm 2026; giao các cơ quan khẩn trương hoàn thiện nghị quyết thống nhất các cơ chế đặc thù cho tất cả dự án đường sắt, trình Chính phủ trong tháng 4 để trình Quốc hội trước ngày 5/5/2025.

Đối với Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tiếp tục trao đổi, làm việc, thúc đẩy phía Trung Quốc để sớm hoàn thành công tác đàm phán hiệp định vay, đáp ứng tiến độ triển khai Dự án.

Về giải phóng mặt bằng cho các dự án, Thủ tướng nêu rõ, luật, cơ chế, chính sách đã có, các địa phương phải chủ động giải phóng mặt bằng, huy động cả hệ thống chính trị và các lực lượng vào cuộc; đặc biệt cần hoàn thành giải phóng mặt bằng cho Dự án đầu tư xây dựng tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong tháng 9 năm nay.

Theo Nghị quyết 187, dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, với tổng vốn 203.231 tỷ đồng, tương đương 8,37 tỷ USD, phấn đấu hoàn thành chậm nhất năm 2030.

Điểm đầu dự án tại vị trí nối ray qua biên giới (tỉnh Lào Cai), điểm cuối tại ga Lạch Huyện (Hải Phòng), dài gần 391 km; chiều dài tuyến nhánh 27,9 km, đi qua 9 tỉnh, thành phố gồm Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng. Tuyến đường sắt được đầu tư mới đường đơn, khổ 1,435 m, vận chuyển chung hành khách, hàng hóa; tốc độ thiết kế 160 km/h với tuyến chính từ ga Lào Cai mới đến ga Nam Hải Phòng; 120 km/h với đoạn qua khu vực đầu mối TP. Hà Nội; tốc độ 80 km/h với các đoạn tuyến còn lại. Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 2.632 ha, số dân tái định cư khoảng 19.136 người.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top