Aa

Thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Dự án Luật Đất đai sửa đổi

Thứ Năm, 06/08/2020 - 10:00

Ngày 4/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 1188/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) (Ban Chỉ đạo). 

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà làm Phó Trưởng ban thường trực. Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm Phó Trưởng ban.

Ảnh minh họa

Các thành viên Ban Chỉ đạo gồm có: Đại diện Lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ và Tổng cục Quản lý đất đai; mời đại diện Lãnh đạo các cơ quan: Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Hội đồng nhân dân tộc của Quốc hội, Phường Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam tham gia.

Cụ thể, chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo là tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tổ chức thực hiện đánh giá việc thi hành Luật Đất đai và xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi); đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện tổng kết thi hành Luật Đất đai; tổ chức tổng kết, đánh giá việc thi hành Luật Đất đai, xây dựng Báo cáo tổng kết để báo cáo Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo việc xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) theo yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương và Quốc hội.

Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ban Chỉ đạo; có trách nhiệm phối hợp, theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả triển khai thực hiện của các bộ, ngành và địa phương; tổng hợp, xây dựng báo cáo, trình Trưởng Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện theo định kỳ và đột xuất.

Ngoài ra, các thành viên Ban Chỉ đạo sẽ hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, chịu trách nhiệm cá nhân đối với lĩnh vực công tác được giao và tuân thủ các quy định về Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành và Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo. Quy chế hoạt động của Ban do Trưởng Ban Chỉ đạo quy định.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV (tháng 5/2019), Chính phủ đã xin rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai để trình vào thời điểm thích hợp. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng tình và đề nghị lùi dự án luật này sang kỳ họp 9 (tháng 5/2020).

Ngày 10/06/2020, tại kỳ họp 9 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình năm 2020. Theo đó, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội trước mắt cho rút dự án sửa đổi Luật Đất đai ra khỏi Chương trình, chờ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ tiến hành sửa đổi căn cơ theo định hướng chiến lược xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn mới. 

Như vậy, Quốc hội một lần nữa đồng ý cho lùi sửa Luật Đất đai.

Luật Đất đai đã ra đời hơn 30 năm, với 6 lần sửa đổi, gần nhất là vào năm 2013. Giới nghiên cứu và doanh nghiệp cho rằng, sau 7 năm, Luật Đất đai 2013 đã lộ rõ nhiều bất cập, chồng chéo dẫn đến việc mập mờ trách nhiệm quản lý, khó khăn trong quá trình tổ chức, thực hiện.

Theo tờ trình của Chính phủ tại kỳ họp thứ 9 vừa qua, hiện nội dung của dự án luật còn một số vấn đề phức tạp, cần có thêm thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị và đánh giá kỹ hơn, như các vấn đề về kinh tế, tài chính đất đai; khung giá đất; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng, giải quyết hài hòa lợi ích của nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; tập trung, tích tụ đất nông nghiệp và an ninh lương thực; quản lý đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp; quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh; chế độ quản lý, sử dụng đất để xây dựng căn hộ, biệt thực du lịch, văn phòng kết hợp với lưu trú; chính sách quản lý, sử dụng đất tôn giáo; việc sử dụng đất có yếu tố nước ngoài…


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top