Aa

Thành lập thành phố Từ Sơn, Bắc Ninh muốn sớm lên thành phố trực thuộc Trung ương

Trần Hồ
Trần Hồ tranvanhobaoin@gmail.com
Chủ Nhật, 26/09/2021 - 09:00

Việc thành lập thành lập thành phố Từ Sơn được cho là tiền đề quan trọng, nền tảng góp phần sớm đưa tỉnh Bắc Ninh trở thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian tới.

Thành lập thành phố Từ Sơn

Mới đây, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, tại phiên họp thứ 3 diễn ra vào chiều 22/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định về việc thành lập thành phố Từ Sơn thuộc tỉnh Bắc Ninh.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Theo đề xuất của UBND tỉnh Bắc Ninh, thành phố Từ Sơn được thành lập trên cơ sở nguyên trạng 61,08km2 diện tích tự nhiên, dân số 202.874 người và 12 phường của thị xã Từ Sơn hiện nay. Trụ sở làm việc của thành phố Từ Sơn: Giữ nguyên trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị của thị xã Từ Sơn hiện có.

Tờ trình của Chính phủ nhấn mạnh, thị xã Từ Sơn là vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời, có vị trí chiến lược quan trọng trong các cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược với rất nhiều di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Nằm trên hành lang kết nối 6 phân khu đô thị Bắc Ninh - Tiên Du - Từ Sơn - Quế Võ - Yên Phong - Thuận Thành; thị xã Từ Sơn hiện nay là điểm trung gian kết nối giữa đô thị Bắc Ninh với Thủ đô Hà Nội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định về việc thành lập thành phố Từ Sơn thuộc tỉnh Bắc Ninh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định về việc thành lập thành phố Từ Sơn thuộc tỉnh Bắc Ninh.

Thị xã Từ Sơn cũng là trung tâm kinh tế, công nghiệp, dịch vụ, giữ vai trò động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Ninh. Cùng với vai trò kết nối tỉnh Bắc Ninh với vùng Thủ đô Hà Nội, thị xã Từ Sơn còn là đô thị nằm trên hành lang kinh tế lớn Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh thông qua những tuyến giao thông huyết mạch quan trọng, kết nối các tỉnh, các đô thị, các trung tâm phát triển kinh tế lớn của cả nước.

Việc thành lập thành phố Từ Sơn trên cơ sở nguyên trạng về diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc của thị xã Từ Sơn hiện nay là cần thiết và phù hợp với các quy hoạch đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, thúc đẩy địa phương phát triển trở thành đô thị ngày càng văn minh, hiện đại, đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh nói chung và trên địa bàn thị xã Từ Sơn nói riêng.

Diện mạo thị xã Từ Sơn nhìn từ trên cao.
Diện mạo thị xã Từ Sơn nhìn từ trên cao.

Thẩm tra nội dung trình của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết thành lập thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh với những lý do nêu trong các Tờ trình và Đề án của Chính phủ. Đối chiếu với quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc thành lập thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã bảo đảm 5/5 điều kiện và 5/5 tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số đơn vị hành chính trực thuộc, phân loại đô thị và tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định.

Hồ sơ Đề án đã được chuẩn bị nghiêm túc, đầy đủ, đúng quy định. Trình tự, thủ tục lập các Đề án đáp ứng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13. Đề án đã được lấy ý kiến của cử tri, của Hội đồng nhân dân ở các đơn vị hành chính chịu ảnh hưởng trực tiếp với tỷ lệ tán thành cao và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ theo đúng quy định. Đề án đã được lấy ý kiến thành viên Chính phủ với 28/28 thành viên biểu quyết đồng ý thông qua.

Tại phiên họp, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập thành phố Từ Sơn thuộc tỉnh Bắc Ninh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tổ chức thi hành nghị quyết này sớm sắp xếp, ổn định bộ máy các cơ quan, tổ chức ở địa phương, bảo đảm sẽ vận hành thông suốt khi nghị quyết có hiệu lực thi hành, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp.

 Thị xã Từ Sơn có cơ sở hạ tầng, giao thông tương đối khang trang, hiện đại, văn minh.
 Thị xã Từ Sơn có cơ sở hạ tầng, giao thông tương đối khang trang, hiện đại, văn minh.

Bên cạnh đó, tại phiên họp thường kỳ tháng 9/2021, UBND tỉnh Bắc Ninh đã tập trung thảo luận, cho ý kiến vào nhiều nội dung liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo đó, đề án thành lập thị xã Quế Võ và thành lập các phường thuộc thị xã Quế Võ thông qua tại phiên họp, dự kiến, thị xã Quế Võ được thành lập trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và đơn vị hành chính cấp xã của huyện.

Thị xã Quế Võ cũng sẽ thành lập 11 phường, gồm: Phố Mới, Việt Hùng, Bằng An, Phượng Mao, Phương Liễu, Đại Xuân, Nhân Hòa, Quế Tân, Phù Lương, Bồng Lai, Cách Bi.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh đánh giá thị xã Quế Võ cùng với TP. Bắc Ninh, TP. Từ Sơn và TP. Chí Linh trở thành chuỗi đô thị liên hoàn, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng phía Bắc của Thủ đô Hà Nội.

Đây cũng là tiền đề quan trọng, góp phần sớm đưa tỉnh Bắc Ninh trở thành đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian tới.

Cần 100.000 tỷ đồng đưa Bắc Ninh lên thành phố trực thuộc Trung ương

Theo đề án được Thủ tướng thông qua, Bắc Ninh là một trong ba địa phương sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương trong giai đoạn 2021 - 2030.

Trước đó, tại họp báo quý I/2021, ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, đây là điều kiện rất thuận lợi nhưng đòi hỏi nhiều thách thức. Trong đó, Bắc Ninh xác định để hoàn thành đầy đủ các chỉ tiêu thì cần hơn 5 tỷ USD vốn đầu tư, tương đương 100.000 tỷ đồng.

“Chúng tôi xác định nguồn vốn Nhà nước sẽ đáp ứng được khoảng 40%, tập trung vào những tiêu chí cấp bách, còn 60% là xã hội hóa”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Bắc Ninh đang xây dựng các khu đô thị lớn, đồng bộ làm tiền đề sớm lên thành phố trực thuộc Trung ương.
Bắc Ninh đang xây dựng các khu đô thị lớn, đồng bộ làm tiền đề sớm lên thành phố trực thuộc Trung ương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, định hướng của Bắc Ninh là xây dựng các khu đô thị có diện tích lớn, đồng bộ hàng trăm héc-ta. Các nhà đầu tư phải hoàn thiện toàn bộ các trục đường và hệ thống hạ tầng - xã hội xung quanh. Việc này áp dụng cho cả các nhà đầu tư công nghiệp. 

Hiện toàn tỉnh Bắc Ninh có 8 đô thị, bao gồm một đô thị loại I (TP. Bắc Ninh), một đô thị loại III (thị xã Từ Sơn được công nhận từ tháng 12/2018), 6 đô thị loại V. Khi đề án xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022 được phê duyệt, tỉnh đã chú trọng triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút các nguồn lực đầu tư cả trong, ngoài nước.

Trong quá trình phát triển đô thị, Bắc Ninh đặc biệt chú ý đến việc quy hoạch các hành lang xanh dọc theo sông Đuống, sông Cầu, nhiều khu đô thị được quy hoạch với mục tiêu là khu đô thị xanh như: Khu Tây Bắc TP. Bắc Ninh, diện tích khoảng 590ha; khu du lịch Phật Tích, diện tích khoảng 2.200ha tại huyện Tiên Du; khu liên hợp thể thao tỉnh Bắc Ninh diện tích khoảng 1.340ha tại huyện Tiên Du và huyện Quế Võ; khu sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí trên địa bàn huyện Tiên Du, thị xã Từ Sơn khoảng 1.400ha và khu du lịch văn hóa và sinh thái núi Dạm diện tích khoảng 200ha tại TP. Bắc Ninh; khu tổ hợp đô thị, du lịch văn hóa, vui chơi giải trí, diện tích khoảng 2.000ha tại huyện Thuận Thành...

Các khu đô thị này đã tạo điểm nhấn cho bộ mặt kinh tế - xã hội của Bắc Ninh. Đặc biệt, khi Bắc Ninh lên thành phố trực thuộc Trung ương, sẽ tạo động lực phát triển, cú hích mạnh mẽ cho thị trường bất động sản.

Ngoài ra, tỉnh cũng xác định sớm phát triển một số huyện là Yên Phong, Tiên Du, Quế Võ, Thuận Thành lên thị xã rồi sau đó mới lên quận. Tránh tình trạng nóng vội đạt tiêu chí.

Bắc Ninh sẽ sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng “hiện đại, văn hóa, tri thức và đô thị thông minh.
Bắc Ninh sẽ sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng hiện đại, văn hóa, tri thức và đô thị thông minh.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh cho hay, trong 5 năm tới, nguồn vốn ngân sách Nhà nước chỉ cân đối đầu tư được khoảng 30 - 40 nghìn tỷ đồng, còn lại sẽ đầu tư bằng xã hội hóa. Theo đó, khi triển khai thực hiện các khu công nghiệp, đô thị lớn trên địa bàn, tỉnh Bắc Ninh sẽ lựa chọn, yêu cầu chủ đầu tư phải làm hạ tầng đồng bộ các tuyến đường trục chính, phục vụ cho dự án và nhu cầu đi lại của người dân. 

Hơn nữa, tỉnh Bắc Ninh xác định phát triển công nghiệp với 5 khu công nghiệp vừa được Thủ tướng phê duyệt là động lực chính. Trong đó, tỉnh sẽ khởi công Khu công nghiệp VSIP 2 trong tháng 5 và khẩn trương hoàn thiện thủ tục cho Khu công nghiệp Thuận Thành 1, Gia Bình 1-2 và Quế Võ 3.

"Đây là điển hình về đầu tư 'ít đất', nhưng lại tạo ra hiệu quả kinh tế - xã hội rất cao. Đối với việc sử dụng lao động có chất lượng cao, cách mạng công nghệ 4.0 bắt buộc phải ứng dụng công nghệ cao, sử dụng ít lao động. Điều này sẽ giảm bớt những áp lực về xã hội, cơ sở hạ tầng để phục vụ và góp phần tăng thu vì lao động chất lượng cao thì đóng thuế thu nhập cá nhân sẽ tốt hơn", ông Nguyễn Đình Xuân nói.

Như vậy, thị xã Từ Sơn lên thành phố là cơ sở thuận lợi để Bắc Ninh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng “hiện đại, văn hóa, tri thức và đô thị thông minh”. Đây là tiền đề quan trọng, thúc đẩy công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đặc biệt, tạo sức bật cho thị trường bất động Bắc Ninh phát triển trong tương lai./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top