"Cứ cái khó nọ dẫn đến cái khó kia"
Sáng 7/9, tại cuộc họp về giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đã đưa ra những nhận định về áp lực chi phí của doanh nghiệp hiện nay trên các kênh, dựa vào việc phân tích sơ bộ báo cáo tài chính của gần 1.600 doanh nghiệp trên 3 sàn giao dịch chứng khoán.
Theo nhóm nghiên cứu, những con số thu được từ việc phân tích đã chỉ ra nhiều vấn đề:
Thứ nhất, dù sức khỏe của các doanh nghiệp đã được niêm yết chắc chắn tốt hơn các doanh nghiệp không niêm yết, tuy nhiên, kết quả phân tích cho thấy vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp vẫn rất mỏng và hoạt động dựa nhiều trên vốn vay.
Đồng thời, doanh thu của khoảng 10 ngành trong nhóm này giảm từ giữa năm 2022 đến nay, nghiêm trọng nhất là 2 lĩnh vực bất động sản và xây dựng. Số liệu đến hết quý II năm 2023 cho thấy, tình hình vẫn chưa được cải thiện nhiều mặc dù có xuất hiện một số tín hiệu sáng sủa hơn.
Trong đó, có khoảng 8/10 ngành được phân tích có doanh thu thấp hơn cùng kỳ của năm 2022, duy chỉ có ngành công nghệ thông tin là tăng quy mô và nhóm ngành hàng dịch vụ tiêu dùng thì giữ nguyên quy mô doanh thu so với cùng kỳ.
“Đây là một bức tranh tương đối tiêu cực”, bà Thủy đánh giá. Một số ngành có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu quá lớn nên gặp khó khăn nghiêm trọng như xây dựng với tỷ lệ 1,14 lần, ngành hàng dịch vụ tiêu dùng 0,78 lần, bất động sản 0,62 lần, vật liệu xây dựng 0,62 lần.
Khi so sánh chi phí lãi vay với lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp, hay chính là áp lực trên lãi, nhóm phân tích thấy rằng tỷ lệ rất đáng kể. Năm 2022, ngành xây dựng có tỷ lệ chi phí lãi vay so với lợi nhuận cao nhất và lên đến 375%. Đây là số liệu trên báo cáo tài chính công khai. Với bất động sản, con số này ở mức 40,2%.
“Điều này có hàm ý là khi đầu tư kinh doanh, doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro nhưng thành quả được hưởng không nhiều và bị xói mòn rất nhiều bởi chi phí tài chính, do đó tích lũy để tái đầu tư là gần như không có. Sau đại dịch Covid-19, thị trường lại càng thêm khủng hoảng, nên tích lũy gần như không có”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy phân tích.
Thứ hai, về số ngày phải thu hồi các khoản nợ và số ngày tồn kho, bà Thủy nhấn mạnh: “Đây là áp lực khủng khiếp với các doanh nghiệp hiện tại. Điều này cũng chứng tỏ rằng nguồn lực của doanh nghiệp đọng trên tất cả mọi kênh”.
Cụ thể, số ngày tồn kho trung bình của doanh nghiệp bất động sản quý I/2023 lên đến 5.662 ngày. Cá biệt có những doanh nghiệp số ngày tồn kho lên đến 54.334 ngày. Có nghĩa là với tình hình bán hàng như hiện tại, nếu không mấy cải thiện thì mất gần 150 năm mới giải quyết được tồn kho này.
Nhóm ngành sản xuất cũng gặp áp lực tương tự bởi số ngày tồn kho tăng rất mạnh từ năm 2022 sang 2023.
Thứ ba, liên quan đến chi phí thuế, nhóm nghiên cứu phân tích dựa trên quy mô của doanh nghiệp chia thành 4 nhóm. Nhóm quy mô nhỏ nhất trên 3 sàn giao dịch chứng khoán có áp lực cực lớn về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Năm 2020, tỷ lệ kinh phí thuế thu nhập doanh nghiệp trên lợi nhuận sau thuế lên đến 51,5%. Năm 2022, đa số doanh nghiệp nhóm này đều lỗ, dẫn tới hậu quả là tiếp cận vốn tín dụng lại càng thêm khó khăn. Trong đó, doanh nghiệp xây dựng và bất động sản gặp khó khăn rất lớn về mặt dòng tiền và các doanh nghiệp khác cũng tương tự.
“Dựa trên những số liệu này, chúng ta nhìn nhận về những khó khăn của doanh nghiệp và thấy rằng nội lực của doanh nghiệp đang cạn dần. Cứ cái khó nọ dẫn đến cái khó kia”, bà Thủy nói.
Đánh giá về thực trạng tăng trưởng tín dụng chậm trong những tháng đầu năm 2023, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho rằng, điều này phù hợp với bức tranh tăng trưởng chung của nền kinh tế. Bởi hiện nay, xuất nhập khẩu đều giảm; thị trường bất động sản trầm lắng, số doanh nghiệp thành lập mới giảm, số doanh nghiệp rời khỏi thị trường tăng cao.
Ông Tuấn nhận định: “Khó khăn lớn nhất khiến tăng trưởng tín dụng chưa cao có lẽ xuất phát từ sự suy giảm của thị trường xuất khẩu. Vấn đề này có thể thấy ở rất nhiều ngành hàng, khiến nhiều ngành phải giảm quy mô hoạt động. Doanh nghiệp chắc chắn cũng rất thận trọng trong việc mở rộng đầu tư kinh doanh”.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng của hộ kinh doanh (gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ) và người dân giảm mạnh. Điều này phản ánh thực tế thu nhập giảm sút, sức mua của người dân đã bị ảnh hưởng rất lớn.
Bên cạnh đó, khi người dân chưa lấy lại được niềm tin tiêu dùng, thì chắc chắn sự ảnh hưởng sẽ tiếp diễn. Muốn cải thiện vấn đề thu nhập và lòng tin thì cần phải có thời gian.
“Điều tôi muốn nói ở đây là việc giảm lãi suất rất quan trọng, nhưng việc ổn định kinh tế vĩ mô, giữ lạm phát ở mức độ phù hợp, ổn định tỷ giá, đảm bảo an toàn hệ thống cũng quan trọng không kém.
Dưới góc nhìn của các nhà đầu tư, đặc biệt là những tập đoàn lớn thì đây là yếu tố quan trọng đối với hoạt động kinh doanh, quyết định doanh nghiệp có thể tiếp cận được với các dòng vốn đầu tư hay không. Do đó, chúng tôi hy vọng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ đảm bảo được các chỉ tiêu này”, ông Đậu Anh Tuấn nêu quan điểm.
Quan trọng nhất lúc này là giảm áp lực dòng tiền cho doanh nghiệp
Theo đó, ông Đậu Anh Tuấn đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp.
Thứ nhất, đối với các gói hỗ trợ tiếp cận tín dụng hiện tại, cần được đánh giá lại về tính hiệu quả. Nếu chưa đạt hiệu quả như mong muốn, đề xuất Chính phủ trình Quốc hội xem xét điều chỉnh sang mục tiêu khác.
Đơn cử, với gói 40.000 tỷ đồng, có thể điều chỉnh từ việc hỗ trợ lãi suất 2% sang một chương trình khác cụ thể và thiết thực hơn, ví dụ như chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp sản xuất…
Với những ngành có tiềm năng xuất khẩu, triển vọng tốt như nông lâm, thủy sản, các ngành sản xuất xuất khẩu, nên có gói hỗ trợ dành riêng cho những ngành hàng này.
Thứ hai, cần có một số giải pháp tăng cường kết nối giữa Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp. Bởi thực tế là không phải doanh nghiệp Việt Nam nào cũng có đủ tự tin, có thể tiếp cận ngân hàng tốt nên cần chủ động tăng cường kết nối.
Thứ ba, các ngân hàng cần tiết giảm các khoản phí và các khoản khác để cho vay, thúc đẩy việc giảm lãi suất được thực chất hơn. Bởi nhiều doanh nghiệp ngành hàng cho biết, hiện nay lãi suất về danh nghĩa là thấp nhưng các khoản khác có thể vẫn còn cao, vì thế cần giảm thấp nhất lãi suất này.
Thứ tư, giải pháp quan trọng là cần tạo sự đồng bộ về mặt chính sách.
Ông Đậu Anh Tuấn nhận định: “Việc Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước nỗ lực giảm lãi suất là giảm về chi phí vốn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế đối với doanh nghiệp, việc giảm chi phí không chỉ nằm ở vấn đề vốn mà còn ở rất nhiều chi phi khác.
Hiện tại, doanh nghiệp phản ánh về việc hoàn thuế gặp khó khăn. Dòng tiền của doanh nghiệp có thể lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng mà bị kẹt ở đó thì chắc chắn ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Những doanh nghiệp sản xuất lớn ở Việt Nam hiện nay có thể nói là khốn khổ vì bị kẹt tiền do vướng mắc về VAT”.
Đối với các dự án bất động sản, vốn vay là một chuyện, nếu các dự án được tạo thuận lợi và cắt giảm khoảng một nửa thời gian thực hiện thủ tục hành chính so với hiện tại thì chắc chắn việc giảm chi phí vốn sẽ cải thiện rất lớn.
“Không gian cho chính sách tiền tệ hiện tại không còn nhiều. Do đó, tôi tin chắc rằng với các giải pháp đồng bộ để giảm chi phí cho doanh nghiệp được thực hiện ở nhiều khâu, chúng ta sẽ có thể hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Từ góc độ của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân, trong bối cảnh cấp bách như hiện nay, bà Phạm Thị Ngọc Thủy đưa ra một số đề xuất có thể áp dụng trong cuối năm 2023, nửa đầu năm 2024.
Thứ nhất, về cách tiếp cận, chính sách quan trọng nhất lúc này là giảm áp lực dòng tiền cho doanh nghiệp và giúp doanh nghiệp tối ưu được dòng tiền của chính họ.
“Chúng ta đã nói nhiều về câu chuyện giãn, giảm, hoãn các loại chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ điều kiện tiếp cận vốn... Hiện nay, có những ngành hàng bắt buộc phải chuyển đổi để đáp ứng yêu cầu thị trường trong thời điểm khó khăn, chúng tôi vẫn đặt niềm tin vào họ, như dệt may, vật liệu xây dựng, ngành sản xuất… Vì thế, hãy nhìn vào cơ hội đó, nhìn vào khả năng trả nợ trong tương lai để cung cấp cho doanh nghiệp hỗ trợ về mặt tín dụng”, bà Thủy nói.
Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, hiện nay dòng tiền trong hoàn thuế đang cạn mà tổng số tiền của các doanh nghiệp lên đến nhiều nghìn tỷ, vậy thì lấy đâu ra nguồn lực để bù đắp.
Đối với vấn đề chi phí thường xuyên, như chi phí công đoàn 2% quỹ lương, trong đó 50% nộp cho công đoàn cấp trên, bà Thủy kiến nghị Chính phủ ủng hộ, làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho phép doanh nghiệp giữ lại phần 2% này trong 2 năm tới để chi trực tiếp cho người lao động.
Về lãi suất thực vay, doanh nghiệp cho biết vẫn còn cao, vì thế mong muốn các ngân hàng thương mại thấu hiểu bối cảnh này và nhìn vào cơ hội trả nợ để tiếp tục giảm lãi suất thực vay cho doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp và ngân hàng công sinh và cũng cộng tử, không chỉ với bất động sản mà còn cả các ngành khác nữa.
Thứ hai, kiến nghị đẩy mạnh các chính sách tài khóa nghịch chu kỳ. Những nội dung nào có thể làm được lúc này thì cần tập trung, ví dụ như chú trọng vào đầu tư công, vấn đề nhà ở… Bất động sản đang khó khăn, cần tháo gỡ ít nhất một số khía cạnh như bất động sản công nghiệp, nhà ở xã hội…
Thứ ba, ở mảng tài khóa, chính sách 2% VAT thời gian vừa qua đã phát huy ngay và luôn tác dụng trong tối ưu dòng tiền cho doanh nghiệp. Do đó, chính sách này nên tiếp tục được duy trì và có thể gia tăng thêm những chính sách tương tự liên quan đến thuế.
Cuối cùng, về chuyển đổi xanh, những áp lực liên quan đến vấn đề này như quy định mới của châu Âu sẽ có hiệu lực từ tháng 10 năm nay. Sang năm 2024, các quy định tương tự khác trong mảng này cũng sẽ có hiệu lực. Nếu không có bất cứ sự chuẩn bị nào thì sẽ rất khó để doanh nghiệp có thể chống trụ, do đó kiến nghị các cơ quan nhà nước quan tâm đến vấn đề này./.