Dần hoàn thiện cơ sở hạ tầng
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa mới giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) khẩn trương chủ trì, nghiên cứu, hoàn thiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, theo Thông báo 232/TB-VPCP ngày 6/9/2021. Thông báo nêu rõ: Thanh toán không dùng tiền mặt có tầm quan trọng, đem lại nhiều lợi ích như: An toàn, thuận tiện, giảm chi phí xã hội, bảo đảm quản lý Nhà nước về vĩ mô, tiền tệ, thanh toán, góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tội phạm, quản lý thuế...
Đối với một số mục tiêu, NHNN nghiên cứu đưa ra chỉ tiêu phù hợp, xem xét tính toán xây dựng khung chỉ tiêu để bảo đảm khả thi, phù hợp thực tế, địa bàn, địa lý. Với các giải pháp tạo môi trường, điều kiện ưu đãi, khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt và không đưa các giải pháp mang tính chất thủ tục hành chính bắt buộc, đặc biệt là làm tăng chi phí.
Đến nay, Việt Nam đã có nhiều hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt được phát triển với công nghệ tiên tiến, như hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống thanh toán bù trừ, hệ thống thanh toán nội bộ của từng ngân hàng thương mại, hệ thống thanh toán thẻ, hệ thống thanh toán qua internet và điện thoại di động, hệ thống SWIFT, Mobile Money… Kết cấu hạ tầng và công nghệ thanh toán điện tử được đầu tư bài bản, quy mô, chất lượng, an toàn và hiệu quả, nhiều tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép.
Theo số liệu của NHNN, tính đến ngày 22/4/2021, có 43 tổ chức không phải là ngân hàng được NHNN cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có nhiều ví điện tử lớn, uy tín và khoảng vài trăm công ty Fintech. Như vậy, Việt Nam có thể hướng tới trở thành một xã hội hoàn toàn không dùng tiền mặt trong tương lai gần.
Báo cáo Fintech và Ngân hàng kỹ thuật số 2025 - Châu Á Thái Bình Dương của Backbase cũng cho thấy, giao dịch trên thiết bị di động được dự báo sẽ tăng 400% tại Việt Nam vào năm 2025, nhờ nền kinh tế kỹ thuật số đang bùng nổ. Điều đó thể hiện xu hướng trên được đẩy nhanh, bởi ảnh hưởng của sự bùng phát dịch bệnh COVID-19.
Bao trùm mọi lĩnh vực
Trao đổi với PV, ông Đinh Hồng Sơn, Chuyên gia tài chính số cho biết, một vấn đề đáng lưu ý của NHNN hiện nay là cần xây dựng chính sách phù hợp về giá dịch vụ thanh toán, để khuyến khích sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện tại, hầu hết tất cả các giao dịch thanh toán qua ngân hàng đều phải chịu phí, từ số tiền rất nhỏ khoảng 1.000 đồng đối với chuyển khoản nội ngân hàng, cho đến mức phí đáng kể từ 2,5% đến 3% giá trị giao dịch, để thanh toán bằng thẻ tín dụng quốc tế. Chính mức phí dịch vụ thanh toán đã phần nào khiến người tiêu dùng e ngại về việc thanh toán không dùng tiền mặt.
“Mặt khác, để tiến tới toàn diện về thanh toán không tiền mặt, tất cả mọi ngành nghề, lĩnh vực, hoạt động liên quan đến tài chính, thuế, phí đều phải được áp dụng đồng bộ bằng phương thức điện tử. Trong đó, cần đẩy mạnh kết nối hệ thống thanh toán điện tử của ngân hàng với cơ quan thuế, hải quan, Kho bạc Nhà nước phục vụ công tác thu ngân sách Nhà nước bằng phương thức điện tử. Các bộ, ngành như Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, hay Bộ Giao thông vận tải cũng cần hướng dẫn các đơn vị trực thuộc có chính sách đẩy mạnh sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt như thu viện phí, học phí và phí cầu đường, chi trả phúc lợi xã hội, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, mua vé máy bay, vé tàu, xe buýt,...”, ông Sơn phân tích.
Về hàm ý chính sách, một nghiên cứu của TS. Trần Văn, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội chỉ ra, để phát triển kinh tế không tiếp xúc, cần thực hiện một số vấn đề như:
Thứ nhất, khắc phục tình trạng các quy định của pháp luật không theo kịp với thực tiễn phát triển của khoa học - công nghệ, hoàn thiện pháp luật về doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, thương mại, đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, internet và không gian mạng.
Hoàn thiện chính sách pháp luật về tài chính, tiền tệ, thanh toán điện tử, quản lý thuế và các dịch vụ xuyên biên giới phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số, kể cả chính sách đặt hàng sản xuất và mua sắm công đối với các sản phẩm công nghệ số do Việt Nam phát triển.
Thứ hai, cho phép thí điểm một số mô hình kinh tế không tiếp xúc mới. Trong xu thế tất yếu của kinh tế số, kinh tế không tiếp xúc, khi nhiều quy định của pháp luật lạc hậu, cần nghiên cứu ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, quy định rõ phạm vi, không gian và thời gian thử nghiệm gắn với xây dựng hệ thống tiêu chuẩn.
Thứ ba, nhanh chóng hiện đại hóa kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho chuyển đổi số, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế không tiếp xúc trên phạm vi toàn quốc. Khuyến khích doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng viễn thông và các hạ tầng cho chuyển đổi số quốc gia theo hướng đồng bộ, thống nhất, tận dụng và tiếp tục khai thác có hiệu quả hạ tầng mạng lưới viễn thông để triển khai kinh tế số, bảo đảm an toàn, an ninh mạng đáp ứng chiến lược an ninh mạng quốc gia.
Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đổi mới nội dung và chương trình giáo dục - đào tạo theo hướng phát triển năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển, dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số.
Thứ năm, chủ động tham gia vào các khuôn khổ pháp lý khu vực và toàn cầu để phát triển kinh tế số. Xây dựng, quản trị dữ liệu, tạo thuận lợi cho việc tạo dựng, kết nối, chia sẻ và khai thác dữ liệu bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong nước, tiến tới kết nối với các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và quốc tế./.