Thanh tra Chính phủ đề xuất lập đoàn thanh tra vấn đề Thủ Thiêm
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình “về việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân quận 2, TP.HCM liên quan đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm”.
Theo ý kiến chỉ đạo, UBND TP.HCM chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra việc khiếu nại của một số công dân theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ tại văn bản số 193/BC-TTCP ngày 20.2.2019 về phần đất tại 05 khu phố thuộc các phường An Khánh, Bình An và Bình Khánh, Quận 2 liên quan đến quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm; tổ chức đối thoại với người dân đang khiếu nại liên quan đến vụ việc trên; có biện pháp giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, không để khiếu nại kéo dài và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 1/6/2019.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Bất động sản Đà Nẵng, Khánh Hòa: Giải mã sự trầm lắng trong quý I
Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam quý I/2019, thị trường bất động sản Đà Nẵng và Khánh Hóa đang rơi vào thời điểm trầm lắng.
Cụ thể, tại Đà Nẵng, trong quý I/2019, không dự án căn hộ nào được mở bán. Do nguồn cung không có dẫn tới không xuất hiện hoạt động giao dịch trong phân khúc bình dân và cao cấp. Nguồn cung của dòng sản phẩm thấp tầng là 100 căn, lượng giao dịch đạt 64 căn.
Tại Khánh Hòa, chỉ có dự án bình dân được mở bán trong quý I/2019 với tổng lượng cung là 444 căn trong khi đó phân khúc trung và cao cấp không có hàng. Nguồn cung căn hộ thấp tầng đạt 760 căn với tỷ lệ hấp thụ trên 50%.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Dự án BT: Đổi đất nhưng bao giờ mới lấy được hạ tầng?
Nhu cầu phát triển của thành phố ngày càng cao cả về quy mô và chất lượng trên các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, kiến trúc thượng tầng, tuy nhiên, ngân sách nhà nước lại hạn hẹp. Do đó, việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) được coi là giải pháp hữu hiệu, là phao cứu sinh để hoàn thiện và kết nối đồng bộ cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng công viên, hồ nước. Thế nhưng hơn 10 năm đi vào thực tiễn, các dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng BT lại gây ra những hệ lụy, gây thất thoát tài sản nhà nước. Còn bài toán xây dựng hạ tầng công cộng, lại đang bỏ ngỏ. Bằng chứng là chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt các vụ đổi đất lấy hạ tầng đều bị kiểm toán nhà nước chỉ ra sai phạm mà thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho biết, 90% các dự án BT lựa chọn nhà đầu tư qua chỉ định thầu. Thời điểm giao đất thanh toán, thời điểm giao dự án còn nhiều bất cập. “Vật ngang giá” là quỹ đất đối ứng “không thực sự ngang giá” khi lợi ích từ việc ăn theo quy hoạch công viên, hồ nước là quá lớn…, sự thiếu minh bạch khi giá đất quy đổi bị hạ thấp, còn giá trị công trình bị đẩy cao đã tạo nên những khoảng trống pháp lý cần phải khắc phục để tránh tình trạng nhà nước thiệt đơn, nhà đầu tư lợi kép. Còn cộng đồng, xã hội vẫn phải mòn mỏi chờ đợi những “lá phổi xanh”, những hạ tầng công cộng chưa biết đến bao giờ sẽ thành hình?!
Xem thông tin chi tiết tại đây
Bình Định không cho xây biệt thự trên đất lấn biển
Ngày 22/4, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho hay tỉnh đang tiến hành quy hoạch chi tiết khu lấn biển Mũi Tấn tại TP Quy Nhơn.
Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 khu lấn biển này theo đề xuất của Sở Xây dựng vừa được UBND tỉnh đồng ý.
Theo đó, tổng diện tích quy hoạch khu lấn biển Mũi Tấn khoảng 6,8 ha, cơ cấu sử dụng đất được chia làm hai khu chức năng chính. Trong đó, phân khu 1 được quy hoạch là khu công viên cây xanh, vui chơi giải trí, bãi đậu xe… rộng hơn 4,2ha. Phân khu 2 được quy hoạch thành khu dịch vụ du lịch, thương mại, khách sạn cao tầng với diện tích gần 2,6ha. Về tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan, ở phân khu 1 chỉ được xây dựng công trình một tầng, mật độ xây dựng gần 7,5%. Phân khu 2 có chiều cao công trình 40 tầng, mật độ xây dựng hơn 34%. UBND tỉnh cũng đồng ý đề xuất của Sở Xây dựng về phương án san nền hướng dốc về biển; mở rộng lộ giới đường ven biển Xuân Diệu từ 22m lên 25m.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Đà Nẵng: Chấn chỉnh tình trạng tung tin đồn thất thiệt gây “sốt” giá đất
UBND thành phố Đà Nẵng đã giao Sở Xây dựng rà soát, hoàn thiện kế hoạch chấn chỉnh tình trạng một số tổ chức, cá nhân, đối tượng môi giới, “cò đất” đã sử dụng nhiều chiêu trò, bịa đặt thông tin không đúng sự thật nhằm gây “sốt” giá đất để trục lợi, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, gây bất an trong dư luận, trình UBND thành phố để báo cáo Thường trực Thành ủy, tại Công văn số 1015/VP-QLĐTh ngày 16/4/2019.
Đồng thời, Sở Xây dựng phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông rà soát, công bố các dự án nào đủ điều kiện mở bán cho người dân, gửi thông tin đến các quận, huyện và các phòng công chứng, văn phòng công chứng để người dân được biết.
UBND thành phố cũng đề nghị Công an thành phố khẩn trương xử lý các trường hợp tung tin đồn thất thiệt, bịa đặt thông tin không đúng sự thật nhằm gây “sốt” giá đất để trục lợi và sớm đưa ra xét xử công khai; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xử lý các trường hợp đưa thông tin không đúng sự thật trên mạng xã hội.