Aa

Thanh tra toàn diện công tác quản lý đất đai tại Phan Thiết

Thứ Hai, 28/01/2019 - 14:46

Thanh tra toàn diện công tác quản lý đất đai tại Phan Thiết; Thị trường bất động sản 2019: Dòng tiền được dự báo dạt về vùng ven; Cần khung pháp lý cho những sản phẩm bất động sản mới;... là những tin tức được quan tâm 24h qua.

Thanh tra toàn diện công tác quản lý đất đai tại Phan Thiết

UBND tỉnh Bình Thuận vừa ra quyết định thành lập đoàn thanh tra nhằm thanh tra toàn diện công tác quản lý đất đai tại TP. Phan Thiết.

Các dự án trên địa bàn TP. Phan Thiết được chia lô rồi bán công khai (Ảnh: L.Vân)

Các dự án trên địa bàn TP. Phan Thiết được chia lô rồi bán công khai (Ảnh: L.Vân)

Giám đốc Sở TNMT Bình Thuận Hồ Lâm cho biết, đoàn Thanh tra đất đai tại TP. Phan Thiết được UBND tỉnh giao cho một Phó chánh Thanh tra tỉnh làm trưởng đoàn, Thanh tra Sở TNMT, Sở Xây dựng và một số cơ quan khác là thành viên. Đoàn thanh tra sẽ xem xét các điểm khu dân cư bất hợp pháp, lấy đất nông nghiệp rồi tự ý chuyển đổi không thông qua quy hoạch để làm khu dân cư.

Những sai phạm trong quản lý đất đai của TP. Phan Thiết sẽ được Đoàn Thanh tra của tỉnh làm rõ và khi có kết luận sẽ công khai cho báo chí theo luật.

Trước đó, hàng loạt khu đất nông nghiệp ở TP. Phan Thiết, H. Hàm Thuận Bắc được các chủ hộ gia đình tự ý san nền, chia lô rồi bán công khai. Các khu dân cư tự phát nhiều nhất được xác định ở khu vực này.

Đối với các dự án nghỉ dưỡng, ông Lâm cho biết đến nay số dự án còn hiệu lực đầu tư vùng ven biển là 390 dự án. Tổng diện tích các dự án ven biển còn hiệu lực lên đến 6.947 ha, tổng vốn đầu tư hơn 61.000 tỷ đồng. Trong đó, có 185 dự án đã hoàn thành và đưa vào hoạt động; 73 dự án đang triển khai xây dựng; còn tới 132 dự án (chiếm 33,9%) chưa triển khai.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Thị trường bất động sản 2019: Dòng tiền được dự báo dạt về vùng ven

Nhiều chủ đầu tư cho rằng, thị trường bất động sản Hà Nội, TP.HCM hết quỹ đất và dư địa để phát triển nên nhà đầu tư chuyển sang đầu tư ở vùng ven. Dòng tiền đầu tư của người dân được dự báo có thể “đổ” vào phân khúc đất nền năm 2019 vùng ven trong khi quỹ đất trung tâm cạn kiệt (?!).

Theo các chuyên gia bất động sản, xu hướng nhà đầu tư dịch chuyển về vùng ven đã bắt đầu gia tăng từ năm 2017, bùng nổ trong năm 2018 và được dự báo sẽ khốc liệt hơn trong năm 2019. Đây là lựa chọn tất yếu khi thị trường Hà Nội, TP.HCM gần như đã cạn quỹ đất để phát triển dự án mới. Điều này, đẩy các nhà đầu tư và nhà phát triển bất động sản buộc phải theo dòng chảy thị trường khi mà quỹ đất nội đô Hà Nội, TP.HCM giá ngày càng tăng cao.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP.Invest cho biết, năm 2019, doanh nghiệp tập trung làm dự án Khu đô thị mới Tây Nam Việt Trì tại tỉnh Phú Thọ. Dự án có quy mô 58,5ha gồm hệ thống biệt thự liền kề, nhà ở cao tầng và các công trình phụ trợ. Sở dĩ doanh nghiệp chuyển hướng sang vùng ven vì sau nhiều dự án thành công ở Hà Nội, ông Hiệp cho rằng, hiện quỹ đất nội thành Hà Nội không còn, trong khi đó để ra một dự án phải mất thủ tục từ 3 đến 4 năm gây cản trở cho doanh nghiệp. Ông Hiệp tỏ ra lạc quan với thị trường các tỉnh trong năm 2019.

Tổng giám đốc LDG Group - Nguyễn Minh Khang dự đoán năm 2019 sẽ là năm “bùng nổ” phát triển bất động sản ở các thị trường tỉnh, không chỉ là các khu vực quen thuộc mà ở cả những thị trường chưa được khai phá trước đó. Ông Khang cho biết, hiện việc tìm kiếm quỹ đất vùng ven cũng không còn là chuyện dễ, doanh nghiệp đang phải “giẫm chân nhau” đi săn quỹ đất đẹp.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Cổ phiếu “cổ phần hóa” là động lực thị trường chứng khoán 2019

Năm 2019, thị trường sẽ còn gặp nhiều khó khăn nhưng không phải không có cơ hội. Dù tại thời điểm nào, thì những doanh nghiệp có nền tảng tốt vẫn luôn hấp dẫn nhà đầu tư. Tuy nhiên, động lực của thị trường đang nhìn về các doanh nghiệp cổ phần hóa.

Hiện có ba ngành chiếm tỷ trọng cao về vốn hóa và lợi nhuận là ngân hàng, bất động sản, dầu khí. Theo CTCK Bảo Việt (BVSC), năm 2019 tăng trưởng ngành ngân hàng có thể chậm lại, dự kiến lợi nhuận các ngân hàng niêm yết trong năm tới sẽ tăng 13,5%.

Nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2019 là đà tăng chậm lại của tín dụng. Theo BVSC, dự báo tín dụng trong khoảng 3-5 năm tới sẽ duy trì mức tăng khoảng 14%/năm, thấp hơn giai đoạn 2015 - 2017 (18,1%).

Ngân hàng và bất động sản vẫn là nhóm ngành hấp dẫn nhà đầu tư (Ảnh minh hoạ)

Ngân hàng và bất động sản vẫn là nhóm ngành hấp dẫn nhà đầu tư (Ảnh minh hoạ)

Giá cổ phiếu ngân hàng hiện đã quay trở về mặt bằng đầu năm 2018. P/B vẫn đang cao hơn nhưng tiệm cận gần hơn mức bình quân 5 năm gần đây. So sánh tương quan giữa P/B với ROE bình quân 5 năm trở lại đây, cổ phiếu ngân hàng Việt Nam vẫn đắt hơn tương đối so với các quốc gia trong khu vực.

Về nhóm ngành bất động sản, lãi suất tăng và thắt chặt tín dụng sẽ tạo ra những khó khăn cho ngành này, do đó, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành năm 2019 sẽ thấp hơn so với năm 2018.

Lĩnh vực dầu khí năm 2019 dự kiến sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng so với năm 2018 nếu giá dầu tiếp tục neo ở mức cao quanh 70 – 80 USD/thùng. Theo VietinbankSC, khả năng giá dầu sẽ giữ ở mức như hiện nay, thậm chí cao hơn, vì bị tác động bởi các diễn biến của chiến tranh thương mại.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Giải pháp nào cho nhà ở công nhân khu công nghiệp?

Cả nước hiện có khoảng 2,8 triệu công nhân tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất, trong đó có 1,7 triệu người có nhu cầu về nhà ở. Tuy nhiên, các dự án nhà ở xã hội cho công nhân hiện nay mới chỉ đáp ứng gần 28% nhu cầu, 72% nhu cầu còn lại đang trong giai đoạn chờ giải quyết và tự giải quyết bằng mô hình thuê trọ.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để sự chênh lệch cung cầu không còn quá lớn, khi mà ngay cả trong các trung tâm đầy tiềm năng như Hà Nội cũng chỉ mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu chỗ ở cho công nhân, còn TP.HCM mới giải quyết được khoảng 15% nhu cầu?

Singapore có thể coi là một bài học thực tiễn thành công cho phát triển đô thị từ thập niên 60 của thế kỷ 20 đến nay.

Theo đó, ở giai đoạn đầu tiên, chính phủ Singapore đã cho xây các khu đô thị ven trung tâm cũ để giải tỏa, tái thiết lại trung tâm.

Giai đoạn thứ hai, tiến hành xây dựng các loại hình tăng việc làm trong đô thị, trong đó ưu tiên bố trí thêm các xưởng lắp ráp điện tử quy mô vừa và nhỏ trong các nhà cao tầng xây xen lẫn trong các khu ở.

Và khi cư dân quần tụ đông đúc, dựa trên các quy hoạch mở rộng từ ban đầu, chính quyền một lần nữa đầu tư xây dựng mở rộng các khu công viên khoa học, khu Đại học quốc gia, trung tâm dịch vụ đường biển, công viên quốc gia, khu sản xuất rau sạch... tạo ra chỗ làm cho chính cư dân nơi đó, tiết kiệm và giãn được mật độ giao thông đi lại vào trung tâm đô thị.

Vào giai đoạn ba, chính cách làm tự cung tự cấp tại chỗ về nơi ở và việc làm đã hấp dẫn dân cư ra ở vòng ngoài đô thị, tạo ra cơ hội để tái thiết khu trung tâm thành các phố thương mại trung tâm siêu cao tầng cho dịch vụ tài chính, ngân hàng, thương mại, hội thảo, hội nghị quốc tế.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Cần khung pháp lý cho những sản phẩm bất động sản mới

Năm 2018 thị trường bất động sản Việt Nam khá tươi sáng khi không xảy ra “bong bóng”, thị trường phát triển tốt. Thực tế đó hứa hẹn gì cho năm 2019?

Doanh số thị trường bất động sản năm 2018 tăng 4,12% so với 2017; số doanh nghiệp bất động sản đăng ký mới 3.300 doanh nghiệp, tăng 44,2%. Tổng vốn đầu tư vào các dự án bất động sản đang triển khai đạt khoảng 3,5 - 4 triệu tỷ đồng. Tổng giá trị tồn kho bất động sản hiện còn khoảng 22.825 tỷ đồng, so với lúc đỉnh điểm ở Quý 1/2013 đã giảm 105.723 tỷ đồng (giảm 82,24%).

Bất động sản 2019 cần giải pháp quản lý mới.

Bất động sản 2019 cần giải pháp quản lý mới.

Vậy là điều mà nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại vào nửa cuối năm 2018 đã không xảy ra: bất chấp quy luật 10 năm, 2018 là một năm bình ổn tương đối của thị trường bất động sản (bất động sản) Việt Nam. Thị trường thoát khỏi tình trạng giao dịch trầm lắng đã kéo dài vài năm qua. Giá bất động sản nhích nhẹ nhưng không tạo nên sốt giá, “bong bóng” ảo…

Năm 2018, tăng trưởng trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản khoảng 4%. Các doanh nghiệp đã hoàn thành khoảng 58 triệu m2 nhà ở, đưa diện tích bình quân nhà ở toàn quốc lên 24m2 sàn/người, tăng 0,6m2 sàn/người so với 2017. Các chương trình nhà ở phục vụ an sinh xã hội thực hiện cơ bản đúng tiến độ. Đặc biệt Chính phủ và Quốc hội đã bố trí đủ vốn để thực hiện dứt điểm Chương trình nhà ở cho người có công. Cả nước cũng đã hoàn thành khoảng 5.800 căn nhà ở xã hội với tổng diện tích sàn khoảng 290.000 m2.

Bộ Xây dựng đã hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Đánh giá tình hình, dự báo xu hướng, đề xuất các giải pháp thị trường, cơ chế chính sách quản lý để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh”, dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, hiệu quả. Bộ Xây dựng cũng đang tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Đề án “An ninh kinh tế trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản” (dự kiến hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2019).

Xem thông tin chi tiết tại đây

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top