Aa

Tháo gỡ khó khăn nhà thầu từ “bất khả kháng” do Covid-19

Nguyễn Thương
Nguyễn Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Bảy, 09/10/2021 - 06:00

Trước những khó khăn mà các doanh nghiệp nhà thầu đang gặp phải, các doanh nghiệp này có thể áp dụng yếu tố dịch bệnh Covid-19 và giãn cách xã hội thuộc điều kiện bất khả kháng để được hưởng những ưu đãi hỗ trợ?

Lời tòa soạn:

Thời gian qua, các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản không khỏi bất ngờ trước tình trạng giá vật liệu xây dựng (VLXD) liên tục tăng. Theo Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, giá thép tăng đột biến từ quý IV/2020, và kéo dài trong những tháng đầu năm 2020. Đơn cử, giá thép phi 6 của một doanh nghiệp thép tại thời điểm tháng 10/2020 mới chỉ 12,4 triệu đồng/tấn thì đến nay đã vọt lên 19,4 triệu đồng/tấn, tăng gần 60%. Không chỉ riêng hãng thép này mà tất cả thương hiệu thép cũng đều đồng loạt tăng giá, với mức tăng 40% - 60% so với cuối năm 2020.

Ngoài thép, kim loại màu cũng tăng 20% và những VLXD  khác cũng bước vào chu kỳ tăng giá.

Tình trạng VLXD tăng giá đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường bất động sản, bởi xi măng, cát đá, đặc biệt là sắt thép… là những nguyên liệu chủ chốt cho việc thi công, xây dựng. Thông thường, riêng chi phí mua thép chiếm khoảng 28% chi phí xây dựng một căn chung cư và 35% chi phí xây dựng một căn nhà liền kề.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp bất động sản đang lao đao cầm cự, việc VLXD liên tục tăng giá có thể trở thành cú đánh bồi, gây ra những hệ luỵ nghiêm trọng cho thị trường. Đặc biệt, khi phân khúc nhà ở bình dân dần "biến mất" khỏi thị trường với nguồn cung vô cùng hạn chế, VLXD tăng giá tạo ra áp lực lớn buộc các chủ đầu tư có thể phải tăng giá nhà và thiết lập mặt bằng giá mới tăng cao hơn nữa.

Trên tinh thần nghiên cứu, phản biện, Reatimes khởi đăng tuyến bài "Vật liệu xây dựng "nhảy múa" bất thường và những hệ luỵ đến thị trường bất động sản".

Trân trọng giới thiệu!

Sau gần hai năm xuất hiện Covid-19 với nhiều đợt giãn cách toàn xã hội, cùng giá vật liệu xây dựng (VLXD) tăng "phi mã" từ đầu năm nay, các doanh nghiệp nhà thầu lớn nhỏ đều không nằm ngoài sự ảnh hưởng.

Các hợp đồng giao nhận thầu vốn là hợp đồng lớn nhưng lại thường được các doanh nghiệp triển khai qua loa và niêm yết giá từ thời điểm ký kết. Do đó, khi chịu tác động từ ngoại cảnh (dịch Covid-19) và yếu tố biến động giá cả của thị trường đã khiến không ít doanh nghiệp rơi vào cảnh "sống dở chết dở".

Trước thực trạng đó cùng dịch bệnh vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, chưa ước định hồi kết, đại diện các doanh nghiệp nhà thầu, Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) đã có văn bản kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp hỗ trợ.

Trong đó nội dung đầu tiên được VACC chú ý đề cập là việc “đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ xây dựng hướng dẫn việc áp dụng quy định về điều kiện bất khả kháng đối với các hợp đồng giao nhận thầu thực hiện trong thời điểm giãn cách xã hội”. Dù làn sóng Covid-19 thứ 4 đang dần được kiểm soát nhưng hệ quả mà các doanh nghiệp đang phải gánh chịu còn rất nặng nề, chưa kể, không ai có thể đoán trước được việc "chung sống với Covid-19" sẽ kéo dài đến thời điểm nào. Và sau đó, còn có làn sóng Covid-19 thứ 5, thứ 6 nào nữa?

Vậy điều kiện bất khả kháng trong các hợp đồng xây dựng được áp dụng như thế nào? Và cần tháo gỡ những nút thắt nào để giảm sốc cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhà thầu nói riêng?

Xoay quoanh vấn đề này, Reatimes đã có cuộc trò chuyện với Luật sư Lê Văn Hồi, Giám đốc Công ty Luật My Way.

PV: Thưa luật sư, trong hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay, quy định cụ thể về điều kiện bất khả kháng trong các hợp đồng xây dựng được áp dụng cho những trường hợp nào?

Luật sư Hồi: Sự kiện bất khả kháng được quy định rải rác trong các văn bản quy phạm pháp luật như Bộ Luật Dân sự 2015, Luật Xây dựng 2014, Luật Thương mại 2005, Bộ Luật Lao Động 2019… Tuy nhiên, liên quan trực tiếp đến hợp đồng xây dựng có thể kể đến các quy định sau:

Điều 156 Bộ Luật Dân Sự 2015 nêu ra định nghĩa về sự kiện bất khả kháng trong điều khoản về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, việc dân sự như sau: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”. Theo đó, sự kiện bất khả kháng cần đáp ứng đầy đủ 3 điều kiện: 

(i) Sự kiện xảy ra một cách khách quan, nằm ngoài ý chí chủ quan của các bên tham gia giao dịch; 

(ii) Sự kiện  xảy ra mà cả hai bên không thể lường trước được tại thời điểm giao kết hợp đồng; 

(iii) Khi sự kiện xảy ra, bên bị ảnh hưởng đã tìm mọi biện pháp để khắc phục nhưng không thể khắc phục được.

Ngoài ra, tại Điều 61 Luật Xây Dựng 2014 cũng ghi nhận về việc điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng do ảnh hưởng của sự kiện bất khả kháng. Cụ thể hơn, Điều 39 của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP quy định về điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng “Do ảnh hưởng của động đất, bão, lũ, lụt, sóng thần, hỏa hoạn, địch họa hoặc các sự kiện bất khả kháng khác”. Theo đó tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng có thể được điều chỉnh khi có sự kiện bất khả kháng tác động đến một bên, từ đó khiến cho việc thực hiện hợp đồng không thể tuân thủ hợp đồng thi công đã ký kết. 

Luật sư Lê Văn Hồi, Giám đốc Công ty Luật My Way.
Luật sư Lê Văn Hồi, Giám đốc Công ty Luật My Way.

PV: Vậy yếu tố dịch bệnh (Covid-19) cũng như các biện pháp giãn cách xã hội phòng chống dịch theo Chỉ thị 16 của Chính phủ có được xem là điều kiện bất khả kháng và được quy định trong hệ thống quy phạm pháp luật hay không?

Luật sư Hồi: Theo quan điểm của cá nhân tôi, yếu tố dịch bệnh, các biện pháp giãn cách của Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không hẳn là không có trong quy định pháp luật về sự kiện bất khả kháng. 

Cụ thể, Bộ Luật Dân Sự 2015 chỉ quy định về điều kiện để một sự kiện được coi là bất khả kháng, còn Nghị định 37/2015/NĐ-CP bổ sung “các sự kiện bất khả kháng khác”. 

Như vậy, một điều khá chắc chắn là các quy định pháp luật khó có thể liệt kê được toàn bộ các sự kiện bất khả kháng. Tuy nhiên, việc quy định mang tính chất gợi mở về điều kiện áp dụng của sự kiện bất khả kháng là phù hợp với việc lập pháp, phù hợp với việc tôn trọng thỏa thuận của các bên khi giao kết hợp đồng.

Đặc biệt, đối với những hợp đồng phức tạp, có giá trị lớn, được thực hiện trong thời gian tương đối dài như hợp đồng xây dựng, thì điều này sẽ góp phần giúp các bên giao dịch dễ dàng thích ứng với những thay đổi đột ngột ở ngoại cảnh. 

PV: Như luật sư chia sẻ, thì yếu tố dịch bệnh và giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 không hẳn là không được phép áp dụng cho điều kiện bất khả kháng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, hầu hết các hợp đồng xây dựng được ký kết không cho phép đưa yếu tố này vào trường hợp bất khả kháng. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp nhà thầu thiệt hại nặng nề khi phải tạm dừng hoạt động, bồi thường hợp đồng… Không ít doanh nghiệp ở bờ vực của sự sống còn.

Trước thực trạng đó, Hiệp hội Nhà thầu (VACC) đã có công văn gửi Chính phủ về việc hướng dẫn Bộ Xây dựng áp dụng quy định điều kiện bất khả kháng đối với các hợp đồng giao nhận thầu thực hiện trong thời điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. 

Dưới góc độ chuyên gia pháp lý, luật sư nhìn nhận như thế nào về vấn đề này? 

Luật sư Hồi: Theo hiểu biết của tôi, tính đến thời điểm hiện tại chưa có bản án hiệu lực được công bố công khai nào giải quyết tranh chấp về việc áp dụng sự kiện bất khả kháng. Từ đó, việc hiểu, áp dụng vào thực tế chắc chắn sẽ có nhiều tranh cãi giữa các bên có liên quan.

Đối với đề xuất của VACC, khoan bàn đến yếu tố khả thi, dưới góc độ cần thiết, tôi cho rằng rất cần thiết ở thời điểm hiện nay. 

Đại dịch Covid -19 được ví như "Thiên nga đen" của thế kỷ XXI, đây là một sự kiện hy hữu, các nhà làm luật không thể dự liệu đầy đủ những biến động của đời sống. Vì vậy, việc chưa có những quy định rõ ràng, minh thị giải thích về sự kiện bất khả kháng ở trường hợp này là khó tránh khỏi. 

Từ đó, dưới góc độ của là cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về xây dựng, Bộ Xây dựng có thể tham mưu cho Chính phủ việc dự thảo các quy định hướng dẫn chi tiết sự kiện bất khả kháng theo thực tế đang diễn ra như hiện nay trong công tác phòng chống dịch.

Sơ bộ như định nghĩa tại Điều 156 Bộ Luật Dân Sự 2015, một sự kiện được coi là bất khả kháng khi đáp ứng đầy đủ 3 điều kiện luật định. Do đó mỗi hợp đồng xây dựng, mỗi nhà thầu bị ảnh hưởng đều là những trường hợp cụ thể, rõ ràng. 

Như vậy, đề xuất của VACC là hợp lý và cần thiết ở thời điểm hiện tại.

Thầu xây dựng
Covid-19 bùng phát cùng giá VLXD tăng "phi mã", các doanh nghiệp nhà thầu lớn nhỏ đều chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề. (Ảnh minh hoạ)

PV: Đề xuất là hợp lý nhưng liệu tính khả thi có cao hay không khi áp dụng cho tất cả các nhà thầu, thưa luật sư?

Luật sư Hồi: Tính khả thi đối với từng nhà thầu lại là một câu chuyện khác. Khi đi vào từng trường hợp cụ thể, chúng ta buộc phải xem xét điều khoản về sự kiện bất khả kháng, mức độ ảnh hưởng trực tiếp đến nhà thầu và những giải pháp các nhà thầu đã thực hiện để xem xét có hay không việc áp dụng sự kiện bất khả kháng. Bởi đại dịch Covid-19 và việc áp dụng các biện pháp giãn cách tại từng địa phương là hoàn toàn khác nhau. 

Sẽ không thể mặc định đại dịch Covid-19, các biện pháp giãn cách xã hội là sự kiện bất khả kháng và áp dụng cho tất cả nhà thầu xây dựng trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

PV: Vậy theo luật sư, cần xem xét áp dụng điều kiện bất khả kháng đối với trường hợp ảnh hưởng Covid-19 và giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Chính phủ như thế nào để tránh tình trạng những doanh nghiệp không gặp thiệt hại cũng được hưởng ưu đãi?

Luật sư Hồi: Chúng ta đều biết, đại dịch Covid-19 bắt đầu tại Việt Nam từ đầu năm 2020 và đến nay chưa có dấu hiệu kết thúc. Đồng thời, các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng bởi Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 và thậm chí Chỉ thị 16+ xuất hiện ở khoảng thời gian ngắt quãng, cho từng khu vực cụ thể. 

Từ đó, đặt ra những yêu cầu cần thiết hướng dẫn việc xác định thời điểm bắt đầu xảy ra sự kiện bất khả kháng, có thể có các ngày bắt đầu như: (i) Thời điểm nước Việt Nam bắt đầu có đại dịch Covid-19; hoặc (ii) thời điểm địa phương (tỉnh, thành phố) nơi thực hiện dự án có đại dịch Covid-19; hoặc (iii) thời điểm UBND tỉnh, thành phố nơi có dự án áp dụng các biện pháp giãn cách; hoặc (iv) thời điểm chủ đầu tư, nhà thầu có ca nhiễm F0, F1 buộc phải cách ly. 

Tiếp theo, sau ngày bắt đầu sự kiện bất khả kháng là những hướng dẫn về khoảng thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng, có thể áp dụng từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra đến nay hay không, hay chỉ áp dụng khoảng thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng đối với khoảng thời gian áp dụng Chỉ thị giãn cách xã hội của Thủ tướng, Chính phủ. Ngoài ra, cả những hướng dẫn về việc nhà thầu đã thực hiện các biện pháp khắc phục như thế nào để được coi là “đã thực hiện mọi biện pháp nhưng không thể khắc phục được” như là điều kiện áp dụng bất khả kháng, các biện pháp để ngăn ngừa sự lây lan của đại dịch Covid-19 hay các biện pháp để nỗ lực tối đa thực hiện hợp đồng xây dựng. 

Trên đây là những liệt kê sơ bộ để chúng ta thấy có rất nhiều vấn đề cần được hướng dẫn chi tiết, rõ ràng khi đưa yếu tố dịch Covid-19 và giãn cách xã hội vào điều kiện bất khả kháng. Tuy nhiên, cần thiết phải như vậy, bởi sẽ hạn chế được tối đa nguồn lực, thời gian trong việc giải quyết tranh chấp tranh chấp giữa các bên liên quan. Và đương nhiên, sẽ hạn chế tối đa việc các doanh nghiệp không thuộc trường hợp gặp phải sự kiện bất khả kháng có thể trục lợi.

PV: Hợp đồng xây dựng không quy định rõ “dịch bệnh” hay “quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc giãn cách xã hội do dịch bệnh” là một sự kiện bất khả kháng và trách nhiệm tương ứng của các bên trong trường hợp xảy ra bất khả kháng thì dễ có khả năng xảy ra tranh chấp hay không, thưa ông?

Luật sư Hồi: Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp hợp đồng thường xảy đến khi một hoặc cả hai bên vi phạm hợp đồng, tiếp nữa, là việc hiểu, giải thích hợp đồng của hai bên không đồng nhất. Do đó, tôi cho rằng, dù có hay không quy định về “dịch bệnh” hay “quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc giãn cách xã hội do dịch bệnh” là một sự kiện bất khả kháng thì với cách hiểu chưa nhất quán như hiện nay, việc tranh chấp giữa các bên là khó tránh khỏi. Bên không thực hiện đúng hợp đồng ở thời điểm hiện tại sẽ cố gắng về sự kiện bất khả kháng để không phải chịu trách nhiệm dân dự, đồng thời bên thiệt hại sẽ tìm cách chứng minh điều ngược lại. 

Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn về đại dịch Covid-19, các bên nếu không thấu hiểu, thông cảm cho nhau thì chắc chắn việc tranh chấp hợp đồng do một bên không thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ hợp đồng trong bối cảnh hiện nay là điều rất dễ xảy ra.

Cũng cần nói thêm, chủ đầu tư và nhà thầu trong bối cảnh hiện nay cần thiết ngồi lại để tìm phương án cùng giải quyết, khắc phục những thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra, hạn chế tối đa những tranh chấp không cần thiết để tránh tổn hao nguồn lực cho cả hai bên. 

Tôi hiểu rằng, bản thân các cơ quan tài phán cũng sẽ gặp khó khăn nhất định trong việc nhận định việc một bên không thực hiện đúng, đủ theo hợp đồng xây dựng có thuộc trường hợp sự kiện bất khả kháng để được miễn trừ trách nhiệm hay không. Rõ ràng, tất cả chúng ta, từ thẩm phán, trọng tài viên, chủ đầu tư, nhà thầu, chuyên gia pháp lý đều chưa có kinh nghiệm ứng xử pháp lý đối với “Thiên nga đen” Covid-19 như hiện nay. Khi chưa có án lệ, chưa có tiền lệ thì việc giải quyết tranh chấp chắc chắn sẽ mất rất nhiều thời gian, chi phí cho cả hai bên.

Vì vậy, tôi tin rằng ở thời điểm hiện tại, phương án tốt nhất cho cả hai là ngồi lại, tìm tiếng nói chung để cùng nhau đi qua dịch Covid-19, bởi lẽ, cả thế giới này, chứ không riêng mối quan hệ giữa chủ đầu tư và nhà thầu đã và đang chịu ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng bởi đại dịch.

- Xin cảm ơn luật sư!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top