Aa

Tháo gỡ khó khăn về tiến độ thực hiện dự án cụm công nghiệp tại Thanh Hóa

Viết Huy
Viết Huy hoanghuy1089@gmail.com
Thứ Hai, 08/08/2022 - 11:01

Tổ chức các buổi làm việc 3 bên để làm rõ khó khăn, vướng mắc, mốc tiến độ trong quá trình thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn là kế hoạch mà tỉnh Thanh Hóa đưa ra trong thời gian tới.

Ngày 3/8/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị giao ban tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2022.

Phát biểu tại hội nghị, ông Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, nhấn mạnh vai trò của việc thu hút đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại các cụm công nghiệp là cơ sở quan trọng để thu hút các doanh nghiệp đến thuê đất, đầu tư sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương.

Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa thẳng thắn chỉ rõ một số dự án chậm triển khai, nhà đầu tư không quyết tâm thực hiện, yêu cầu địa phương rà soát, báo cáo để thu hồi đất.

Tỉnh Thanh Hóa được quy hoạch phát triển 79 cụm công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 2.624ha. Tính đến ngày 15/7/2022, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thành lập được 38 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 1.400ha, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại các cụm công nghiệp khá chậm so với tiến độ đầu tư được phê duyệt, đều phải thực hiện điều chỉnh gia hạn mới, gây ảnh hưởng đến lộ trình đầu tư, khai thác và phát triển theo tiến độ quy định.

Trong số 38 cụm công nghiệp đã thành lập, thì có 5 cụm công nghiêp cơ bản hoàn thành đầu tư hạ tầng, đủ điều kiện cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất; 5 cụm công nghiệp đang đầu tư hạ tầng; 7 cụm công nghiệp đang thực hiện các thủ tục đầu tư và giải phóng mặt bằng; 13 cụm công nghiệp đang chờ chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa để hoàn chỉnh thủ tục đầu tư; 4 cụm công nghiệp đang chờ phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2022 để hoàn chỉnh hồ sơ trình chuyển mục đích sử dụng đất lúa; và có 4 cụm công nghiệp chủ đầu tư chưa tích cực triển khai hoặc quá chậm tiến độ cần phải xem xét thu hồi dự án.

Tại hội nghị lần này, tỉnh Thanh Hóa tập trung trao đổi làm rõ những khó khăn, vướng mắc như: Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa còn khó khăn; khối lượng hồ sơ, thủ tục đầu tư nhiều nên tiến độ đầu tư chậm; xem xét điều chỉnh giá đất tại các cụm công nghiệp cho phù hợp với thực tế; một số cụm công nghiệp xin bổ sung ngành nghề để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.

Tháo gỡ khó khăn về tiến độ thực hiện dự án cụm công nghiệp tại Thanh Hóa
Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa còn khó khăn, khối lượng hồ sơ, thủ tục đầu tư nhiều... là những vướng mắc mà đa số chủ đầu tư dự án cụm công nghiệp đang vướng phải.

Bên cạnh đó, việc chủ đầu tư quan tâm phát triển, xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật nhằm thu hút nhanh các nhà đầu tư thứ cấp vào hoạt động trong cụm công nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc. Điển hình như cụm công nghiệp nghề cá Hòa Lộc là một trong những cụm công nghiệp đã cơ bản hoàn thiện các hạng mục san lấp mặt bằng, xây dựng cơ bản hạ tầng kỹ thuật như điện, nước. Dự án này do Công ty TNHH MTV BNB Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Hiện tại, cụm công nghiệp nghề cá Hòa Lộc đã thu hút được dự án vào cụm với diện tích gần 5 ha và đang tiếp tục thu hút các dự án thứ cấp.

Tuy nhiên, còn nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng nên đến nay dự án vẫn chậm tiến độ so với kế hoạch ban đầu, dẫn đến việc chủ đầu tư không đủ điều kiện hưởng ưu đãi về chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo Nghị quyết số 29/2016/NQ-HĐND ngày 8-12-2016 của HĐND tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại tỉnh Thanh Hóa.

Tương tự những khó khăn trên thì hiện tại ở các cụm công nghiệp còn lại, tình trạng chậm giải phóng mặt bằng, khó khăn về chuyển đổi mục đích sử dụng đất,...đang khiến các chủ đầu tư không thể xây dựng hoàn thành dự án theo đúng tiến độ đã được cam kết.

Ngoài ra, tại buổi làm việc lần này, phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Mai Xuân Liêm đã giải đáp cụ thể từng kiến nghị của các doanh nghiệp, chủ đầu tư, đồng thời tiếp thu, yêu cầu các sở, ngành, địa phương nghiên cứu tham mưu giải quyết.

Cụ thể đối với vấn đề chuyển đổi đất lúa, yêu cầu trong vòng 10 ngày, các địa phương rà soát kế hoạch chuyển đổi đất lúa đối các cụm công nghiệp đang hoàn chỉnh thủ tục đầu tư gửi Sở Tài nguyên và Môi Thanh Hóa trường tổng hợp, báo cáo, sớm trình UBND tỉnh Thanh Hóa.

Nhằm tháo gỡ những vấn đề tồn tại đã nêu tại hội nghị, Ông Mai Xuân Liêm yêu cầu trong thời gian 01 tháng sau hội nghị này, Sở Công thương Thanh Hóa xây dựng kế hoạch, sớm tổ chức các buổi làm việc 03 bên, gồm: Sở Công thương, UBND cấp huyện, chủ đầu tư để làm rõ khó khăn, vướng mắc, làm rõ mốc tiến độ và tổ chức ký cam kết cũng như quy định rõ trách nhiệm của từng bên trong quá trình thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn.

Đối với các cụm công nghiệp còn vướng mắc về thủ tục đầu tư về giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch... yêu cầu UBND các địa phương tập trung, phối hợp với chủ đầu tư tích cực hoàn thành, báo cáo UBND tỉnh những vấn đề vượt thẩm quyền.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị chủ đầu các cụm công nghiệp cần tích cực phối hợp với các sở ngành liên quan, UBND các địa phương trong toàn bộ quá trình triển khai thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật dự án được giao, rút ngắn tối đa thời gian, sớm đưa cụm công nghiệp đi vào hoạt động.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top