Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) là một trong những doanh nghiệp mà Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nhắc phải đẩy nhanh tiến độ cổ phẩn hoá, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2020 và triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm của Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp vừa diễn ra ngày 6/8 tại Hà Nội.
Cổ phần hoá chậm vì vướng đất vàng
Theo lộ trình, VICEM là một trong những doanh nghiệp Nhà nước phải cổ phần hoá trước năm 2021. Tuy nhiên đến nay, dù đã bước sang nửa cuối năm 2020, VICEM vẫn đang loay hoay trong quá trình thoái vốn.
Nguyên nhân khiến VICEM chậm trễ trong quá trình cổ phần hoá được cho rằng đến từ những lùm xùm về phương án xử lý quỹ đất vàng mà doanh nghiệp này đang sở hữu.
Báo cáo của Bộ Xây dựng gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 22/07/2020 cho biết, theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ về việc sắp xếp, xử lý tài sản công, VICEM phải thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước trước khi lập phương án sử dụng đất sau cổ phần hoá.
Liên quan đến những quỹ đất mà VICEM sở hữu, phương án sắp xếp, xử lý nhà đất đã được Bộ Xây dựng phê duyệt vào năm 2015 và năm 2018. Tuy nhiên, năm 2019 và 2020, VICEM lại có những đề xuất thay đổi.
Cụ thể, với lô đất 8.476m2 tại 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy (phường Mễ Trì, quận Nam Từ liêm, Hà Nội), VICEM đề xuất thay đổi từ “giữ lại, tiếp tục quản lý, sử dụng để thực hiện dự án Trung tâm điều hành” thành “bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất”.
Còn tại lô đất 52.083m2 tại ngõ 122 Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), VICEM đề xuất điều chỉnh từ “tiếp tục quản lý, sử dụng để triển khai dự án xây dựng Khu Tổng hợp Vĩnh Tuy theo đúng quy định hiện hành và phù hợp với quy hoạch của thành phố Hà Nội” thành “cho phép VICEM được tiếp tục quản lý, sử dụng khu đất để đáp ứng hoạt động sản xuất kinh doanh của VICEM như hiện trạng”. Về phương án này, Bộ Xây dựng đã cơ bản thống nhất với đề xuất của VICEM và có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét, cho ý kiến đối với phương án xử lý, sắp xếp lại nhà đất tại khu đất này.
Với lô đất 166.527m2 tại khu công nghiệp Đông Hồi (xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), VICEM đề xuất thay đổi từ “tiếp tục quản lý, sử dụng theo quy định để thực hiện dự án Nhà máy Kết cấu bê tông - Vật liệu xây dựng không nung Đông Hồ” thành hình thức “chuyển nhượng dự án cho VICEM Hoàng Mai” để đảm bảo cho VICEM Hoàng Mai có địa điểm xây dựng Trạm nghiền xi măng. Lý do mà VICEM đưa ra đó là việc thực hiện các dự án trên quỹ đất này trước đó đã không còn hiệu quả.
Cũng trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, việc thực hiện sắp xếp, xử lý đối với các cơ sở nhà đất do VICEM quản lý, sử dụng trước khi lập phương án cổ phần hóa là đúng trình tự, thủ tục quy định. Về phương án đề xuất của VICEM đối với ba cơ sở nói trên, Bộ Xây dựng khẳng định các phương án này đang trong quá trình xem xét của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, chưa được phê duyệt.
Những vấn đề cần đặt ra với phương án sử dụng quỹ đất của VICEM
Các chuyên gia cho rằng, với một doanh nghiệp như VICEM, sở hữu nhiều quỹ đất vàng nhưng đã có đề xuất chuyển nhượng dự án, bán tài sản trên đất… đã thể hiện nhiều vấn đề cần phải làm rõ, bởi hiện tại, phương án này đang bộc lộ nhiều dấu hiệu bất thường của quá trình thoái vốn.
Thứ nhất, về mặt tiến độ, VICEM đang thể hiện sự chậm trễ trong dứt điểm phương án sử dụng quỹ đất đang sở hữu, gây chậm quá trình thoái vốn.
Thứ hai, thực tế, những dự án trên đất vàng này đã bị “đắp chiếu” nhiều năm, gây lãng phí và thất thoát tài sản. Điển hình như dự án văn phòng tại lô 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy có diện tích đất 8.476m2, được phê duyệt xây dựng một toà tháp cao 31 tầng và 4 tầng hầm, bố trí làm văn phòng, hội trường và thương mại...
Tổng mức đầu tư lên tới 2.000 tỷ đồng. Khởi công xây dựng từ năm 2011, dự án đã xong phần thô thì dừng lại, bỏ dở dang suốt từ năm 2013 đến nay. VICEM chỉ tập trung quyết toán các gói thầu đã hoàn thành, thi công các gói thầu đã kí hợp đồng và đang thực hiện dở, còn lại không triển khai gì thêm… Theo số liệu quyết toán tính đến tháng 5/2019 (đã được kiểm toán) thì VICEM đã chi phí đầu tư vào dự án này hơn 770,6 tỷ đồng.
Thứ ba, VICEM đã bỏ ra chi phí để xử lý các quỹ đất, trong khi tính pháp lý hiện vẫn chưa đầy đủ cũng như phương án đề xuất chưa chính thức được phê duyệt từ các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Điển hình như tại khu đất 122 Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), dù chưa đủ thủ tục xây dựng, nhưng VICEM đã nhanh chóng thanh toán tới 63 tỷ đồng, mà chủ yếu là chi phí lập phương án kiến trúc và khoảng 56,8 tỷ đồng cho việc lập dự án đầu tư xây dựng công trình, thiết kế kỹ thuật với nhà thầu POSCO A&C.
Thứ tư, VICEM cho biết, lý do thay đổi phương án đề xuất xử lý quỹ đất sang “bán tài sản trên đất, chuyển nhượng dự án” đến từ việc làm ăn không hiệu quả của dự án. Song câu hỏi được đặt ra, với những năm tháng lỗ chồng lỗ cùng khoản tiền nợ đọng kéo dài, doanh nghiệp này sẽ khắc phục xử lý như thế nào?
Phương án mà VICEM đề xuất liệu rằng có dẫn tới những thất thoát nguồn lực công của đất nước khi trước đó, bài học từ hãng phim truyện Việt Nam từng trở thành bài học đầy nhức nhối.
Thứ năm, liên quan đến những lô đất mà VICEM đề xuất thay đổi phương án, sắp xếp, xử lý nhà đất, năm 2019, Kiểm toán Nhà nước đã có những kết luận về dấu hiệu bất thường. Được biết, hiện tại, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục có buổi làm việc với VICEM về vấn đề kiểm tra việc thực hiện kết luận kiểm toán trước đó. Về việc này, VICEM sẽ phải có văn bản báo cáo, giải trình việc thực hiện sau kết luận gửi Kiểm toán Nhà nước. Tuy nhiên, đến nay, việc VICEM báo cáo giải trình như thế nào thì dư luận chưa tỏ tường và doanh nghiệp này cũng chưa hề lên tiếng thông tin công khai.
Mới đây, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - C03 (Bộ Công an) đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng, Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu để điều tra, xác minh một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến 2 dự án của VICEM.
Trong quá trình thực hiện tuyến bài về VICEM, Reatimes đã tiếp nhận nhiều phản ánh, tài liệu liên quan đến bất cập trong vấn đề tài chính, công tác quản lý, điều hành, quản trị nhân sự...tại VICEM và một số đơn vị thành viên. Trong số những nội dung trên, có nội dung đang chưa được VICEM giải quyết, dẫn đến khiếu kiện kéo dài và thậm chí có vụ việc hiện cơ quan công an đang vào cuộc điều tra, xác minh.
Những dấu hiệu này đang đặt ra sự không rõ ràng, minh bạch và tiềm ẩn những nguy cơ về vi phạm trong quản lý sử dụng đất cũng như quá trình cổ phần hoá.
Chỉ ra bất cập chung của doanh nghiệp Nhà nước trong cổ phần hoá, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: "Hiện nay, các doanh nghiệp của địa phương thường có vốn và quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ, nhưng quỹ đất và giá trị đất lại rất lớn.
Khi cổ phần hoá, chỉ một số doanh nghiệp nghiêm túc trong việc rà soát phương án sử dụng đất, trả lại đất cho Nhà nước, còn lại phần lớn doanh nghiệp sẽ đưa ra phương án sử dụng không phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh".
Ông Võ cũng chỉ ra mấu chốt của vấn đề thẩm định giá đất trong quá trình cổ phần hoá. Đó là, nguy cơ nhà nước bị thất thoát về giá trị đất đai vẫn rất lớn. Câu chuyện trung tâm của doanh nghiệp cổ phần hoá nằm ở chỗ giá trị đất đai đưa vào cổ phần hoá có đúng hay không đúng?
Việc định giá được thực hiện như thế nào hay sẽ là câu chuyện liên kết với nhau theo kiểu lợi ích nhóm để xác định giá trị đất đó thấp đi. Điều này xuất hiện khá nhiều trong quá trình cổ phần hoá. Ông Võ còn cho rằng, sau khi cổ phần hoá có thể người ta sử dụng tài sản đất đó không đúng mục đích như trong phương án cổ phần hoá đã xác định.
Tránh thất thoát tài sản Nhà nước từ thẩm định giá đất của VICEM
Liên quan đến phương án sử dụng quỹ đất của VICEM trước thời điểm cổ phần hoá, trả lời phỏng vấn báo chí, GS.TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho rằng, VICEM khi thực hiện cổ phần hóa đều phải tuân thủ đúng các quy định, quy trình của pháp luật, nhất là trong vấn đề thẩm định, định giá đất đai.
GS.TS Đặng Đình Đào nhấn mạnh, thẩm định, định giá đất đai là một trong những nguồn cơn gây nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn nhất trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước.
GS. Đặng Đình Đào khuyến cáo: "Hầu hết các doanh nghiệp Nhà nước đều sở hữu những lô đất vàng với diện tích rất lớn, ở những vị trí đắc địa và rải rác ở hầu hết khắp các tỉnh thành trên cả nước. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp nào sử dụng nhiều đất đai, nắm giữ nhiều mảnh đất đắc địa thì cổ phần hóa, thoái vốn rất dễ, bất kể hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh ra sao, tình hình tài chính thế nào. Nếu tính toán không cẩn thận, thẩm định giá đất không chặt chẽ, không đúng quy định thì nguy cơ thất thoát là khó tránh khỏi”.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, tình trạng của VICEM cần có một cuộc thanh kiểm tra. Bởi thực tế đến nay, doanh nghiệp này đã rơi vào làm ăn thua lỗ, bết bát kéo dài nhiều năm.
Như đại biểu quốc hội Bùi Thị An đặt ra vấn đề: “Tại sao một doanh nghiệp Nhà nước lại làm ăn thua lỗ kéo dài nhiều năm như vậy. Vấn đề cổ phần hoá của doanh nghiệp này cần phải kiểm tra sát sao, chặt chẽ, tránh tình trạng thất thoát vốn”.
GS. Đặng Đình Đào khẳng định, phải xác định tách bạch rất rõ ràng giữa giá trị tài sản là đất và giá trị tài sản trên đất tại quỹ đất của VICEM. Bởi những quỹ đất vàng đó thuộc quyền sở hữu toàn dân và doanh nghiệp nhà nước được “quyền thuê”.
Đây vốn là đặc quyền của doanh nghiệp Nhà nước nhằm phục vụ mục đích kinh doanh của doanh nghiệp. Tức là khi thực hiện cổ phần hóa, tài sản đất đai vốn phải được tách ra để định giá riêng, các doanh nghiệp nhà nước không phải muốn bán thì bán, muốn cho thuê thì cho thuê.
Bên cạnh đó, bài toán xử lý quỹ đất của VICEM phải được xem xét thấu đáo, nhất là khi doanh nghiệp này có “tiền sử” làm ăn thua lỗ kéo dài nhiều năm. Trong khi đó, Kiểm toán Nhà nước còn chỉ ra một số công ty con của VICEM còn vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công.
Theo đó, năm 2019, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến các sai phạm, trong đó, kiểm điểm trách nhiệm người đại diện phần vốn Công ty Xi măng Hà Tiên 1 trong việc quyết định đầu tư nhưng không thực hiện báo cáo Tổng công ty Xi măng Việt Nam. Tổng Giám đốc Công ty Xi măng Hà Tiên 1 (giai đoạn liên quan) trong việc ký hợp đồng góp vốn vào Công ty Nguyễn Quang, chuyển quyền thuê đất của Nhà nước không qua đấu giá.
Cần phải nhấn mạnh lại, nếu không kiểm soát chặt chẽ việc bán tài sản và chuyển nhượng, nguy cơ định giá đất nhập nhèm là dễ xảy ra, điều này đồng nghĩa, nguồn lực của Nhà nước bị chảy vào nhóm lợi ích. Mặt khác, việc tiến hành cổ phần hoá sẽ bị cản trở chậm tiến độ. Theo PGS.TS. Ngô Trí Long, chậm cổ phần hoá cũng làm thất thoát tài sản nhà nước.
GS. Đặng Đình Đào khẳng định: "Tình trạng doanh nghiệp nhà nước vốn nhận được rất nhiều cơ chế ưu ái nhưng quản lý yếu kém, làm ăn không hiệu quả, đầu tư ngoài ngành gây thua lỗ, thất thoát rồi lại xin bán đất để trả nợ là không thể chấp nhận được. Chiêu bài chung của các doanh nghiệp Nhà nước khi thực hiện cổ phần hóa cần phải được ngăn chặn và xử lý thật nghiêm".
Một trong những vấn đề được bàn thảo nhiều tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2020, đó là tiến độ cổ phần hoá và thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp rất chậm so với kế hoạch đề ra. Đây cũng là nhận định được Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đánh giá về công tác tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước
Về việc chậm quá trình cổ phần hoá, theo Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, đó là trong triển khai thực hiện một số nội dung về sắp xếp, phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định giá trị doanh nghiệp, phần vốn để cổ phần hóa, thoái vốn tại các quy định thuộc các Nghị định còn nhiều khó khăn.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong triển khai Luật Đất đai, Luật Quản lý sử dụng tài sản công chưa nghiêm túc, thường xuyên, nhiều doanh nghiệp chỉ đến khi thực hiện cổ phần hóa mới thực hiện sắp xếp, xử lý đất đai dẫn đến làm chậm quá trình cổ phần hóa, việc này có thể do hiểu không đúng pháp luật hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm.
Trong khi đó, đối tượng cổ phần hoá, thoái vốn trong giai đoạn này bao gồm một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn, có tình hình tài chính phức tạp, phạm vi hoạt động rộng, sở hữu nhiều đất đai tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước nên việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất; xác định, kiểm toán giá trị doanh nghiệp, bán cổ phần lần đầu gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài.
Đáng chú ý, một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp nhà nước chưa nghiêm túc, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện; chưa chủ động theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập; chậm cho ý kiến hoặc ý kiến không rõ ràng đối với những vấn đề Văn phòng Chính phủ xin ý kiến để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý vẫn còn hiện tượng không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, viện dẫn vào các khó khăn vướng mắc để chậm hoặc không thực hiện, chưa xem xét đúng trách nhiệm của người đứng đầu các doanh nghiệp thực hiện chậm cổ phần hóa, chuyển giao về SCIC, niêm yết trên sàn chứng khoán...
Về phương án nghiên cứu phương án xử lý nhà, đất, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát các quy định về đất đai trong cổ phần hóa, thoái vốn để có hướng dẫn, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan nhằm tháo gỡ các vướng mắc khó khăn trong công tác này.
Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ cổ phân hóa các tổng công ty: Xi măng Việt Nam, Đầu tư phát triển nhà và đô thị theo kế hoạch.
Đặc biệt, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cần chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu việc xử lý tài chính, sắp xếp lại, xử lý nhà đất, phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp theo hướng giao một cơ quan phân loại đất đai thuộc sở hữu của các doanh nghiệp. Đất nào không còn sử dụng cho mục đích sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì tập trung về một đầu mối để có giải pháp quản lý và sử dụng hiệu quả.
Giao UBND TP. Hà Nội và TP.HCM đẩy nhanh tiến độ việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất; cho ý kiến, phê duyệt phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa trực thuộc, doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa có đất đai nằm trên địa bàn. Chú ý xử lý sau thanh tra tại 2 thành phố này để thu lại tài sản theo kết luận của thanh tra.
"Nếu không thực hiện thì xác định rõ đây là trách nhiệm của lãnh đạo đương nhiệm, chứ không phải tiền nhiệm", Phó Thủ tướng lưu ý.
Ngày 10 - 11/8 vừa qua, Tổng công ty Xi măng Việt Nam vừa tổ chức thành công đại hội lần thứ 3, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Theo đó, Đại hội đã bầu ra 24 đồng chí trong Ban chấp hành Đảng bộ Tổng Công ty Xi măng Việt Nam lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng chí Bùi Hồng Minh - Chủ tịch Hội đồng thành viên tái đắc cử Bí thư Đảng bộ với số phiếu tín nhiệm thấp nhất.