Khi tôi học lớp năm thì Mỹ quay trở lại bắn phá miền Bắc lần thứ hai. Do nằm trong vành đai bảo vệ Hà Nội, nên quê tôi rất dễ là mục tiêu oanh kích. Để an toàn, chúng tôi không được đến lớp mà phải học tại nhà.
Tôi còn nhớ cô giáo chủ nhiệm tên là Hương, người Thạch Thất, ở trọ trong một gia đình nông dân, ngày nào cũng phải đi bộ hàng chục ki lô mét, đến tất cả các nhóm học ở các làng để giao bài cho học trò và kiểm tra xem chúng tôi học hành ra sao. Lần nào cô cũng ăn mặc như một phụ nữ nông thôn, nghĩa là rất mộc mạc. Có bận, cô vừa xuất hiện thì cũng là lúc máy bay Mỹ ầm ầm hú hét trên bầu trời. Thế là cô nhanh chóng trở thành người chỉ huy để chúng tôi xuống hầm trú ẩn có trật tự và nhanh nhất. Khi không còn đứa nào trên mặt đất, cô mới chui vào sau cùng và ngồi chắn ngoài cửa hầm. Mặc dù tiếng gầm rú của máy bay, tiếng tên lửa tầm thấp, tiếng đạn pháo luôn khiến cô giật mình, nhưng cô luôn giữ được một nụ cười cùng với lời động viên: “Các em đừng sợ!”. Chúng tôi hoàn toàn phó thác tính mạng mình cho cô. Không hiểu sao, dù ngồi trong căn hầm ọp ẹp, nhưng chúng tôi cùng tin rằng, chẳng thể có bom đạn nào, dù khủng khiếp đến mấy, làm gì nổi chúng tôi. Còn lâu sắt thép mới có thể chạm vào được chúng tôi khi có cô ngồi chắn ở cửa hầm. Và cô giáo chủ nhiệm không chỉ khiến chúng tôi trở nên can đảm, mà còn truyền cho mỗi chúng tôi tình yêu thương lớn lao, thứ tình cảm không sách vở nào truyền được.
Năm tôi lên học lớp tám, đúng vào năm kinh tế đất nước ở vào giai đoạn quẫn bách nhất. Hầu như vào mùa đông, không đứa nào có đủ áo ấm. Trong khi đó lớp học lại ở ngay cạnh cánh đồng, cửa sổ thông thống. Những hôm gió bấc tràn về, chúng tôi đều co ro vì lạnh. Một hôm như thế đúng vào giờ học toán. Cô giáo dạy toán của chúng tôi tên là Hạnh, nổi tiếng là nghiêm khắc. Cô đặt ra những yêu cầu rất ngặt nghèo về tác phong cho học sinh. Ngáp hay ho thì phải che tay lên miệng. Vào lớp không được đội mũ, không được nói chuyện, không được gõ bàn… Nếu ai đó vi phạm, cô sẽ mời bằng được ra ngoài, cho tới khi hết giờ của cô. Chỉ cần trong lớp có đứa nào đó quên cài cúc áo cổ - điều cô rất ghét vì nó thiếu tôn trọng người khác, theo lời cô - cô sẽ đứng bên ngoài lớp cho đến khi “sự cố” được khắc phục. Tất cả chúng tôi đều đã quen với điều đó, vì thế, cho dù rét thấu xương, không đứa nào dám đội mũ, không đứa nào dám xuýt xoa.
Nhưng hôm đó, vừa bước vào lớp, cô Hạnh phát hiện ngay ra điều đó. Cô cảm nhận được từng thớ thịt của chúng tôi đang co lại. Cô lướt nhìn khắp lớp một lượt rồi nói bằng thứ giọng xúc động:
- Từ giờ trở đi, những hôm rét, vào giờ của tôi, các em có thể đội mũ. Nào, những ai có mũ thì đội cho cô xem.
Cô lặng lẽ nhìn học sinh lôi mũ từ trong cặp, trong ngăn bàn. Rồi bỗng cô quay ra, đi rất nhanh về phía phòng ở. Lát sau cô quay lại với một chồng báo khá nặng mà cô tích cóp được. Cô nhanh chóng chia cho chúng tôi, bảo chúng tôi độn báo vào bên trong áo. Vì rất rét nên hầu hết chúng tôi đều mau chóng làm theo. Xong, cô bất ngờ hô:
- Tất cả chú ý, cựa quậy toàn thân!
Chúng tôi nhất loạt làm theo, cùng với những tiếng cười không kìm được. Lập tức cả lớp học vang lên tiếng sột soạt. Và điều kỳ diệu đã xảy ra: Chúng tôi đều cảm thấy từ những tờ báo như toả ra hơi ấm. Mặt đứa nào đứa ấy bớt tái hẳn đi. Bấy giờ cô Hạnh mới bắt đầu bài giảng.
Chúng tôi đã vượt qua những mùa đông đói, rét… theo cách đó của cô giáo dạy toán. Và cho dù đã gần năm mươi năm trôi qua, chưa bao giờ tôi quên hình ảnh cô Hương chắn trước cửa hầm những hôm bom đạn đầy trời. Cũng thế, hơn bốn mươi năm trôi qua, chưa bao giờ tôi quên nét mặt tràn ngập niềm vui sướng của cô Hạnh khi cô thấy chúng tôi cùng nhau cựa quậy trong tiếng sột soạt của những tờ báo cô cho chúng tôi độn vào người thay áo ấm. Có lẽ so với những gì mà con tôi đang nhận từ nhà trường bây giờ, thì chúng tôi quá thiệt thòi. Chúng tôi không đủ sách giáo khoa, quanh năm thiếu giấy viết. Chúng tôi ngồi trong lớp nghe giảng mà bụng réo mắt hoa! Thầy cô của chúng tôi ngày ấy chắc chắn không nhiều kiến thức như những thầy cô bây giờ. Nhưng chẳng hiểu sao, tận giờ này trong mỗi việc sáng láng tôi làm, trong mỗi suy nghĩ của tôi hướng tới điều tử tế, lòng danh dự và trách nhiệm xã hội, đều mang dấu ấn của những gì mình được truyền dạy từ tấm lòng của thầy cô hồi đó. Cùng với nó là ý thức lớn lao về tình thương yêu và lòng danh dự, những thứ tạo cho con người phần lớn nhân cách và nghị lực.
Bởi vì, hồi đó, thầy cô của chúng tôi không chỉ dạy chúng tôi kiến thức, mà còn thị phạm cho chúng tôi bằng chính sự hy sinh cao cả của mình.
Giờ đây khi nền giáo dục nước nhà, nền giáo dục luôn mơ một giấc mơ lớn, đang phải đối mặt với vô số thách thức, mà một trong số đó, thuộc về điều quan trọng nhất, là thái độ lạnh lùng, ích kỷ, thậm chí độc ác của học sinh đến mức đáng sợ chưa có cách nào khắc phục được, tôi chợt thấy tiếc cho những gì đã từng có dưới mỗi mái trường thực sự yên bình.
Hoá ra giáo dục không đơn thuần chỉ là dạy cho người khác kiến thức cũng như thái độ ứng xử theo cái lối nhồi nhét, kể cả những thứ nhồi nhét đã được chọn lựa kỹ càng. Giáo dục trước hết và hơn hết là: 1 - Tạo ra một môi trường thanh cao, nghiêm trang về đức hạnh cũng như lối sống, 2 - Tạo ra môi trường thiêng liêng về tình cảm và cuối cùng, 3 - Tạo ra môi trường tò mò, hấp dẫn về học vấn (học vấn ở đây bao gồm cả những thứ do học trò tự khám phá trong sự khích lệ của nhà trường và chúng phải được coi là phần lớn).
Chúng ta có thói quen đặt ra và nói rất hay về những mục tiêu lớn lao, mà quên rằng, có những lĩnh vực - như giáo dục chẳng hạn - mọi thứ phải bắt đầu từ những chuyện nhỏ nhất.