Trong những thứ con người phải học thì học nói thật là môn học chẳng hề đòi hỏi một li một lai kiến thức tự nhiên hoặc xã hội nào. Bởi vì một người mù chữ, một đứa trẻ vừa biết nói…cũng có thể tham gia khóa học này.
Nhưng ngẫm kĩ, thì hóa ra, đấy lại là môn học khó nhất, ít người đạt được thành tựu nhất. Thậm chí, với nhiều người, một số nhóm người, việc học nói thật là bất khả!
Tôi không định chỉ nói cho thích miệng mà rút ra kết luận từ quá nhiều bằng chứng thực tế. Không tin, để tôi dẫn chứng cho mà xem.
Hàng ngày chúng ta vẫn thường xuyên được nghe một ông bộ trưởng nào đó nói dối trước quốc dân đồng bào mà không hề đỏ mặt.
Không thiếu quý vị đại biểu quốc hội, người có nghĩa vụ chuyển tải trung thực ý nguyện của hàng vạn dân chúng, đồng thời trung thực báo cáo lại kết quả của sự chuyển tải đó, cũng sẵn sàng nói dối cả hai chiều.
Nhiều vị giáo sư, trên lý thuyết và dựa theo bằng cấp, năm công tác, các thành tựu về huân, huy chương… là những nhân vật khả kính. Nhưng những quý vị đó lại không hề ngại nói dối ráo hoảnh.
Số lượng những nhà văn luôn miệng nói về nhân cách, tư cách, lương tâm, bản lĩnh… nhiều không kém gì những điều mà ông, bà ta nói dối, không chỉ bằng lời, mà cả trên trang viết.
Nhiều, thậm chí quá nhiều nhà báo, nhân danh công bằng và công lý, để tư lợi, ăn hối lộ và đành phải dối trá một cách trơ trẽn.
Không gì cao quý và đáng nể trọng hơn nghề làm thầy. Đạo lý phương Đông, phương Tây đều đặt người thầy lên vị trí rất cao, cả về đạo đức, nhân cách. Nhưng chúng ta thậm chí đã chán tai khi nghe những vị thầy nói dối, cả trước công luận và khi ra vành móng ngựa.
Nếu cứ tiếp tục dẫn chứng thì không biết bao nhiêu giấy, mực cho đủ.
Câu hỏi đặt ra là: Vì sao nói thật, sống thật lại khó đến như vậy?
Câu trả lời thì có nhiều, từ khía cạnh văn hóa, đạo đức, pháp luật… đều có thể đưa ra đáp án. Tôi sẽ không đủ thời gian để làm điều đó. Quý vị cũng không đủ kiên nhẫn để nghe tôi nói về những nguyên nhân đó. Vì thế, tôi chỉ xin nói một nguyên nhân đơn giản nhất: Đó là chúng ta không học/không định học nói thật.
Trong nhà trường, môn học đạo đức dạy học trò phải trung thực, lời nói phải thật, phải ngay thẳng. Nhưng bọn học trò sẽ không học, một khi nó tận mắt thị phạm việc thầy dạy một đằng, nhưng chính thầy làm một nẻo; hoặc chúng có đủ bài học đắt giá khi nói thật.
Với một số cán bộ, quan chức, thì nhiều khi nịnh bợ quan trọng hơn tất thảy mọi thứ khác trong suốt quá trình trèo cao, chui sâu. Đã nịnh bợ thì toàn bộ trí tuệ sẽ phải dồn hết cho việc tìm ra những câu nói dối đắt giá nhất. Nói dối mãi thành quen, đến mức không còn khả năng để nói thật.
Với những “lương tâm của xã hội” là nhà văn, nhà báo, thì muốn nói thật phải dũng cảm, phải có tài, phải đầy ắp lòng tự trọng. Mà những thứ đó thì luôn phải đánh đổi bằng nhiều thứ thiết thực khác. Không ai bắt và trách con người kiếm sống khi phải mạo hiểm đến như vậy. Điều đáng trách ở đây, là dù biết rõ mình không có sứ mạng là “lương tâm của xã hội” nhưng họ vẫn thích được thủ vai. Và tất yếu phải dối trá, thậm chí dối trá đỉnh cao.
Cứ thế cho đến khi mọi người, mọi thành phần dân chúng cùng đi đến “nhất trí” rằng, nói chung chẳng tội gì nói thật cho mất lòng người khác, thiệt hại bản thân. Khôn ngoan là phải biết nói dối!
Thì đó cũng là lúc bắt đầu của quá trình băng hoại đạo đức. Hành trình đó chỉ đơn giản vậy thôi, chứ chẳng có gì quá khó hiểu.
Không học nói thật, không thể nói thật, không dám nói thật, không muốn nói thật, không tội gì mà nói thật… là những bậc thang sẽ dẫn tất cả chúng ta một lèo cắm mặt bước xuống địa ngục!