Aa

Thấy gì qua việc huy động vốn của chủ đầu tư các dự án bất động sản ở Quảng Nam?

Thứ Năm, 17/08/2023 - 06:05

Tại Quảng Nam, nhất là tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, hầu hết chủ đầu tư các dự án khu đô thị, khu dân cư, khu phố chợ đều tổ chức huy động vốn theo hình thức "bán lúa non". Hệ lụy, từ đó kéo dài dai dẳng...

LTS: Với các thời kỳ Luật Kinh doanh bất động sản được áp dụng, hình thức kinh doanh trong lĩnh vực này cũng có sự thay đổi đáng kể, trong đó vấn đề huy động vốn của chủ đầu tư tại các dự án phát triển đô thị cũng đã có sự “thích nghi” theo từng giai đoạn, tuân thủ quy định cũng có, nhưng biến tướng và để lại hậu quả cũng nhiều… 

Đơn cử với khu vực Quảng Nam, một trong những thị trường bất động sản sôi động, có sức hút bậc nhất khu vực miền Trung, trong khoảng 10 năm trở lại đây, huy động vốn hợp pháp đã có tác động tích cực đến xã hội như góp phần nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo nguồn lực để phát triển kinh tế địa phương, đẩy nhanh quá trình đô thị hoá…

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những bất cập, tồn tại liên quan đến quyền lợi khách hàng, sự ngổn ngang của nhiều dự án… mà có lẽ phải mất thời gian dài mới giải quyết được. Một phần nguyên nhân xuất phát từ việc huy động vốn khi chưa đủ điều kiện của các chủ đầu tư.

Xoay quanh vấn đề này, Reatimes đã có cuộc trao đổi với LS. Nguyễn Văn Tứ, Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng về những tồn tại từ các hình thức huy động vốn tại thị trường khu vực Quảng Nam.

Luật sư Nguyễn Văn Tứ, Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng.

“Biến tướng” của hình thức huy động vốn

Theo LS. Nguyễn Văn Tứ, về quyền huy động vốn của chủ đầu tư, tại Khoản 4 Điều 16, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2006, quy định: “Các hành vi bị cấm: Huy động hoặc chiếm dụng trái phép vốn của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hoặc bên góp vốn đầu tư kinh doanh bất động sản”; Khoản 9 Điều 19, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2006, quy định: “Quyền của chủ đầu tư dự án khu đô thị mới, dự án khu nhà ở, dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp: Huy động vốn theo quy định của pháp luật”. Như vậy, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2006 xác định rõ chủ đầu tư dự án nhà ở, công trình xây dựng được huy động vốn.

Về điều kiện huy động vốn đối với dự án nhà ở, công trình xây dựng thì tuân theo điều kiện huy động vốn tại Điều 39, Luật Nhà ở 2005: “Trường hợp chủ đầu tư huy động vốn từ tiền ứng trước của người có nhu cầu mua hoặc thuê nhà ở thì chỉ được áp dụng trong trường hợp thiết kế nhà ở đã được phê duyệt và đã được xây dựng xong phần móng. Tổng số tiền huy động trước khi bàn giao nhà ở cho người có nhu cầu không được vượt quá 70% giá trị nhà ở ghi trong hợp đồng”; Đối với dự án đất nền thì Luật Kinh doanh bất động sản năm 2006 không quy định cụ thể.

Về hình thức huy động vốn, đối với dự án nhà ở, công trình xây dựng, tại Điều 38, Luật Nhà ở năm 2005 quy định nguồn vốn để phát triển nhà ở thương mại gồm: Vốn của chủ đầu tư; vốn liên doanh, liên kết với tổ chức, cá nhân khác; vốn vay của tổ chức tín dụng; vốn từ tiền ứng trước của bên có nhu cầu mua hoặc thuê nhà ở; vốn huy động từ các nguồn khác theo quy định của pháp luật.

Đối với các dự án đầu tư đất nền (quyền sử dụng đất) thì Luật Kinh doanh bất động sản không có quy định các hình thức huy động vốn của chủ đầu tư.

Dự án đầu tư khu đô thị do Công ty Cổ phần Bách Đạt An làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần Đầu tư Hoàng Nhất Nam phân phối gây hệ lụy nặng nề cho nhà đầu tư góp vốn, khách hàng mua đất.

Như vậy, pháp luật giai đoạn này chỉ cho phép nhà đầu tư dự án nhà ở, công trình xây dựng được huy động vốn theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, đối với nhà đầu tư dự án đất nền, pháp luật không quy định việc chủ đầu tư có được huy động vốn hay không, điều kiện và hình thức huy động vốn như thế nào.

Trên thực tế, do pháp luật không quy định rõ về hình thức, điều kiện huy động vốn của chủ đầu tư dự án đất nền nên để có vốn đầu tư vào dự án của mình, nhiều chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thường huy động vốn thông qua các hợp đồng như: Hợp đồng đặt chỗ, giữ chỗ; Hợp đồng góp vốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất; Hợp đồng hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận bằng quyền sử dụng đất…

Bản chất của các giao dịch này là nhà đầu tư (khách hàng) sẽ đóng/nộp trước theo tiến độ cho chủ đầu tư một khoản tiền, chủ đầu tư sử dụng khoản tiền này để đầu tư vào dự án. Đến một thời hạn nhất định, khi quyền sử dụng đất đủ điều kiện chuyển nhượng, chủ đầu tư có nghĩa vụ ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho khách hàng.

Người mua đất kéo đến nơi đại diện chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Bách Đạt An đòi quyền lợi liên quan đến việc góp vốn mua đất nền.

Mặc dù chủ đầu tư sử dụng nhiều tên gọi hợp đồng khác nhau để ký với khách hàng, nhận tiền từ khách hàng nhưng thực chất đây là một hình thức huy động vốn của chủ đầu tư trước khách hàng của mình khi đất nền chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng.

Dưới góc độ pháp lý, quyền sử dụng đất (đất nền) chỉ được chuyển nhượng khi đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2006 (quyền sử dụng đất thuộc đối tượng được phép kinh doanh; có giấy tờ hợp pháp chứng minh quyền sử dụng đất; không tranh chấp; trong thời hạn sử dụng đất; không bị kê biên; có công trình hạ tầng đã được phê duyệt...).

Từ thời điểm Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 có hiệu lực cho đến nay, tại khoản 5 Điều 8, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định các hành vi bị cấm gồm: Huy động, chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân và tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng mục đích theo cam kết.

Như vậy, mặc dù pháp luật kinh doanh bất động sản không có quy định nào về quyền huy động vốn của chủ đầu tư dự án bất động sản nhưng cũng không cấm chủ đầu tư huy động vốn, miễn là việc huy động vốn đó không trái pháp luật.

Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc bị "băm nát" do buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng "bán lúa non" tràn lan.

Về điều kiện huy động vốn, đối với dự án nhà ở, công trình xây dựng, chủ đầu tư huy động vốn thông qua hợp đồng mua bán, thuê, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai mà thu tiền trả trước của người mua, thuê, thuê mua nhà ở theo quy định tại khoản 3 Điều 69 của Luật Nhà ở thì phải tuân thủ các điều kiện và hình thức mua, thuê, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Chủ đầu tư phải có văn bản gửi Sở Xây dựng nơi có nhà ở kèm theo giấy tờ chứng minh nhà ở có đủ điều kiện được bán, cho thuê mua theo quy định tại khoản 1 Điều 55 của Luật Kinh doanh bất động sản; trường hợp có thế chấp dự án đầu tư xây dựng hoặc thế chấp nhà ở sẽ bán, cho thuê mua thì chủ đầu tư phải gửi kèm theo giấy tờ chứng minh đã giải chấp hoặc biên bản thống nhất của bên mua, bên thuê mua nhà ở và bên nhận thế chấp về việc không phải giải chấp và được mua bán, thuê mua nhà ở đó; trường hợp không có thế chấp dự án hoặc thế chấp nhà ở sẽ bán, cho thuê mua thì chủ đầu tư phải ghi rõ cam kết chịu trách nhiệm trong văn bản gửi Sở Xây dựng (điểm b khoản 2 Điều 19 Nghị định 99/2015/NĐ-CP).

Về hình thức huy động vốn, đối với dự án nhà ở, công trình xây dựng có sẵn hoặc dự án nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai: Tại khoản 3 Điều 69, Luật Nhà ở 2014 quy định vốn phục vụ cho phát triển nhà ở thương mại gồm: Vốn thuộc sở hữu của chủ đầu tư; Vốn huy động thông qua hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; Tiền mua, tiền thuê mua, tiền thuê, nhà ở trả trước theo hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai; Vốn vay từ tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính đang hoạt động tại Việt Nam. Việc chủ đầu tư huy động vốn thông qua hợp đồng mua bán, thuê, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai mà thu tiền trả trước của người mua, thuê, thuê mua nhà ở theo quy định tại khoản 3 Điều 69 của Luật Nhà ở thì phải tuân thủ điểm b khoản 2 Điều 19, Nghị định 99/2015/NĐ-CP.

Đối với các dự án đất nền, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 không quy định về điều kiện huy động vốn và không có quy định các hình thức huy động vốn của chủ đầu tư. Như vậy, so với Luật Kinh doanh bất động sản năm 2006 và Luật Nhà ở năm 2005, pháp luật kinh doanh bất động sản hiện hành cũng chỉ cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở, công trình xây dựng có sẵn hoặc dự án nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai được huy động vốn theo quy định của pháp luật nhà ở, pháp luật kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, việc huy động vốn của nhà đầu tư dự án nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai được pháp luật quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn.

Người mua đất tại Khu đô thị số 9 tụ tập đòi quyền lợi sau nhiều năm vỡ mộng do góp tiền mua đất nền.

Đối với nhà đầu tư dự án đất nền, cũng giống như Luật Kinh doanh bất động sản cũ (2006), luật không quy định việc chủ đầu tư có được huy động vốn hay không, điều kiện và hình thức huy động vốn như thế nào.

Trên thực tế, sau khi có Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, các chủ đầu tư dự án đất nền ngoài việc tiếp tục sử dụng các hình thức huy động vốn cũ, để tránh việc thanh kiểm tra, xử lý từ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, chủ đầu tư đã “vẽ” ra một số hình thức huy động vốn mới như: Ký kết Phiếu đặt cọc mua sản phẩm đất nền (Dự án Khu phố chợ Điện Nam Trung); Hợp đồng đặt mua đất nền (Dự án Khu phố chợ Điện Nam Trung); Hợp đồng hợp tác kinh doanh…

Gian nan đòi quyền lợi từ chủ đầu tư…

LS. Nguyễn Văn Tứ cho rằng, về bản chất, nội dung của các hợp đồng trên đa số đều thỏa thuận và nhằm mục đích mua bán đất nền giữa chủ đầu tư và nhà đầu tư. Xét tính hợp pháp của các hợp đồng trên có thể thấy rằng, chủ đầu tư thực hiện việc huy động vốn (mua bán đất nền, thỏa thuận phân chia lợi nhuận bằng thông tin thửa đất cụ thể…) khi chưa đủ điều kiện chuyển nhượng theo Luật Kinh doanh bất động sản và pháp luật liên quan thuộc trường hợp vi phạm điều cấm của luật. Do đó, các hợp đồng nêu trên khi có tranh chấp đều không được pháp luật công nhận.

Người dân tham gia góp vốn đầu tư nhận quyền sử dụng đất tập trung đòi quyền lợi tại trụ sở Công ty Cổ phần Bách Đạt An. (Ảnh: Hữu Trà)

Mặc dù biết rõ quy định trên nhưng một số chủ đầu tư vì lợi nhuận nên vẫn cố tình huy động vốn thông qua các giao dịch dân sự với các điều khoản dự liệu cho khả năng vô hiệu hợp đồng hoặc hoàn trả tiền, lãi suất cho khách hàng khi không có đất để giao đúng tiến độ. Lúc có tranh chấp xảy ra, các giao dịch này thường rơi vào trường hợp bị vô hiệu, các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, bên nào có lỗi thì phải bồi thường.

Với những trường hợp như vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, khách hàng hoặc là phải khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hoặc là phải đóng vai trò bị đơn trong các vụ án do chính chủ đầu tư khởi kiện yêu cầu tuyên hợp đồng vô hiệu. Đối với trường hợp này, phần lớn khách hàng là bên chịu nhiều rủi ro, chịu thiệt.

Ngoài ra, một số dự án đất nền khác đã triển khai hơn chục năm, trước thời điểm Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 có hiệu lực, chủ đầu tư đã nhận tiền 100% từ khách hàng, đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận nhưng chủ đầu tư lại không tiến hành bàn giao Giấy chứng nhận cho khách hàng, mà thế chấp chính các thửa đất đã bán cho khách hàng tại ngân hàng để vay vốn.

Việc chủ đầu tư thông qua hình thức hợp đồng góp vốn chuyển nhượng đất để nhận tiền của khách hàng, sau khi nhận tiền, chủ đầu tư đã có đất, đất được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận, đóng thuế đầy đủ nhưng chủ đầu tư lại không giao cho khách hàng, cố tình né tránh hòng chiếm đoạt toàn bộ số tiền đã nhận của khách hàng trước đó là hành vi có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, các khách hàng cần tố cáo hành vi vi phạm pháp luật này đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để được giải quyết dứt điểm, toàn diện, tránh để sự việc kéo dài, tiền mất, tật mang.

“Bán lúa non” xảy ra hầu hết ở Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc

Từ năm 2019, các khách hàng tham gia góp vốn đầu tư, chuyển nhượng đất nền với Công ty Cổ phần Đầu tư Hoàng Nhất Nam (đơn vị phân phối các dự án do Công ty Cổ phần Bách Đạt An làm chủ đầu tư tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, TX. Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đã tụ tập đến trụ sở Công ty Cổ phần Bách Đạt An để đòi quyền lợi. Từ đó đến nay, những yêu cầu của người mua đất tại các dự án này vẫn bị "treo lơ lửng" khi mà cả đơn vị phân phối lẫn chủ đầu tư dự án đều… đổ lỗi cho nhau, dù có nhiều trường hợp khách hàng đã nộp tiền hơn 90% so với hợp đồng.

Không chỉ ở dự án do Công ty Cổ phần Bách Đạt An làm chủ đầu tư xảy ra tình trạng huy động vốn khi chưa hoàn tất các thủ tục đầu tư theo luật định, theo tìm hiểu của Reatimes, hầu hết các dự án đầu tư đô thị, khu dân cư, khu phố chợ ở Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc đều xảy ra tình trạng “bán lúa non” khiến hàng ngàn người mua đất bằng hình thức góp vốn nhận quyền sử dụng đất hình thành trong tương lai phải điêu đứng, nhà tan cửa nát...

Cũng có chủ đầu tư chơi chiêu “kiện ngược” khách hàng như trường hợp chủ đầu tư Khu đô thị số 9 - Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, dù đã có sổ đỏ từ lâu, nhưng âm thầm mang đi “gửi cho ngân hàng giữ hộ” mà quên việc phải bàn giao sổ đỏ cho người mua.

Hệ lụy từ việc góp vốn đầu tư vào các dự án cho nhà phân phối, chủ đầu tư thiếu năng lực triển khai hoàn thành các dự án đầu tư khu đô thị ở Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc cũng như việc buông lỏng quản lý suốt thời gian dài của các cơ quan quản lý Nhà nước tại Quảng Nam, đã làm cho Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc bị biến dạng, tình trạng khiếu nại, khiếu kiện về đất đai tăng lên hằng năm, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top