Aa

Thấy gì qua việc xử lý sai phạm tại dự án Sân golf Đồi Cù, Đà Lạt?

Thứ Năm, 22/08/2024 - 11:24

Liên quan đến việc xử lý sai phạm ở sân golf Đồi Cù, trong bài này, chúng tôi sẽ đưa ra một số lý giải về nguyên nhân dẫn đến sai phạm, qua đó rút ra bài học chung trong việc phát triển các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng thời gian qua.

Lời tòa soạn:

Những ngày qua, dư luận xôn xao về việc cưỡng chế phá dỡ công trình Tòa nhà câu lạc bộ Golf trong dự án Sân golf Đồi Cù của Công ty cổ phần Hoàng Gia ĐL, ở thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Vụ việc đã được các cơ quan báo chí phản ánh, phân tích cụ thể, tỉ mỉ trên nhiều khía cạnh, góc độ trong thời gian qua. Tuy nhiên, đến nay "số phận" của công trình này vẫn chưa được định đoạt. Tỉnh có cái lý của tỉnh, chủ đầu tư cũng có cái lý của mình khiến cho sự việc trở nên căng thẳng... Sự việc sẽ được giải quyết có lý có tình nếu hai bên đều có thiện chí cùng vì lợi ích chung là phát triển kinh tế - xã hội địa phương và hài hòa với lợi ích doanh nghiệp.

Trên tinh thần nghiên cứu và phản biện, Reatimes triển khai tuyến bài: Tháo gỡ khó khăn cho các dự án du lịch, nghỉ dưỡng thu hút đầu tư nước ngoài nhìn từ dự án Sân Golf Đồi Cù Đà Lạt. Tuyến bài sẽ nhìn lại toàn bộ vụ việc, đi sâu phân tích, tìm ra vấn đề then chốt và đề xuất giải pháp xử lý, trên cơ sở vừa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp, nâng cao uy tín của chính quyền địa phương, đặc biệt là niềm tin của doanh nghiệp đối với môi trường đầu tư của tỉnh Lâm Đồng, từ đó có thể rút ra bài học chung trong việc tháo gỡ ách tắc của các dự án trong trường hợp tương tự, khơi thông động lực thu hút đầu tư.

Lý giải nguyên nhân

Trong bài trước, chúng tôi đã nêu khái quát vụ việc và những vấn đề đặt ra, trong đó nổi lên việc tháo dỡ hay không tháo dỡ công trình Tòa nhà câu lạc bộ Golf xây dựng khi chưa được cấp phép. Nếu tháo dỡ sẽ gây lãng phí rất lớn, còn nếu không tháo dỡ thì lại không nghiêm. Trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ và tình hình thực tế, có thể thấy, sở dĩ sự việc trở nên phức tạp như hiện nay chủ yếu liên quan đến vấn đề pháp lý và xuất phát từ sự chủ quan của cả chủ đầu tư lẫn chính quyền địa phương.

Về phía chủ đầu tư, có thể doanh nghiệp chủ quan cho rằng, giấy phép đầu tư đã được cấp, công trình nằm trong nội dung giấy phép nên việc xây dựng công trình đã có cơ sở pháp lý, việc cấp phép xây dựng chỉ là vấn đề thời gian và thủ tục, nên đã nôn nóng tiến hành xây dựng khi chưa hoàn thiện pháp lý. Từ đó khiến cho sự việc đáng lẽ đơn giản lại trở nên phức tạp, làm cho "cái sảy nảy cái ung", không những công trình vi phạm trật tự xây dựng mà có thể còn ảnh hưởng đến quá trình cấp phép sau này.

Về phía địa phương, đến đây vẫn cần nhắc lại, việc ra quyết định phá dỡ là sự tuân thủ đúng pháp luật của chính quyền thành phố Đà Lạt. Vấn đề mấu chốt nằm ở việc trước đây, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất chủ trương xây dựng công trình này, từ đó HĐND, UBND và các cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng đã ban hành các văn bản để chủ đầu tư xúc tiến các thủ tục thực hiện xây dựng công trình. Mới đây, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận, việc Ban thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng nhiệm kỳ 2020 – 2025 "thống nhất chủ trương xây dựng công trình tòa nhà câu lạc bộ golf có nội dung trái quy định của pháp luật".

Do đó, sự việc có thể sẽ phải xem xét lại từ đầu. Điều đó đặt ra một vấn đề rằng, giả thiết nếu cả địa phương và chủ đầu tư tuần tự tiến hành các bước theo đúng trình tự thủ tục, có thể công việc sẽ tiến hành chậm hơn nhưng sẽ không rơi vào tình cảnh trở đi mắc núi, trở lại mắc sông, thậm chí là có việc "trái quy định của pháp luật" như hiện nay.

Tuy nhiên từ đó cũng bộc lộ vấn nạn cố hữu trong hành chính công, đó là quy trình thủ tục cồng kềnh, phức tạp, khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian và công sức, chi phí. Từ đó dẫn đến việc một số doanh nghiệp để chớp cơ hội kinh doanh đã đi tắt theo kiểu "chém trước tâu sau", cứ tiến hành công việc rồi dần dần hoàn thiện pháp lý theo quy trình thủ tục. Vì vậy không những tạo ra tình huống khó xử cho cả chính quyền và doanh nghiệp, gây thiệt hại kinh tế, mà còn dẫn đến vi phạm pháp luật, trong đó câu chuyện trên chỉ là một trong số những ví dụ xảy ra không ít trong thực tế. Hậu quả cuối cùng là muốn nhanh nhưng lại hóa ra chậm, dục tốc bất đạt và thiệt hại thường đổ lên đầu doanh nghiệp.

Thấy gì qua việc xử lý sai phạm tại dự án Sân golf Đồi Cù, Đà Lạt?- Ảnh 1.

Công trình sai phạm trong dự án Sân Golf Đồi Cù Đà Lạt.

Những bài học cần rút ra

Từ những điều phân tích ở trên, có thể rút ra một số bài học sau:

Về quản lý nhà nước, cần sớm hoàn chỉnh hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư và phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, sao cho thống nhất, rõ ràng, dễ thực hiện, bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước, xã hội và doanh nghiệp. Đặc biệt về thủ tục hành chính cần đơn giản, rõ ràng, minh bạch, phù hợp thực tiễn, đồng thời tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, nhất là rút ngắn thời gian để doanh nghiệp tranh thủ được cơ hội kinh doanh.

Về phía tổ chức thực hiện ở địa phương, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai dự án thuận lợi, bởi đó chính là cách để doanh nghiệp đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương một cách tốt nhất, trên cả phương diện cung ứng sản phẩm, dịch vụ phục vụ cộng đồng, tạo việc làm và nộp ngân sách. Việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp không chỉ là mời gọi thu hút đầu tư, mà còn cả bằng hành động thực tế. Đặc biệt là khâu giải quyết thủ tục hành chính, làm sao càng nhanh càng hiệu quả, bởi đối với doanh nghiệp, thời gian là vàng bạc, thời gian là cơ hội và thời gian chính là yếu tố quan trọng bảo đảm thành công. Nếu có vướng mắc về pháp lý vượt quá thẩm quyền, cần tích cực, rốt ráo báo cáo các cấp có thẩm quyền để tháo gỡ, trên cơ sở thượng tôn pháp luật nhưng lấy mục đích phát triển làm tiền đề để xử lý.

Về phía doanh nghiệp, cần quán triệt quan điểm thượng tôn pháp luật, bởi nếu không, rủi ro sẽ rất cao. Vẫn biết hệ thống pháp luật của chúng ta còn nhiều điểm chưa hoàn hảo, thậm chí thủ tục có chỗ rườm rà gây tốn kém thời gian và tiền của. Tuy nhiên, nếu nôn nóng "đốt cháy giai đoạn", làm trước hoàn thiện sau hay vận dụng luật, giải thích luật theo chủ quan sẽ có thể dẫn đến rủi ro về cả kinh tế và pháp lý, mà hậu quả cuối cùng doanh nghiệp vẫn là người phải gánh chịu nặng nề nhất.

Vấn đề cuối cùng chúng tôi muốn đề cập ở đây, đó là nhân câu chuyện gia hạn hợp đồng thuê đất của Mercedes Benz Việt Nam ở TP.HCM đã đề xuất 3 năm nay mà vẫn chưa xong, cũng đặt ra nhiều vấn đề cần phải được sớm xem xét xử lý rốt ráo trên bình diện lớn hơn. Điều đáng nói ở đây là ngay cả khi chính quyền thành phố có muốn giải quyết cũng không được, kể cả khi đã báo cáo các cơ quan chức năng nhưng vẫn không thể giải quyết vì vướng luật. Nên chăng, những vấn đề không bình thường cần xem xét để có cách giải quyết khác thường, từ đó tạo ra như một kiểu "án lệ" để giải quyết các vụ việc tương tự sau đó. Còn nếu cứ chờ sửa luật thì sẽ không biết đến bao giờ mới có thể giải quyết được, đó là chưa kể tình trạng sửa được luật này có thể lại vướng mắc ở luật khác.

Nói thế để thấy, trong khi chờ đợi hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần có giải pháp linh hoạt của cấp có thẩm quyền theo phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến", lấy lợi ích của đất nước, của nhân dân và hiệu quả của doanh nghiệp - tất cả vì sự phát triển - đặt lên hàng đầu. Điều đó không chỉ nhằm bảo đảm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của địa phương, doanh nghiệp trong những vụ việc cụ thể, mà còn là tiền đề cho các bước hoàn thiện hệ thống pháp luật tiếp theo.

Quay trở lại vụ việc sân golf Đồi Cù, vẫn biết xử lý một "việc đã rồi" là không hề dễ. Nhưng dù có khó thì cuối cùng vẫn phải giải quyết. Vấn đề đặt ra ở đây là cần xem xét rõ nguyên nhân và động cơ dẫn đến sai phạm, từ đó mới có thể có cách giải quyết thấu tình đạt lý, để vừa bảo đảm kỷ cương phép nước, vừa tránh gây lãng phí, thiệt hại không đáng có cho xã hội./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top