Thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa phiên giao dịch ngày 2/3 với sắc xanh bao trùm lên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, điều này giúp kéo các chỉ số tăng khá tốt. VN-Index có thời điểm tăng gần 10 điểm và nhiều nhà đầu tư kỳ vọng chỉ số này sẽ tiến lên thử thách ngưỡng 1.200 điểm.
Tuy nhiên, lực chốt lời nhanh chóng dâng cao đã đẩy hàng loạt cổ phiếu lớn đảo chiều, từ đó khiến các chỉ số rung lắc mạnh. Diễn biến phân hóa ở nhóm cổ phiếu lớn quay trở lại, sự giằng co giữa bên mua và bên bán khiến các chỉ số có những đợt trồi sụt liên tục.
Sang đến phiên chiều, áp lực bán ngay lập tức dâng cao và khiến VN-Index lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Giao dịch trong phiên chiều ở sàn HoSE thực chất chỉ diễn ra được đến khoảng 13h45, sau thời điểm đó tình trạng “nghẽn lệnh” xuất hiện và hầu hết nhà đầu tư đã dừng giao dịch.
VN-Index may mắn giữ được sắc xanh vào cuối phiên khi các cổ phiếu như TPB, HDB, VIB, GVR, HPG, VJC… tăng giá rất mạnh. TPB tăng đến 6,3% lên 29.750 đồng/cp, HDB tăng 3,5% lên 26.700 đồng/cp, VIB tiếp tục tăng 2,7% lên 43.600 đồng/cp.
Ở chiều ngược lại, sắc đỏ bao trùm lên hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong đó, HNX-Index giảm khá sâu vào cuối phiên do áp lực đến từ các mã gồm THD, PVS hay SHB. Khác với những phiên trước đây, THD giảm sâu 5,1% xuống 191.000 đồng/cp và là mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến HNX-Index.
Mới đây, THD thông qua phương án chuyển nhượng dự án sản xuất phân bón DAP số 3 tỉnh Lào Cai và quyền liên quan đến các mỏ thuộc Tập đoàn Thaigroup. Giá chuyển nhượng không thấp hơn 400 tỷ đồng, thời gian chuyển nhượng dự kiến trong quý III/2021.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, tương tự như phiên trước, VRE vẫn là cổ phiếu đi đầu nhóm ngành này khi tiếp tục tăng 1,3% lên 34.700 đồng/cp và khớp lệnh 6,4 triệu đơn vị. Trong khi đó, cả VIC, VHM và NVL đều chìm trong sắc đỏ.
Đối với các cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, sự tích cực không còn được duy trì, thay vào đó, diễn biến phân hóa đã quay trở lại. Những cổ phiếu như FLC, DXG, NLG, FIT, NTL, ASM, DIG, TDH… đều chìm trong sắc đỏ trước diễn biến rung lắc mạnh của thị trường chung.
Trong đó, FLC giảm đến 6,2% xuống 6.100 đồng/cp, DXG giảm 3,1% xuống 23.100 đồng/cp, NLG giảm 2,7% xuống 35.900 đồng/cp. Đáng kể nhất là trường hợp của TDH khi chỉ giảm 1% bất chấp những tác động xấu từ việc Cục Thuế TP.HCM ra 22 quyết định cưỡng chế thuế đối với doanh nghiệp này với số tiền thuế và tiền chậm nộp lên đến 440 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, vẫn còn nhiều cổ phiếu bất động sản khác giao dịch tích cực, trong đó, EIN, LAI, DTA hay NVT vẫn tăng kịch trần. Bên cạnh đó, IDJ tăng 8,2% lên 17.200 đồng/cp, LHG tăng 3,8% lên 35.600 đồng/cp, ILB tăng 3,5% lên 26.600 đồng/cp, VRC tăng 2,9% lên 9.800 đồng/cp, HDG tăng 1,8% lên 42.800 đồng/cp.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/3, VN-Index tăng 0,44 điểm (0,04%) lên 1.186,61 điểm. Toàn sàn có 227 mã tăng, 190 mã giảm và 78 mã đứng giá. HNX-Index giảm 4,43 điểm (-1,76%) xuống 247,94 điểm. Toàn sàn có 98 mã tăng, 83 mã giảm và 73 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,31 điểm (0,4%) lên 77,46 điểm.
Thanh khoản trên hai sàn niêm yết giảm so với phiên trước đó và tiếp tục thấp hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 17.329 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch 696 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 1.652 tỷ đồng. Trong top 10 cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất thị trường vẫn chỉ có duy nhất một mã bất động sản là FLC với 15,8 triệu đơn vị.
Khối ngoại bán ròng rất mạnh trong phiên 2/3 với giá trị lên đến 824 tỷ đồng, trong đó, VIC và HDG là 2 mã bất động sản nằm trong danh sách bán ròng mạnh của khối ngoại. Chiều ngược lại, top 10 mã có giá trị mua ròng mạnh nhất của khối ngoại ghi nhận 3 cổ phiếu bất động sản là KBC, DIG và PDR.
Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường tiếp tục gặp khó khăn trước ngưỡng kháng cự tâm lý 1.200 điểm khi không thể chạm đến mốc này mặc dù chỉ số VN-Index đã vượt qua được ngưỡng 1.196 điểm ngay sau phiên ATO. Thanh khoản suy giảm thể hiện sự thận trọng của nhà đầu tư tại vùng giá hiện tại.
Theo đó, trong ngắn hạn, thị trường có thể sẽ cần thêm thời gian để tích lũy dưới ngưỡng 1.200 điểm trước khi có thể bứt phá khỏi ngưỡng này trong thời gian tới. Bên cạnh đó, xu hướng trung hạn tiếp tục là tích cực do thị trường đang trong sóng tăng 5 với target trên lý thuyết quanh ngưỡng 1.250 điểm dự kiến sẽ đạt được vào đầu tháng 4/2021.
Nhà đầu tư với tầm nhìn trung hạn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng sóng 5 sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Nhà đầu tư ngắn hạn có thể quay trở lại thị trường nếu có nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ mạnh quanh ngưỡng 1.130 điểm (MA20-50) hoặc chờ đợi thị trường bứt phá khỏi ngưỡng 1.200 điểm sau một thời gian tích lũy quanh vùng đỉnh./.