Aa

Thêm trụ đỡ từ cổ phiếu ngân hàng

Thứ Hai, 20/12/2021 - 16:00

Dự báo nền kinh tế sẽ phục hồi tích cực trong năm 2022 khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Kinh tế phục hồi sẽ giúp kinh doanh ngân hàng khởi sắc hơn.

Chất lượng tài sản của các ngân hàng cũng sẽ được cải thiện tích cực khi các hoạt động kinh tế vận hành trở lại. Đó là những điểm tựa vững chắc cho nhóm cổ phiếu ngân hàng.

BIDV và Vietcombank vừa công bố sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ lần lượt 25,8%, 27,6%. Cụ thể, BIDV sẽ phát hành tối đa 1,04 tỷ cổ phiếu, tương đương 10.365 tỷ đồng, nâng tổng vốn điều lệ lên 50.585 tỷ đồng và trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất trong khối ngân hàng. Trong khi đó, Vietcombank phát hành thêm 1,02 tỷ cổ phiếu, tăng thêm 10.236 tỷ đồng vốn điều lệ, đưa tổng vốn điều lệ ngân hàng lên 47.325 tỷ đồng.

Thực tế, việc chia tách cổ phiếu thông qua các đợt phát hành mới cho cổ đông hiệu hữu và cổ phiếu thưởng cho người lao động trong các ngân hàng thời gian qua không còn là thông tin mới. Việc BIDV và Vietcombank chia cổ tức một phần bằng phát hành cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận 2019 - 2020 cũng đã được lên kế hoạch trước đó, khi hai ngân hàng này trình xin ý kiến NHNN và Chính phủ.

them tru do tu co phieu ngan hang
Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên việc Vietcombank lần đầu tiên chia cổ tức bằng cổ phiếu sau 10 năm đã trở thành “games” mới của giới đầu tư trên sàn chứng khoán tạo sóng cho giá cổ phiếu ngân hàng này trong những phiên giao dịch gần đây. Trên thị trường mã VCB của Vietcombank trong suốt năm 2021 gần như giậm chân tại chỗ. Tính đến thời điểm này giá cổ phiếu Vietcombank chỉ tăng khoảng 2 - 3% so với cuối năm 2020. Trong khi Vietcombank là một trong những ngân hàng có hiệu quả kinh doanh top đầu và tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao (380% trong năm 2020). Lãnh đạo Vietcombank còn cho biết có những khoản cho vay chưa đến mức xấu, nhưng ngân hàng vẫn trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ.

Thế nhưng, cổ phiếu VCB không tăng theo đà tăng của thị trường chứng khoán năm 2021 do những năm trước đây cổ phiếu này đã có một cuộc lội ngược dòng từ vùng giá 40.000 lên quanh mức 100.000 đồng/cổ phiếu. Theo giới phân tích, với mức giá xoay quanh vùng trên dưới 100.000 đồng/cổ phiếu, VCB đã chạm tới ngưỡng định giá hợp lý xét trên giá trị vốn hóa thị trường của VCB là hơn 367.549 tỷ đồng (tính tại phiên ngày 17/12), PE ở mức 22,17, thu nhập trên mỗi cổ phiếu ở mức 4.470, PB 3,36 phản ánh đúng với mức giá của cổ phiếu VCB.

Trường hợp cổ phiếu BID của BIDV lại hoàn toàn khác khi PB chỉ ở mức 2,10, trong khi giá trị vốn hóa thị trường của BID ở mức hơn 178.778 tỷ đồng tính tại phiên ngày 17/12 khi giá cổ phiếu này quanh mức 44.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu BID từng tăng mạnh sau thương vụ bán 15% vốn điều lệ ngân hàng cho nhà đầu tư KEB Hana (Hàn Quốc) khi đi một mạch từ vùng giá 33.000 đồng/cổ phiếu lên 41.000 đồng/cổ phiếu chỉ sau hơn 3 tháng trong năm 2019. Tuy nhiên giai đoạn cuối năm 2021 cổ phiếu BID lại lình xình trong vùng giá 44.000 đồng/cổ phiếu dù đã có vài phiên tăng trần sau khi có thông tin chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Giới đầu tư trên thị trường nhìn nhận, thông tin chia tách cổ phiếu để tăng vốn điều lệ đã trở thành một xu hướng chung của nhóm ngân hàng những năm vừa qua nên hiện đã bão hòa. Trong khi đó làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng nổ đã buộc các ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và gia tăng trích lập dự phòng rủi ro trong bối cảnh nợ xấu có xu hướng gia tăng. Điều đó đã làm giá cổ phiếu các ngân hàng có một đợt điều chỉnh giảm mạnh trong quý III/2021.

Tuy nhiên, dự báo nền kinh tế sẽ phục hồi tích cực trong năm 2022 khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Kinh tế phục hồi sẽ giúp kinh doanh ngân hàng khởi sắc hơn. Chất lượng tài sản của các ngân hàng cũng sẽ được cải thiện tích cực khi các hoạt động kinh tế vận hành trở lại. Đó là những điểm tựa vững chắc cho nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Trong khi BIDV và Viecombank đều nằm trong nhóm Big Four có thế mạnh là "sở hữu" nhóm khách hàng lớn và có tỷ lệ CASA cao trong hệ thống các ngân hàng Việt Nam. BIDV nổi tiếng với các dịch vụ thu hộ, ngân hàng được chỉ định giải ngân vốn ODA các dự án hạ tầng; đặc biệt trong mảng bán lẻ, ngân hàng này đang nổi lên là nhà cho vay cá nhân mua nhà để ở trong mấy năm gần đây. Còn Vietcombank sau 8 năm chuyển đổi từ ngân hàng bán buôn nghiêng hẳn sang ngân hàng bán lẻ và với thế mạnh tài trợ vốn và cung cấp các dịch vụ khách hàng hoạt động xuất nhập khẩu, nguồn thu từ dịch vụ của Vietcombank vẫn chiếm tỷ trọng rất cao so với các ngân hàng kinh doanh cùng lĩnh vực.

Bởi vậy chứng khoán VCSC dự báo, giá cổ phiếu VCB tiếp tục ổn định trước đợt tăng vốn điều lệ năm 2022, giá của cổ phiếu này sẽ tăng thêm 4% ở mức 105.000 đồng dự tính trên định giá PB 3,03 lần xuống 2,95 lần vào cuối năm 2022. Còn BID được định giá tăng thêm 16,7% lên mức giá 50.900 đồng/cổ phiếu dự tính trên tổng thu nhập của ngân hàng này trong giai đoạn 2021 - 2025 tăng 21,4% với các giả định NIM và tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn này tăng; tỷ lệ nợ xấu được xử lý cao hơn từ năm 2021 - 2023, đặc biệt là các khoản chi phí dự phòng bổ sung cho các khoản tái cơ cấu theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN.

Quan trọng hơn, sau khi phát hành thêm hơn 2 tỷ cổ phiếu BID và VCB, trụ đỡ cho thị trường sẽ nới rộng do nhóm cổ phiếu ngân hàng hiện vẫn đang là nhóm có kích cỡ lớn trong rổ chỉ số chứng khoán.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top