Thị trường tăng điểm trong tuần thứ hai liên tiếp với thanh khoản được cải thiện. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 16,25 điểm (1,1%) lên 1.479,79 điểm; HNX-Index tăng 5,45 điểm (1,2%) lên 456,2 điểm. Trong khi đó, UPCoM-Index giảm 0,21 điểm (-0,2%) xuống 111,6 điểm.
Thanh khoản hai sàn niêm yết (HoSE và HNX) trong tuần qua gia tăng so với tuần trước đó và cao hơn mức trung bình 20 tuần với hơn 31.600 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.
Tính trong cả tuần, giá trị giao dịch trên HoSE tăng 20,3% lên 140.929 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 18,6% lên gần 4,8 tỷ cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 5,9% lên 17.451 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 1,3% lên 631 triệu cổ phiếu.
Cổ phiếu bất động sản là tâm điểm của thị trường chứng khoán trong tuần từ 13 - 17/12. Rất nhiều cổ phiếu thuộc nhóm ngành này đã bứt phá mạnh. Việc nhiều cổ phiếu bất động sản tăng mạnh được cho là bắt nguồn từ liên quan đến vụ đấu giá đất tại Thủ Thiêm diễn ra vào cuối tuần qua. Với mức giá đấu thành công lên cao 2,4 tỷ đồng/m2 mà Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã trúng trong đợt đấu giá mới đây, nhiều nhà đầu tư cho rằng sẽ tác động lớn đến thị trường bất động sản qua đó hình thành mặt bằng giá mới cho thị trường này. Cùng với đó, đây cũng được coi là cơ sở để cho các dự án khác sẽ nâng giá bán lên trong thời gian tới. Các doanh nghiệp có quỹ đất lớn hưởng lợi trực tiếp từ những kỳ vọng trên nên được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm trong tuần qua.
Thống kê 122 cổ phiếu bất động sản đang giao dịch trên thị trường chứng khoán ở tuần qua có 84 mã tăng, trong khi có 33 mã giảm. Đứng đầu danh sách tăng giá ở nhóm này là SID của CTCP Đầu tư Phát triển Sài Gòn Co.op với gần 43%. Cổ phiếu SID có thanh khoản khá thấp dù vậy vẫn tăng mạnh so với tuần trước. Tổng khối lượng khớp lệnh bình quân đạt 30.081 đơn vị/phiên, cao hơn nhiều so với mức chỉ 1.901 đơn vị/phiên của tuần trước.
Đầu tháng 11 vừa qua, công ty này đã nhận được công văn của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam về việc công ty không đảm bảo điều kiện công ty đại chúng theo quy định. Văn bản của VSD ghi nhận Sài Gòn Co.op có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng tương ứng 100 triệu cổ phiếu đang đăng ký giao dịch trên Upcom.
Trong khi đó, theo danh sách cổ đông chốt ngày 22/10/2021 thì Sài Gòn Co.op có 938 cổ đông không phải là cổ đông lớn, nắm giữ 3,91% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của công ty - không đáp ứng đủ điều kiện của một công ty đại chúng. Tuy nhiên, công ty cũng có văn bản trả lời và đưa ra những lập luận rằng đơn vị vẫn nằm trong danh sách công ty đại chúng đã được UBCKNN công bố và không phải thực hiện thủ tục hủy tư cách công ty đại chúng.
Cổ phiếu CEO của Tập đoàn C.E.O quay trở lại xu hướng tăng khi bứt phá hơn 39% chỉ sau một tuần giao dịch. Thanh khoản của CEO cũng tăng vọt so với tuần trước đó. Tổng khối lượng khớp lệnh bình quân đạt hơn 6,9 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 69%.
Một cổ phiếu cũng làm “mưa làm gió” thời gian trước là DIG của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng cũng tăng gần 33%. Mới đây, em dâu của ông Nguyễn Thiện Tuấn - Chủ tịch HĐQT công ty đăng ký mua 500.000 cổ phiếu. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ 21/12/2021 - 19/1/2022 thông qua khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Hiện tại, vốn hóa của DIG đạt 52.890 tỷ đồng và vượt qua cả PDR của Phát triển Bất động sản Phát Đạt để đứng thứ 7 trong nhóm bất động sản.
Cổ phiếu BCM của Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp cũng tăng hơn 26,2% với khối lượng khợp lệnh bình quân gấp gần 3 lần tuần trước đó. Thông tin chính giúp cổ phiếu BCM đi lên trong thời gian gần đây vẫn là Tập đoàn LEGO đầu tư nhà máy 1 tỷ USD tại KCN VSIP Bình Dương. Một thông tin quan trọng nữa cũng hỗ trợ đà tăng của BCM là việc thống nhất chủ trương hợp tác phát triển dự án là 18,9ha nằm trong Khu đô thị mới thuộc Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương. Bên nhận chuyển nhượng là BD New City Pte.Ltd (Công ty do CapitalLand Holdings thành lập). CapitaLand là một trong những tập đoàn bất động sản lớn châu Á với trụ sở chính đặt tại Singapore. Tại Việt Nam, Tập đoàn hiện có mặt tại 7 tỉnh thành lớn là TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long, Đà Nẵng, Bình Dương và Nha Trang, đầu tư trong lĩnh vực căn hộ nhà ở và căn hộ dịch vụ.
Bên cạnh đó, hàng loạt các cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao như HQC của CTCP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân, AMD của CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone, CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy, HAR của CTCP Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền… cũng đua nhau tăng giá.
Ở hướng ngược lại, đa phần các mã bất động sản giảm mạnh trong tuần giao dịch từ 13 - 17/12 đều có thanh khoản khá khiêm tốn. Trong đó, HIZ của CTCP Khu công nghiệp Hố Nai giảm mạnh nhất nhóm này với 29,9%. Tuy nhiên, HIZ trong tuần chỉ khớp lệnh vỏn vẹn 320 đơn vị/phiên.
Đứng thứ 2 trong danh sách giảm giá ở nhóm này là PXA của CTCP Đầu tư & Thương mại Dầu khí Nghệ An với 13,23%. Hiện PXA vẫn nằm trong diện bị hạn chế giao dịch trên UPCoM và chỉ được giao dịch trong phiên thứ sáu hàng tuần.
Bên cạnh hai cổ phiếu nói trên, nhóm bất động sản còn thêm ba mã khác giảm giá trên 10% là CLG của CTCP Đầu tư và Phát triển Nhà đất COTEC; NTB của CTCP Đầu tư Xây dựng & Khai thác Công trình Giao thông 584; CTCP Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị Vinaconex.
Đa số các cổ phiếu vốn hóa lớn ở nhóm bất động sản cũng biến động theo chiều hướng tích cực. VHM của CTCP Vinhomes có một tuần tích cực khi tăng 4,45%. NVL của CTCP Đầu tư Địa ốc NoVa (Novaland) và VRE của CTCP Vincom Retail tăng lần lượt 1,95% và 1,48%. Trong khi đó, VIC của Tập đoàn Vingroup và THD của CTCP Thaiholdings giảm so với tuần trước đó nhưng mức giảm không quá mạnh với lần lượt 1,07% và 3,6%.