Aa

Thi sỹ bạc mệnh (Phần 1)

Thứ Sáu, 06/11/2020 - 07:00

Tiếc thay và cũng là điều không thể ngờ, thời gian chỉ chưa đầy một năm sau đó, số phận liên tiếp giáng vào Ngô Đăng Khoa những đòn chí tử...

Không thể không cầm bút viết ít dòng tri ân về anh, bởi nếu không có anh thì có lẽ “Ma làng” chưa thể ra đời được. “Ma làng” là bộ phim dài tập về nông thôn miền núi phát sóng trên VTV1 được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn đất Tuyên Quang - Trịnh Thanh Phong mà tôi là đồng biên kịch với đạo diễn Nguyễn Hữu Phần. 

Anh chưa đọc một dòng kịch bản, cũng không xem một phút phim nào (anh mất vì căn bệnh ung thư trước khi phim phát sóng chừng 3 tháng) nhưng chính anh là căn nguyên để hơn trăm trang tiểu thuyết chuyển thành kịch bản của bộ phim.

Cuộc đời có những gặp gỡ hết sức lạ lùng, tình cờ ngẫu nhiên nhưng lại in hệt như một sắp xếp tiền định. Cuộc gặp gỡ của tôi và Ngô Đăng Khoa là như vậy. 

Cuối năm 2005, tôi lên Tuyên Quang dự đám cưới con trai nhà văn Trịnh Thanh Phong, tác giả cuốn tiểu thuyết “Ma làng”. Cuốn sách in năm 2001, viết rất mạnh tay về những vấn đề nông thôn miền núi trước thời kỳ khoán 10 với một giọng văn sắc sảo, đầy trào lộng, có sức công phá mạnh. Tôi đọc, giật mình vì những vấn đề đặt ra trong đó. Diện mạo nhân vật với ngôn ngữ miền núi sống động, ám ảnh.

Thời điểm ấy, tôi cùng nhà văn Khuất Quang Thụy vừa viết kịch bản “Đất và người” chuyển thể từ tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của nhà văn Nguyễn Khắc Trường với những vấn đề tương tự về nông thôn, nên chưa thể triển khai ngay được. Tôi ấp ủ sẽ chuyển “Ma làng” thành phim, nhưng cứ lần lữa mãi vì lý do trên một phần, phần khác vì phim “Ma làng” với bối cảnh miền núi, phải chuẩn bị kỹ càng. 

Lại nói chuyện đám cưới. Vào thời điểm ấy, tôi vừa phát hiện bệnh hiểm, buộc phải kiêng ruợu. Trong đám thực khách có một số nhà văn từ Hà Nội lên chén chú chén anh với đám nhà văn Tuyên Quang và Hà Giang xuôi về. Tôi biết thân biết phận, ngồi dạt ra nép vào góc, cũng vẫn nâng ly cụng chan chát nhưng không dám uống. Đám văn sĩ thực khách mải la đà cũng dần quên tôi ở mâm tiệc. Thêm nữa ông nhà văn Trung Trung Đỉnh cũng thi thoảng nhắc mọi người: “Quên cái thằng Tiến ấy đi!”. Nhưng rồi khắc tinh ruợu của tôi xuất hiện. Đó chính là Ngô Đăng Khoa.

Một số cảnh trong phim "Ma làng".

Bữa tiệc gần tàn, một người vừa phải, không cao không thấp, không béo không gầy, ngoài năm chục tuổi, khắc khổ, quần áo xoàng xĩnh, đơn giản, mặt mũi tưng bừng, lừ đừ tiến vào. Đi đến đâu anh ta cũng bắt tay, cụng chén, ngửa cổ hết chén này đến chén khác. Tiếng ai đó ở mâm tôi reo lên: “Ngô Đăng Khoa”. Tôi hoàn toàn không biết tẹo nào về nhân vật này. Cũng phải đến mươi lăm phút tính từ lúc vào, anh ta mới đến được chỗ chúng tôi ngồi. Trịnh Thanh Phong giới thiệu. Chưa kịp nghe hết, Khoa đã ríu rít: “Bận quá, bận quá. Nhưng không sao, vẫn còn đến kịp.”. Rồi Khoa lôi từ túi quần ra một nắm tiền không nhỏ dúi vào tay chủ nhà: “Em không kịp chuẩn bị, thôi thầy miễn cho em cái khoản phong bì”. Trịnh Thanh Phong quắc mắt: “Cất đi. Không tiền nong gì hết, chú làm thế là tôi không chơi nữa.”. Anh ta cười hà hà cất tiền như không có chuyện gì: “Thầy mắng thì em thôi, để em mừng cháu sau vậy”. Dường như quên ngay chuyện ấy, Khoa bập vào Trung Trung Đỉnh bằng một ly sóng sánh: “Để em chào bàn nhà văn Trung ương”. “Chát!”. Tôi nghe rõ âm thanh của sành sứ và vội quay mặt để tránh nhưng không được, anh ta dí ly ruợu sát sạt mặt tôi: “Nhà văn Trung ương này chắc ít tuổi hơn tôi, không được khinh nhau thế”. 

Tôi dở mếu dở cười. Trung Trung Đỉnh có ý bênh: “Thằng Tiến ốm, không uống được đâu”. Lời qua tiếng lại, lằng nhằng một lúc, nói thế nào cũng không được. Bằng kinh nghiệm “trận mạc” mấy chục năm nâng lên đặt xuống tôi biết tỏng ông nhà thơ này đã khướt khườn khượt nên mới thế. Anh ta buông một câu hết sức phũ phàng: “Không uống! Nhìn bản mặt kìa, ông giả vờ giỏi lắm. Kém thế à, không được, không được!”. Cách xuất hiện của anh ta khiến tôi không mấy thiện cảm, thêm nữa, lời giới thiệu về cái công ty gì đó mà Khoa làm giám đốc khiến tôi càng khó chịu. 

Lại thêm một đại gia cậy tiền chơi với văn nghệ đây. Được, đã đến mức ấy thì "chơi". Tôi biết thừa chỉ vài ba chén nữa là ông này sẽ đổ. Chút tự ái dâng lên, tôi sẵng giọng thách đố. Liền tù tì dăm chén, tôi tỉnh queo, hả hê nhìn điệu bộ của một tửu đồ đã đến cữ cuối cùng, thân xác lảo đảo, lưỡi ríu, giọng khê. Khoa gần như đổ vật vào người tôi, tay quàng, tay quờ từ đỉnh đầu tôi xuống mặt: “Hay… hay lắm… tối nay tôi mời ông và anh Đỉnh ngủ…ngủ…”. Đám bạn ào ào tấp chén, tôi có hơi men bèn hăng tiết nghe rần rật máu chuyển trong người bèn bất chấp uống như người chết khát... 

Sáng hôm sau, Ngô Đăng Khoa mò đến khách sạn tôi và Trung Trung Đỉnh ở từ sáng sớm. Một con người khác hẳn xuất hiện trước mặt. Quần áo có phần chải chuốt hơn, giọng nói vẫn bỡn cợt nhưng nhỏ nhẹ. Anh xin lỗi vì tối qua say quá không còn biết trời đất gì nên không thu xếp được chỗ nghỉ cho chúng tôi. Trung Trung Đỉnh gạt đi nhưng Khoa một mực đòi thanh toán tiền nghỉ theo lời mời. Kế đó anh rủ chúng tôi đi nhậu lòng lợn. Lại nhậu. Tôi từ chối nhưng anh nói chả mấy khi được gặp nhau. Các ông không biết tôi chứ thằng Khoa này xưa nay từ nghèo đến giầu lúc nào cũng vẫn là Khoa. 

Cứ xưng xưng như vậy hàng tràng. Thái độ của Khoa cùng với sự thân mật của bạn bè xứ Tuyên với anh khiến tôi dịu đi, vẫn là cảm giác dặt dè không mấy tin tưởng nhưng không còn khó chịu. Trong bữa ăn sáng ngắn ngủi, Khoa vẫn kịp ép mọi người uống hơn một chai cối ruợu… mật lợn. Lần đầu tiên tôi chứng kiến mọi người uống thứ rượu quái dị này. Vẫn là Khoa bông phèng về tác dụng của mật. Và tất nhiên như mọi nhà thơ khác, anh kịp đọc lấy vài bài thơ ruột của mình. Một thói quen không biết là đáng yêu hay đáng ghét của tất tật các nhà thơ.

Tôi gặp Ngô Đăng Khoa lần đầu như vậy. Anh có đưa tấm cạc với lời mời hôm nào đó đến công ty anh chơi. Lời mời có vẻ thành thật. Anh tặng tôi tập thơ đánh máy đang chuẩn bị in. Một tập thơ hay đến không ngờ. Chuyện đó nói sau.

Quãng giữa năm sau, tôi có ý định mang “Ma làng” ra chuyển thể nhưng chưa biết chọn đạo diễn nào. Một hôm, nhân lúc rỗi rãi ở cơ quan, tôi cao hứng kể về tiểu thuyết “Ma làng” với đạo diễn Nguyễn Hữu Phần. Vị đạo diễn này trước đây từng làm đồng đạo diễn phim “Đất và người”, rất khoái đề tài nông thôn dù là dân thành thị thứ thiệt trăm phần trăm. Nghe kể, vị đạo diễn có vẻ hứng khởi nhưng vẫn lạnh lùng đầy nghi vấn: “Sao tôi không nghe gì về tiểu thuyết này. Hay thì nó phải nổi tiếng chứ. Thôi được, ông cứ đưa đây ngó thử. Để xem thế nào”. Không ngờ khi đọc xong “Ma làng”, Nguyễn Hữu Phần khoái quá khen nức, khen nở. Ông bập vào ngay quyết định sẽ làm “Ma làng”. 

Hơn thế ông còn làm cái việc thổi bùng ngọn lửa đam mê vào các thành phần trong ê kíp của ông. Rất nhanh, từ quay phim, hoạ sĩ đều tỏ ra thích thú. Cũng lạ, xưa nay chẳng hề có chuyện kịch bản chưa có nhưng mọi người đã hào hứng quyết tâm làm. Khỏi bàn, đoàn phim phi ngay lên Tuyên Quang. Ngoài hoạ sĩ, quay phim đi thị sát bối cảnh, đạo diễn và tôi còn có một nhiệm vụ nặng nề phải tìm được nơi ăn chốn ở cho cả đoàn mấy chục con người mới hòng bàn được đến chuyện làm phim. Nhân chuyện này cũng xin nói thêm, với kinh phí hiện tại thì có tài thánh cũng không thể làm được phim ở nơi cách xa nhà hàng trăm cây số. Tất nhiên bây giờ đã có chủ trương xã hội hoá nên đoàn phim có thể trông đợi vào tài trợ. 

Chết nỗi “Ma làng” nội dung tái hiện lại cuộc sống nông thôn miền núi những năm 80 thì không có ai chịu chi phí khi chẳng trông đợi gì được vào việc cài cắm sản phẩm cũng như thương hiệu trong phim, dẫu chỉ là chai nước khoáng nhỏ nhoi nhất cũng không phù hợp. Bối cảnh Tuyên Quang tuyệt vời cho phim vì đây là vùng quê tác giả đề cập trong tiểu thuyết. Nhưng rồi niềm hứng khởi nhanh chóng chuyển thành thất vọng tràn trề. Bàn đi tính lại chán chê, không thể có cách nào để phim thực hiện được ở Tuyên Quang. 

Lý do giản đơn thôi cũng chỉ là kinh phí, giá kể lo được ít phòng ngủ thì còn dám sân siu từ khoản nọ sang khoản kia để khả dĩ cầm cự được mấy tháng ở hiện trường. Đúng lúc bi đát nhất, chợt nhà văn Trịnh Thanh Phong vớt vát bằng sáng kiến hay là ta quay ở Hà Giang, có thể nhờ được một người bạn làm thơ. Ngô Đăng Khoa, vụt loé trong tôi cái con người thực lòng tôi không mấy khi nhớ đến dù đã đọc và rất thích thơ anh. Một cú điện thoại được tác giả tiểu thuyết “Ma làng” gọi đi, lập tức có sự hồi đáp. Ngô Đăng Khoa nhận lời giúp đoàn phim.

Khu suối khoáng nước nóng nằm trong khuôn viên Công ty dịch vụ du lịch suối khoáng Thanh Hà (Vị Xuyên, Hà Giang) nơi Ngô Đăng Khoa dự kiến cho đoàn phim trú ngụ miễn phí trong suốt quá trình làm phim thực chất là một khu nghỉ đầy đủ tiện nghi như khách sạn. Không thể lý tưởng hơn cho một đoàn phim. Chúng tôi mừng rỡ vì sự giúp đỡ bất ngờ đầy hào hiệp này. 

Thì ra, Khoa từ lâu đã mê mẩn tiểu thuyết “Ma làng”. Anh rất mừng vì được góp công sức vào việc chuyển tiểu thuyết thành phim. Thậm chí Khoa còn vô tư đòi được giúp đoàn phim cả về bối cảnh và chi phí ăn uống nhưng đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đã từ chối. Ông chỉ chấp nhận sự giúp đỡ về nơi nghỉ. Vậy là phim “Ma làng” được quyết định tại đại bản doanh của vị nhà thơ kiêm giám đốc Công ty Thanh Hà dù lúc ấy mọi thứ vẫn nằm tròm trèm trong hơn trăm trang tiểu thuyết.

Đó là lần thứ hai tôi gặp Ngô Đăng Khoa. Cũng là lần vì vui sướng tôi phớt lờ bệnh tật, thả phanh uống cùng anh. Lý do tôi buông thả tự cho phép mình nâng ly uống để mừng… thắng lợi, lúc đó còn nằm trong tưởng tượng. Chưa thể quên những cảm giác ban đầu về Khoa nhưng tôi đã ít nhiều nhận thấy ở con người anh những điều khác thường. Không chỉ vì sự giúp đỡ kia, cũng không chỉ là cách hành xử thường thấy cùng những giai thoại nhiều chiều về cuộc sống một đại gia xứ cao nguyên đá mà ở chính những bài thơ của anh. Những bài thơ mộc mạc, dân dã và chân thành đến kỳ lạ. Tiếc thay và cũng là điều không thể ngờ, thời gian chỉ chưa đầy một năm sau đó, số phận liên tiếp giáng vào Ngô Đăng Khoa những đòn chí tử...

(Còn nữa) 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top