Aa

Thị trường bất động sản 2020: Thông thủ tục hay bơm tiền?

Thứ Hai, 24/02/2020 - 11:15

Thị trường bất động sản 2020 thực sự cần ưu tiên vấn đề gì để phát triển bền vững? Thêm gói hỗ trợ tín dụng bất động sản hay tháo gỡ vướng mắc thủ tục pháp lý?

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho biết năm 2020, tín dụng cho địa ốc thực tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng “nắn dòng chất lượng”. Tín dụng không phải đóng cửa mà vẫn sẽ mở với các dự án đảm bảo tính pháp lý, có uy tín, năng lực triển khai và ưu tiên dự án đáp ứng nhu cầu nhà ở thực.

Dự án Khu dân cư Bình Khánh (The Water Bay) đến nay đã "đóng băng" 2 năm vì phải tạm dừng để rà soát (Ảnh: Lê Quân)

“Tắc nghẽn” pháp lý

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), 2019 là năm thứ hai thị trường bất động sản và các doanh nghiệp bất động sản lại phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức rất lớn. Nguyên nhân cơ bản nằm ở vướng mắc pháp lý và công tác thực thi pháp luật. Nhiều dự án nhà ở bị “đứng hình”. Môi trường kinh doanh vẫn chưa thực sự đảm bảo tính minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh.

Điển hình trường hợp của một doanh nghiệp đầu ngành địa ốc đã có đơn kêu cứu ngày đầu năm Canh Tý. Đó là Novaland với nguyện vọng mong được cơ quan chức năng tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ dự án 32ha chậm triển khai do vướng pháp lý.

Cụ thể, dự án Khu dân cư Bình Khánh (The Water Bay) của đơn vị này đến nay đã "đóng băng" 2 năm vì phải tạm dừng để rà soát, kiểm tra trong khi doanh nghiệp đã bỏ vào dự án hơn 6.000 tỷ đồng và chôn vốn vào đó.

Thực tế, thu ngân sách từ đất của TP.HCM năm qua, theo HoREA, đã giảm tới 2 con số. Nhiều dự án vướng thủ tục “đắp chiếu” càng khiến cơ hội sở hữu căn nhà mơ ước của người dân tiêu tan.

HoREA cho rằng việc các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện rà soát, chấn chỉnh lại các quy trình, thủ tục về đầu tư xây dựng đối với các dự án bất động sản, nhà ở thương mại là rất cần thiết, nhằm mục tiêu phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh và bền vững.

Đây cũng là đợt sàng lọc để loại bỏ những doanh nghiệp bất động sản chụp giật, lừa đảo. Nhưng cùng với đó, cũng cần đảm bảo sự công bằng và không để thị trường “khựng lại”.

“Cùng mặt bằng pháp lý như nhau, nhưng các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp tại TP.HCM lại bị vướng, còn tại các địa phương khác lại không bị vướng?”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhấn mạnh.

Tín dụng và sự ưu tiên

Trong khi đó, công bằng xem xét, ở phía tác động vốn tới thị trường, mặc dù các doanh nghiệp kiến nghị cần những gói hỗ trợ lớn với các chính sách giảm lãi vay, hỗ trợ ưu đãi cho vay... để “bình ổn” thị trường bất động sản, song thực tế năm qua, tín dụng cho khu vực địa ốc vẫn có tăng trưởng nhất định.

Tại TP.HCM, nếu tính cả tín dụng và dư nợ cho vay tiêu dùng có liên quan bất động sản (vay xây nhà, sửa nhà nhưng thường có khoảng 38% chuyển qua kinh doanh bất động sản), HoREA ước tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 16% trong năm qua – một mức tăng không cao nhưng cũng không quá mức bi quan.

Nhìn chung, trái phiếu và việc phát huy động “vay bên thứ 3” có thể là những kênh vốn trước mắt làm tăng chi phí tài chính của doanh nghiệp. Nguyên do là bất cập của kênh vốn trái phiếu với hiện tượng bùng phát ồ ạt, lẫn lộn của doanh nghiệp có năng lực lẫn không có năng lực trên thị trường, các hình thức bán trái phiếu kèm quyền gây rủi ro cho nhà đầu tư hoặc lợi suất hứa hẹn ở mức cao bất hợp lý...

Nhưng sự bùng nổ của thị trường này và việc tái cơ cấu tài chính tích cực của doanh nghiệp có quỹ đất, mặt khác, cho thấy thị trường vốn chưa hoàn toàn bít cửa.

Từ tương quan nêu trên, có thể nói so với mặt tác động, đề xuất hỗ trợ gói tín dụng và gỡ vướng pháp lý thì việc tháo gỡ vướng mắc các thủ tục pháp lý và công tác thực thi pháp luật cần được ưu tiên sớm hơn, có tác động lớn với doanh nghiệp và thị trường hơn.

Các chuyên gia cho rằng, đề xuất gói nguồn vốn (đặc biệt đề xuất 1 gói ưu đãi bình ổn tương tự gói 30.000 tỷ đồng cho mọi phân khúc), trong bối cảnh hiện nay, lại có thể là một mong đợi “quá mức” đối với nền kinh tế ở thời điểm mà nguồn lực cần được ưu tiên phân bổ và ứng cứu cho cả khu vực sản xuất.

Do đó, khó có thể dốc lực ưu tiên cho một khu vực dù là “nền” rất quan trọng như xây dựng và bất động sản. Chưa kể, nếu có “dốc lực” để cứu riêng thị trường thông qua tiếp vốn, còn cẩn trọng về nguy cơ tiếp sức cho lạm phát.

Lựa chọn giữa những ưu tiên có thể giải quyết được, hợp nguồn lực, cũng là hướng giải quyết có ý nghĩa tác động cho một thị trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh, tạo thông thoáng để doanh nghiệp gác bớt mối lo, có sức đối phó với bài toán vốn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top