Châu Á - Thái Bình Dương đang nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư khiến cho việc tìm kiếm các tài sản giá trị trở thành thách thức trên toàn thế giới. Nhà đầu tư trong khu vực vẫn tích cực hoạt động tại Ấn Độ, Trung Quốc và Úc, với sự săn lùng không ngừng của các quỹ đầu tư quốc tế vào bất động sản trong khu vực.
Trong đó, riêng giao dịch của một quỹ đầu tư tư nhân có tiếng tại Ấn Độ gần đây là một trong hàng loạt những khoản đầu tư khổng lồ vào bất động sản Ấn Độ trong năm nay. Tháng 10 vừa qua, Tập đoàn bảo hiểm Allianz của Đức đã công bố về việc hợp tác với Tập đoàn Sharpoorji Pallonji Ấn Độ để thành lập một quỹ đầu tư trị giá 500 triệu USD, nhắm vào thị trường văn phòng tại Ấn Độ. JLL là đơn vị đại diện cho Sharpoorji Pallonji thực hiện giao dịch này.
Stuart Crow, Giám đốc Thị trường vốn Châu Á - Thái Bình Dương của JLL cho biết: "Diễn biến hoạt động giao dịch bất động sản thương mại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương quý III/2017 khá tích cực. Trong đó, những nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, nơi có mật độ dân số và đô thị hóa ngày càng gia tăng, đang chiếm lĩnh sự quan tâm sâu sắc của các nhà đầu tư và nhà phát triển toàn cầu.
Tổng khối lượng giao dịch toàn cầu trong quý III đạt 166 tỷ USD, không thay đổi so với cùng kỳ 2016. Trong khi đó, lượng giao dịch tại Châu Á - Thái Bình Dương đạt 35 tỷ USD, tăng 6% so với Qúy III 2016. Con số này đã thúc đẩy lượng đầu tư tại Châu Á - Thái Bình Dương tính đến thời điểm hiện tại lên đến 95,8 tỷ USD, cao hơn 11% so với cùng thời điểm năm ngoái".
Ấn Độ là ngôi sao sáng tại Châu Á - Thái Bình Dương, và các thị trường chủ chốt mà nhà đầu tư nhắm đến bao gồm Mumbai, NCR và Bangalore, với hơn 2/3 dòng vốn chảy vào các thành phố này. Ashutosh Limaye, Trưởng phòng Nghiên cứu thị trường Ấn Độ của JLL cho biết, phần lớn dòng vốn này đang chảy vào các tòa cao ốc văn phòng và các khu dân cư đang được phát triển.
Trong quý III, tổng lượng giao dịch bất động sản tại Ấn Độ đạt 2 tỷ USD, nhờ vào hợp đồng liên doanh của quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC rót 1,4 tỷ USD vào nhà phát triển DLF Cyber City, đây là một trong những giao dịch xuyên biên giới lớn nhất trên thị trường bất động sản khu vực trong quý này. Liên doanh này bao gồm một danh mục đầu tư các tòa nhà văn phòng và bán lẻ trên khắp Ấn Độ vào tháng 8.
Sau một năm khởi đầu chậm chạp, Singapore đã hồi phục và ghi nhận được lượng giao dịch tốt nhất trong quý II, đạt 4,3 tỷ USD. Thương vụ CapitaLand Commercial Trust thâu tóm tòa tháp Asia Square 2 với giá 1,54 tỷ USD, là giao dịch tài sản văn phòng lớn nhất Châu Á - Thái Bình Dương trong chín tháng đầu năm.
Tay Huey Ying, Trưởng phòng Nghiên cứu thị trường Singapore của JLL cho biết: "Thị trường bất động sản Singapore đã có bước chuyển mình ngoạn mục, được củng cố bởi nền kinh tế đầy triển vọng. Các khu dân cư và tòa nhà văn phòng trọng điểm, có vị trí đắc địa nằm trong trung tâm đang là tâm điểm ưa thích của nhà đầu tư vào giai đoạn cuối năm 2017 và năm 2018".
Trong khi đó, tại Hồng Kông, hàng loạt các hoạt động được diễn ra đến từ dòng vốn xuyên biên giới đã góp phần thúc đẩy khối lượng đầu tư đạt 3,1 tỷ USD trong Qúy III, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 9% tính từ đầu năm đến hiện tại so với năm 2016.