Aa

Về "tâm chấn" Long Thành, sốc với đất nền "ma" chào bán la liệt

Thứ Bảy, 11/11/2017 - 14:01

Về "tâm chấn" Long Thành, sốc với đất nền "ma" chào bán la liệt, rủi ro rình rập; Vì sao nhiều chủ đầu tư “né” bảo lãnh ngân hàng?; Chủ đầu tư Shophouse Belleville Hà Nội đang dính nghi án bán “chênh” trốn thuế tiền khủng là ai?; Dự án bị ngân hàng xử lý, người mua nhà thành chủ nợ bất đắc dĩ;… là những tin tức nổi bật về BĐS 24 giờ qua.

Về "tâm chấn" Long Thành, sốc với đất nền "ma" chào bán la liệt, rủi ro rình rập

Sau khi dự án sân bay Long Thành được phê duyệt, giá đất của một số địa phương ở Đồng Nai đồng loạt tăng... chóng mặt. Đặc biệt, giá đất ở huyện Long Thành được giới đầu tư chú ý nên luôn trong tình trạng “sốt hầm hập”. Không bỏ qua cơ hội "ngon ăn" này, nhiều sàn giao dịch bất động sản (BĐS) đã nhảy vào kinh doanh, lập dự án rồi phân lô bán nền.

Tuy nhiên, phần lớn các sàn giao dịch BĐS tại địa bàn này là chi nhánh của các đơn vị tại Hà Nội, TP. HCM và đều có hiện tượng cấu kết với các chủ đầu tư kém năng lực về tài chính, mua bán trái phép các sản phẩm BĐS bằng hình thức huy động vốn, đặt cọc, giữ chỗ… Tình trạng này gây ảnh hưởng lớn đến tính minh bạch của thị trường BĐS nói chung, tạo nên hiện tượng mất công bằng về quyền lợi của các chủ đầu tư, nhà môi giới uy tín và ảnh hưởng không nhỏ đến khách hàng.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, thời gian gần đây có nhiều khách hàng bị lừa đảo do mua phải đất "ma" do tin lời các cò đất. Những người này đã có đơn kêu cứu gửi đến các cơ quan chức năng nhằm có giải pháp can thiệp, bảo vệ quyền lợi người mua nhà đất. Hiệp hội cũng đang chuẩn bị một văn bản gửi đến nhiều đơn vị, doanh nghiệp nhằm kêu gọi cùng chung tay lên tiếng chặn đứng các hình thức kinh doanh gian lận, lừa đảo này.

Tại các khu vực xung quanh vùng quy hoạch sân bay, chỉ trong một thời gian ngắn đã xuất hiện nhiều văn phòng được gọi là sàn BĐS, nhưng thực chất chỉ là nơi giao dịch tạm bợ được thuê lại từ các quán nước, quán ăn hoặc nhà người dân ngăn phòng nhỏ ra. Qua quan sát, có những "sàn" chỉ có một cái bàn nhựa và vài cái ghế con đặt ngay dưới các gốc cây cao su ven đường dẫn vào khu vực sân bay.

Xem chi tiết tại đây.

Dự án bị ngân hàng xử lý, người mua nhà thành chủ nợ bất đắc dĩ

Giữa năm 2016, dân ở chung cư The Harmona (quận Tân Bình, TP.HCM) hay tin Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Bắc Sài Gòn thông báo thu hồi tài sản để xử lý vì chủ đầu tư là Công ty cổ phần Vật tư Xuất nhập khẩu Tân Bình thế chấp các căn hộ của cư dân tại đây để bảo lãnh cho Công ty cổ phần Thanh Niên vay vốn nhưng công ty này không trả nợ.

Nhiều cư dân tại đây đã phải ngược chạy xuôi kêu cứu và may mắn là vụ việc đã được chủ đầu tư và ngân hàng giải quyết xong. Sau sự cố tại The Harmona, chính quyền TP.HCM đã có những biện pháp phòng ngừa việc lặp lại các sự cố tương tự như công bố các dự án, sản phẩm bất động sản bị thế chấp để người mua biết và thận trọng. Vào tháng 7/2016, một số tỉnh, thành phố đã công bố danh sách các dự án thế chấp ngân hàng như tại Hà Nội (34 dự án), TP.HCM (77 dự án)....

Dự án Tòa nhà Saigon One Tower, quận 1 (TP.HCM) bị ngân hàng siết nợ. Ảnh: Gia Huy.

Dự án Tòa nhà Saigon One Tower, quận 1 (TP.HCM) bị ngân hàng siết nợ. Ảnh: Gia Huy.

Tại dự án chung cư Vạn Hưng Phát do Công ty Vạn Hưng Phát làm chủ đầu tư, trong quá trình xây dựng, Công ty chưa hoàn thành phần móng nhưng đã ký 97 hợp đồng bán căn hộ để huy động vốn, vi phạm quy Luật Nhà ở. Một số khách hàng đã khởi kiện Công ty Vạn Hưng Phát đến TAND quận 8.

Tuy khách hàng được tuyên thắng kiện nhưng bản án vẫn không thể thi hành được vì bên bị không có tài sản kê biên. Theo thông báo của Chi cục Thi hành án quận 8, dự án Vạn Hưng Phát được thế chấp tại Ngân hàng Agribank.

Ngân hàng này cũng đã khởi kiện và TAND quận 8 xác định Công ty Vạn Hưng Phát có trách nhiệm trả 130 tỷ đồng cho Agribank. Tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất tại Dự án Vạn Phát Hưng được Ngân hàng Agribank đưa ra đấu giá.

Xem chi tiết tại đây.

Vì sao nhiều chủ đầu tư “né” bảo lãnh ngân hàng?

Lãnh đạo một tập đoàn lớn có trụ sở tại đường Phạm Hùng, Hà Nội cho biết, doanh nghiệp này đang gặp nhiều vướng mắc với khách hàng trong quá trình thực hiện quy định về bảo lãnh đự án bất động sản được quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản 2014. Tại Điều 56, luật này quy định rõ, “yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện việc bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai trước khi bán nhà cho khách hàng do một ngân hàng thương mại có đủ năng lực cam kết bảo lãnh”.

Để đảm bảo niềm tin cho người mua nhà, ngay khi quy định này chuẩn bị có hiệu lực vào ngày 1/7/2015, doanh nghiệp đã làm thủ tục để ngân hàng tiến hành cấp bảo lãnh. Đến ngày 25/6/2015, Ngân hàng Nhà nước lại ban hành Thông tư số 07/2015/TT-NHNN hướng dẫn quy định về bảo lãnh ngân hàng, trong đó có nội dung về bảo lãnh dự án bất động sản hình thành trong tương lai.

Dẫu vậy, Ngân hàng Nhà nước lại yêu cầu chỉ bảo lãnh khi đã có hợp đồng mua bán giữa chủ đầu tư và khách hàng, mâu thuẫn so với Luật kinh doanh bất động sản 2014. Chính điều này khiến doanh nghiệp loay hoay không biết triển khai dự án ra sao, và đành đưa ra phương án ngồi lại với ngân hàng để bàn giải pháp bảo lãnh từng sản phẩm khi khách hàng mua nhà để vẫn tiếp tục triển khai dự án.

Xem chi tiết tại đây.

Chủ đầu tư Shophouse Belleville Hà Nội đang dính nghi án bán “chênh” trốn thuế tiền khủng là ai?

Câu chuyện của các dược sĩ đi làm bất động sản như ở Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex khiến cho chúng ta có nhiều suy ngẫm. Giới thiệu thêm để cho độc giả và khách hàng biết về doanh nghiệp bất động sản mới toanh này. Vimefulland là thương hiệu bất động sản thuộc Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex (Vimedimex Group). Có thể coi doanh nghiệp bất động sản này là “tập hợp” của những người chuyên kinh doanh về lĩnh vực dược phẩm đi làm bất động sản. Đây là một trường hợp khá hy hữu ở thị trường bất động sản Việt Nam?

Mới đây, có một bài viết về vị Tổng Giám đốc Tập đoàn dược phẩm Vimedimex đăng đàn trả lời phỏng vấn về “chiến lược” phát triển bất động sản và ông này giới thiệu về những dự án của mình mà mới nghe thì có vẻ mừng cho thị trường bất động sản Việt Nam. Tuy nhiên, trong niềm vui vẫn có những băn khoăn khó có thể lý giải được ngay, cũng lại cần có thời gian để có câu trả lời.

Dự án Belleville Hà Nội.

Dự án Belleville Hà Nội.

Theo chia sẻ của một Tổng Giám đốc tập đoàn bất động sản hiện là chủ đầu tư nhiều dự án có lớn ở Hà Nội, đối với các chủ đầu tư bất động sản có tên tuổi ở Việt Nam, để hình thành 1 thương hiệu uy tín về bất động sản khiến cho khách hàng quen thuộc và đặt niềm tin phải cần đến quá trình hình thành và xây dựng thương hiệu cả chục năm hoặc lâu hơn thế nữa.

Với khách hàng, họ sẽ nhìn bằng mắt chứ không nghe bằng tai. Họ sẽ nhìn vào các sản phẩm mà bạn làm chứ họ không nghe các bạn quảng cáo. Một sản phầm bất động sản mới nào ra mắt cũng đều có những chiêu quảng cáo rầm rộ, thế nhưng khách hàng họ rất tỉnh tảo để biết mình phải lựa chọn chủ đầu tư nào uy tín, sản phẩm nào đáng tin cậy để xuống tiền.

Xem chi tiết tại đây.

Có dấu hiệu đầu cơ, sai lệch thông tin thị trường

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản năm 2016 và 9 tháng năm 2017 tiếp tục duy trì sự tăng trưởng ổn định, thể hiện qua các yếu tố giá cả ổn định, thanh khoản tăng, cơ cấu hàng hóa bất động sản nhà ở được điều chỉnh hợp lý hơn, hướng tới nhu cầu thực và khả năng thanh toán thực của thị trường; tồn kho tiếp tục giảm mạnh, tín dụng trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục tăng trưởng, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống.

Cụ thể, về thanh khoản, trong 9 tháng qua, tại Hà Nội có khoảng 10.550 giao dịch thành công (giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước) còn tại TP. HCM có khoảng 11.320 giao dịch thành công (tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước).

Về tồn kho, tính đến 20/9/2017, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 26.294 tỷ đồng, giảm 4.279 tỷ đồng so với tháng 12/2016 (tương đương giảm 15,24%).

Về cơ cấu hàng hóa, hiện cả nước đã có 63 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 42.370 căn hộ.

Bên cạnh đó có 96 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ (giảm diện tích) cho phù hợp hơn với nhu cầu thị trường (số lượng ban đầu là 44.700 căn hộ đề nghị điều chỉnh thành 60.000 căn hộ).

Xem chi tiết tại đây.

Hàng nghìn m2 đất vàng tại Nghệ An có cơ hội hồi sinh

Từ năm 2012 đến nay, qua quá trình thanh kiểm tra, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành các Quyết định thu hồi 116 dự án không triển khai theo như kế hoạch cam kết ban đầu. Bên cạnh động thái quyết liệt thu hồi các dự án chậm tiến độ, Nghệ An cũng tiếp tục gia hạn cho các dự án có số vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để nhà đầu tư tiếp tục triển khai xây dựng.

Cụ thể, trong năm 2017, tỉnh Nghệ An tiếp tục gia hạn 12 dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn thị xã Cửa Lò gồm: Khu cầu cảng tàu và bến cá tại phường Nghi Hải của Công ty TNHH Hà Dung; Khu khách sạn nhà nghỉ của Công ty Cổ phần du lịch Hà Nội; Khu nghỉ dưỡng Sông Hồng của Công ty CP xây dựng Sông Hồng.

Khu chung cư và biệt thự cao cấp kết hợp thương mại dịch vụ của Công ty CP thương mại, dịch vụ 79; Trường Đại học Công nghệ Vạn Xuân; Trung tâm chăm sóc người cao tuổi; Chung cư và biệt thự cao cấp ở phường Nghi Hương của Công ty CP xây dựng số 3 Hà Nội.

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top