Aa

Thị trường bất động sản chờ những giải pháp đột phá về pháp lý và nguồn vốn

Thứ Năm, 16/02/2023 - 06:12

Doanh nghiệp và nhà đầu tư đều kỳ vọng Chính phủ sẽ có những giải pháp đột phá, nhất là về vấn đề nguồn vốn và pháp lý dành cho thị trường bất động sản.

Dự kiến vào ngày mai (17/2), Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững. Hội nghị có sự tham gia của các Phó Thủ tướng, lãnh đạo Bộ, ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, cùng với một số ngân hàng, doanh nghiệp bất động sản lớn và các chuyên gia kinh tế, tài chính.

Ngay trước thềm hội nghị, Bộ Xây dựng cho biết sẽ kiến nghị Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cấp cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn, giống như gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện trong giai đoạn 2013 - 2016. Đề xuất này nếu thành hiện thực sẽ là liều thuốc quý trong bối cảnh thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khiến nguồn cung chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở của người dân.

Ngoài ra, cơ quan này cũng đề nghị Quốc hội sớm có Nghị quyết về thí điểm một số chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhằm tháo gỡ ngay các khó khăn như vấn đề giao đất, dành quỹ đất cho nhà ở xã hội; chọn chủ đầu tư; ưu đãi cho chủ đầu tư nhà ở xã hội; xác định giá bán, thuê, đối tượng và điều kiện hưởng chính sách. Bởi các điểm nghẽn này đang khiến doanh nghiệp, chủ đầu tư không mặn mà với nhà ở xã hội.

Theo Bộ Xây dựng, nên xem việc đầu tư nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp là một hạng mục đầu tư bằng nguồn vốn trung và dài hạn của địa phương. Song, Bộ Xây dựng cũng đề xuất nới room tín dụng phù hợp để hỗ trợ cho nền kinh tế trong năm 2023 và các năm tiếp theo, cũng như có biện pháp giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường bất động sản.

Ngay trước thềm hội nghị, Bộ Xây dựng đề xuất gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cấp cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn. (Ảnh minh họa: Lê Tuyết/VnExpress)

Ngoài những đề xuất trên, thị trường bất động sản còn kỳ vọng tại hội nghị thúc đẩy thị trường bất động sản sắp diễn ra, Chính phủ và các bộ ngành khác sẽ có những giải pháp thiết thực giúp thị trường vượt qua khó khăn về dòng vốn và pháp lý.

Trao đổi với Reatimes về sự kiện quan trọng này, Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, đây là dịp để các doanh nghiệp phản ánh được những khó khăn, mong muốn và đề xuất và hy vọng Chính phủ, các ngân hàng cũng như các bộ ngành có mặt sẽ đưa ra các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp và ngành bất động sản.

Tuy nhiên, ông Thịnh nhận định: "Điều quan trọng nhất làm sao để phục hồi được lòng tin của các nhà đầu tư đối với thị trường bất động sản nói riêng và các thị trường liên quan nói chung. Từ đó, giúp đẩy mạnh thị trường chứng khoán, tăng giá trị cổ phiếu, giúp các doanh nghiệp bất động sản có thể huy động thêm nguồn lực từ phát hành cổ phiếu. Chúng tôi cũng mong là sẽ có những thay đổi rất mạnh mẽ và quyết liệt từ việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 65, giúp các doanh nghiệp bất động sản có thể phát hành và trả nợ vay trái phiếu cũng như có nguồn lực thực hiện các dự án".

Đồng thời, ông Thịnh hy vọng, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương thì doanh nghiệp bất động sản cũng đẩy mạnh tái cấu trúc, thúc đẩy khởi công xây dựng nhiều hơn các dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, làm cho thị trường phát triển ổn định và bền vững hơn trong tương lai.

"Muốn tự cứu mình thì doanh nghiệp buộc phải tái cấu trúc. Nhiều doanh nghiệp hiện nay có 5 - 10 thậm chí 50 dự án thì rõ ràng không thể đủ nguồn lực để đầu tư dàn trải như thế. Bây giờ doanh nghiệp phải rà soát lại, mình có thể thực hiện dự án nào và bán đi những dự án không khả thi hay phải thực hiện liên doanh liên kết nhằm có nguồn vốn thực hiện.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải minh bạch thông tin, tài chính để xây dựng lòng tin với khách hàng mới bán được các bất động sản mới hình thành cơ bản. Doanh nghiệp cũng phải tiếp tục giảm giá sản phẩm. Hiện có những doanh nghiệp đã hạ giá 30 - 40% nhưng liệu đã đủ so với quá trình tăng giá từ những năm 2020 đến đầu năm 2022? Quá trình tái cấu trúc tất yếu phải có những nỗi đau, có những doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường nhưng chúng ta phải chấp nhận", ông Thịnh nói.

Pháp lý vẫn là vướng mắc lớn nhất mà doanh nghiệp mong muốn sớm tháo gỡ. (Ảnh minh họa: IT)

Về vấn đề lãi suất, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng, tình hình lạm phát tương đối ổn định ở mức dưới mức 4%. Đã đến lúc các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện khôi phục và tăng trưởng kinh tế. Điều này Ngân hàng Nhà nước đã làm từ cuối năm 2022, đầu năm 2023. Hy vọng lãi suất sẽ dần ổn định và giảm nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp bất động sản.

Về phía Chính phủ, ông Thịnh hy vọng những khó khăn về cơ sở pháp lý sẽ được rà soát tháo gỡ, giúp cho việc triển khai các dự án đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, nhà ở công nhân, để doanh nghiệp có quỹ đất sạch, có mặt bằng để triển khai. Chính phủ cũng cần hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình tiếp tục nguồn vốn và đơn giản thủ tục hành chính để giảm chi phí đầu tư, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư của doanh nghiệp.

Là một trong những đại diện tham dự hội nghị ngày 17/2, chia sẻ với Reatimes, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch HĐQT GP.Invest cho biết, dù trong hoàn cảnh nào, các doanh nghiệp cũng phải cố gắng hết sức để nuôi sống bộ máy trước khi chờ các động thái của cơ quan quản lý. Trong bối cảnh pháp lý đang thay đổi và thị trường hạn hẹp về thanh khoản cũng như dòng vốn, hằng ngày doanh nghiệp vẫn phải tìm cách giải bài toán tìm nguồn tiền ở đâu, chọn phân khúc nào để dễ tiêu thụ...

Thế nhưng, dù đã nỗ lực vượt qua khủng hoảng, các doanh nghiệp vẫn rất cần sự chung tay của cơ quan quản lý trong việc tháo gỡ các khó khăn, đặc biệt về vấn đề pháp lý, bởi theo ông Hiệp: "Chúng ta phải nhìn rõ sự bất cập của pháp luật sẽ ảnh hưởng lớn như thế nào đến doanh nghiệp và nền kinh tế, trong đó có bất động sản. Thị trường bất động sản năm 2023 vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn nếu các khó khăn về pháp lý và nguồn vốn không được giải quyết".

Dưới vai trò Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết, doanh nghiệp đang vướng cả về nguồn vốn lẫn pháp lý, cho nên đến giờ phút này không có dự án khởi công mới. Nguồn công việc cho các doanh nghiệp xây dựng, các đơn vị thi công vì thế rất khó khăn. Có thể nói các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng đang đứng trước nguy cơ không có việc làm, chỉ trừ xây dựng công nghiệp, chiếm khoảng 10%, còn lại toàn ngành, gồm xây dựng nhà ở và các dự án văn phòng, dân dụng đều bị ảnh hưởng.

"Năm nay chúng tôi chưa thấy sự cải thiện, đó chính là điều lo ngại của các doanh nghiệp xây dựng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng hy vọng, cơ quan quản lý đã nhìn ra sự tác động tiêu cực đến doanh nghiệp thì các khó khăn sẽ tiếp tục được rà soát và tháo gỡ", ông Hiệp chia sẻ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top