Kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh ngành xây dựng quý 1/2020 do Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy nhiều doanh nghiệp xây dưng nhận định không khả quan về triển vọng thị trường trong năm 2020.
Cụ thể, có hơn 6.600 doanh nghiệp được chọn mẫu để khảo sát và có 89% doanh nghiệp tham gia trả lời trong kỳ điều tra này. Hiện nay, tình hình diễn biến của dịch bệnh ngày càng phức tạp, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp. Theo đó, 52,5% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh trong quý 1/2020 giữ ổn định và tốt hơn, 47,5% nhận định khó khăn hơn so với quý 4/2019.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu đánh giá năm 2020 ngành xây dựng giảm sút nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 và sự sụt giảm của thị trường bất động sản. Có thể nói, ngành xây dựng bị suy giảm kép trong năm 2020 và đối mặt với nhiều khó khăn lớn. Đây cũng là nguyên nhân khiến kế hoạch kinh doanh của nhiều ông lớn trong ngành theo đó cũng giảm mạnh.
"Kế hoạch kinh doanh của Cotecon trong năm 2020 chỉ bằng 70% của năm 2018, một doanh nghiệp xây dựng lớn như Hòa Bình nhưng trong quý 1/2020 lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 5 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp xây dựng nhỏ không có việc... Hiện nay, nhiều nhà thầu xây dựng thấp thỏm tương lai năm 2020 - 2021 không biết sẽ thế nào", ông Hiệp nhấn mạnh.
Trước những khó khăn hiện tại, nhiều doanh nghiệp xây dựng đang tìm hướng đi riêng để duy trì hoạt động trong thời gian tới. Đối với Fecon, ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết, dịch Covid-19 ảnh hưởng rõ rệt tới nền kinh tế nói chung cũng như thị trường xây dựng nói riêng, đặc biệt là xây dựng bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, tuy nhiên khu vực bất động sản công nghiệp có hy vọng tăng trưởng tốt.
Lãnh đạo FCN chia sẻ, năm 2020 cũng như giai đoạn 5 năm tới, 2 trong 5 mảng kinh doanh chủ đạo của FCN là xây dựng hạ tầng, xây dựng công nghiệp và phòng chống biến đổi khí hậu.
Còn đối với Hòa Bình, mặc dù nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực xây dựng, bất động sản giảm sút, nhưng ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) cho biết, công ty nỗ lực mở rộng thị trường, tham gia dự thầu nhiều dự án bao gồm cả công nghiệp, hạ tầng và tại nước ngoài, với tổng giá trị dự thầu hiện nay lên đến hơn 26.000 tỷ đồng.
Theo HBC, cơ cấu lợi nhuận trong năm 2020 dự kiến gồm 60 - 65% từ mảng xây dựng dân dụng và xây dựng công nghiệp, mảng hạ tầng sẽ tăng dần tỷ trọng lên 35 - 40%.
Cùng với những hướng đi riêng của doanh nghiệp, để vượt giai đoạn khó khăn này, nhiều nhà thầu xây lắp cũng kiến nghị Chính phủ các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn giá thị trường vật liệu xây dựng; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bằng các chính sách tín dụng, tài chính, giảm lãi suất, giãn nợ, giảm thuế. Đồng thời có giải pháp hiệu quả cắt giảm thủ tục và rút ngắn thời gian thanh toán, giải ngân đối với các công trình có sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước...