Aa

Thị trường bất động sản Thanh Hóa cuối năm 2020 rất khó nhận định

Viết Huy
Viết Huy hoanghuy1089@gmail.com
Thứ Bảy, 12/12/2020 - 17:18

Khác với diễn biến của thị trường những năm trước đây, thị trường bất động sản Thanh Hóa cuối năm 2020 được các chuyên gia đánh giá sẽ có những diễn biến phức tạp, khó nhận định.

Thị trường có dấu hiệu giảm nhiệt

Ông Nguyễn Ngọc An, Giám đốc sàn giao dịch bất động sản SB Land nhận định, thị trường bất động sản Thanh Hóa cuối năm 2020 đang rơi vào trạng thái rất khó đoán. Bởi lẽ, trong nửa đầu quý IV/2020, giá trị bất động sản tại một số khu vực không có nhiều biến động về giá khiến lượng giao dịch hầu như giảm hẳn so với cùng kỳ năm trước.

Đơn cử, thị trường bất động sản tại TP. Thanh Hóa, Sầm Sơn thời gian gần đây có dấu hiệu chững lại ở một số phân khúc, lợi nhuận từ giá trị bất động sản tăng nhưng không đáng kể, so với cùng kỳ năm 2019 chỉ bằng 10 - 20%. Nguyên nhân chủ yếu đến từ những yếu tố khách quan như nguồn cung bất động sản giảm, Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa…

Thị trường bất động sản Thanh Hóa cuối năm 2020 đang rơi vào trạng thái khó đoán...

Dù thị trường đang rơi vào trạng thái khó đoán định nhưng nhìn chung trong thời gian tới, bất động sản vẫn là kênh hút vốn đầu tư tốt do niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường không bị thay đổi nhiều. Thực tế, nhiều phân khúc vẫn có giao dịch tốt trong thời gian qua.

Đồng quan điểm đó, một số chuyên gia bất động sản khác cho biết thêm, sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi những khó khăn chung do dịch Covid-19, bước vào cuối quý IV/2020, nhiều chủ đầu tư bất động sản tại Thanh Hóa đồng loạt tung ra thị trường dự án mới tại các huyện như Hoằng Hóa, Quảng Xương và Đông Sơn khiến lượng giao dịch sôi động trở lại, không chỉ ở những địa bàn này mà còn của chung tỉnh Thanh Hóa.

Ngoài ra, cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tăng tốc hoàn thiện dự án và bán hàng để hoàn thành những chỉ tiêu kinh doanh được đề ra, đây sẽ là cơ hội kích cầu cho thị trường lấy lại đà tăng trưởng từ những tháng trước đó.

Bên cạnh đó, việc các ngân hàng giảm lãi suất huy động xuống mức thấp đã đẩy dòng tiền dần chạy qua kênh đầu tư bất động sản. Đồng thời, nhiều chủ đầu tư đã ký kết hợp tác với ngân hàng để tung ra những gói ưu đãi hấp dẫn khi mua sản phẩm bất động sản là cơ hội lớn thúc đẩy lượng giao dịch tăng cao vào cuối năm.

Phân khúc bất động sản nào sẽ lên ngôi?

Trong thời gian tới, thị trường bất động sản Thanh Hóa được các chuyên gia đánh giá sẽ tiếp tục gặp những khó khăn do tác động của dại dịch Covid-19, tuy nhiên về lâu dài, thị trường sẽ có nhiều tín hiệu lạc quan bởi hàng loạt dự án bất động sản có quy mô lớn tiếp tục được đầu tư tại đây.

Điều đó được thể hiện tại nhiều phân khúc như đất nền, chung cư và đặc biệt là bất động sản công nghiệp - điểm sáng của thị trường do sự dịch chuyển của các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Thanh Hóa nói riêng và Việt Nam nói chung.

Nhận định về phân khúc bất động sản công nghiệp tại Thanh Hóa cuối năm 2020 và tiềm năng trong năm 2021, ông Nguyễn Hữu Huy, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh Bất động sản Phục Hưng đề cập đến 4 yếu tố:

Thứ nhất, thời gian gần đây, hàng loạt dự án có vốn đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư sản xuất tại Thanh Hóa trong lần xúc tiến đầu tư của tỉnh hồi giữa năm 2020 đang rục rịch tiến hành khởi công xây dựng. Bên cạnh đó, nhằm đón đầu sự dịch chuyển của các công ty nước ngoài, nhiều nhà đầu tư tiếp tục triển khai, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở những dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư. Đồng thời, xây dựng các hệ thống nhà xưởng đảm bảo về quy mô, chất lượng nhằm phục vụ nhà đầu tư có nhu cầu sản xuất nhanh mà không gặp khó khăn trong các thủ tục về đầu tư khác.

Thứ hai, khi những diễn biến của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc ngày càng gia tăng, Việt Nam được các chuyên gia đánh giá sẽ trở thành điểm đến lý tưởng đối với các doanh nghiệp nước ngoài đang dần rút khỏi Trung Quốc.

Công ty BNB Hà Nội được đánh giá là một trong những nhà đầu tư tiên phong trong lĩnh vực xây dựng bất động sản khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại Thanh Hóa.

Thứ ba, hiện quỹ đất để phát triển công nghiệp tại các tỉnh có truyền thống về công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương hay Bắc Ninh… không còn nhiều nên việc xây dựng cụm công nghiệp hay khu công nghiệp rộng, đẹp ở những địa phương này hầu như rất khó khăn. Tuy nhiên, đối với một tỉnh có quỹ đất rộng như Thanh Hóa thì việc phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp quy mô lớn lại tương đối dễ dàng, có thể đáp ứng nhu cầu của những nhà đầu tư khó tính nhất.

Thứ tư, trong 5 năm trở lại đây, tỉnh Thanh Hóa đầu tư rất lớn nguồn lực để xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông kết nối một cách đồng bộ, điều đó góp phần không nhỏ trong kế hoạch phát triển quỹ đất khu công nghiệp, thuận lợi trong việc phát triển thương mại và vận tải.

Ngoài ra, việc hưởng lợi từ các nguồn vốn FDI, lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do... đang tạo nên cơ hội lớn cho phân khúc bất động sản công nghiệp tại Thanh Hóa trong thời gian tới./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top