Nhiều tín hiệu tích cực
Tại phiên họp thường kỳ tháng 8 của UBND tỉnh Thanh Hóa ngày 25/8, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 của tỉnh cơ bản duy trì ổn định, hầu hết các ngành, lĩnh vực đạt kết quả khá so với tháng trước và tháng cùng kỳ.
Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 6,6%; tổng vốn đầu tư thực hiện tăng 8,9%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 7,9%; thu ngân sách Nhà nước tăng 5,9%; thành lập mới doanh nghiệp tăng 7,2%; giải ngân vốn đầu tư công đạt 60,3% kế hoạch…
Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng trình bày báo cáo Dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 tỉnh Thanh Hóa. Theo đó sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để các doanh nghiệp khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng; phát triển mạnh mẽ 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng, 6 hành lang kinh tế.
Đồng thời, Dự thảo cũng đưa ra một số chỉ tiêu chủ yếu như: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 11% trở lên; GRDP bình quân đầu người đạt 2.980 USD trở lên; tổng vốn huy động vốn đầu tư phát triển đạt khoảng 130.000 tỷ đồng; số doanh nghiệp thành lập mới đạt 3.000 doanh nghiệp trở lên.
Ngoài ra, tỉnh đang gấp rút thực hiện thi công tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thanh Hóa, xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ và thuận lợi bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không…
Hiện tại, thị trường đón nhận khá nhiều dự án, trong đó có những dự án đã được chấp thuận đầu tư, tổ chức đấu thầu, một số đã khởi công xây dựng và dần đi vào hoàn thiện hoặc dự án sắp được tung ra thị trường đã, đang thu hút khá lớn lượng khách trong và ngoài tỉnh. Điều này khiến thị trường sôi động trở lại.
Thị trường bất động sản sẽ lấy lại đà tăng trưởng
Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa trong tháng 8 và thời gian tới được dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 quay trở lại và diễn biến phức tạp, tác động bất lợi đến nhiều ngành, lĩnh vực. Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu phải dừng hoạt động dẫn đến một số chỉ tiêu giảm so với cùng kỳ, trong đó vận tải hành khách giảm 31,6%; khách du lịch giảm 74,8%; xuất khẩu hàng hóa giảm 6%... Tiến độ giải ngân của một số nguồn vốn, chương trình, dự án chưa đáp ứng được nhu cầu đề ra. Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận, giải quyết trực tuyến mức độ 4 còn thấp so với yêu cầu, mới đạt 32,1%…
Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 567 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 8,6% so với cùng kỳ (tăng 45 doanh nghiệp) và có 44 doanh nghiệp giải thể.
Tuy nhiên, bằng những chính sách cụ thể, kịp thời của tỉnh Thanh Hóa như đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp, nhất là các dự án đã được trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư và ký biên bản ghi nhớ đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2020. Tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp khôi phục ngành du lịch.
Đến nay, dù dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp nhưng vượt qua khó khăn đó, các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn duy trì tốt việc làm cho người lao động. Ngành công nghiệp đã hồi phục trở lại tương đối nhanh chóng sau khi dịch bệnh được khống chế. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước địa phương đạt 960,5 tỷ đồng. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước địa phương ước đạt 5.467,5 tỷ đồng.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng Bảy và bình quân 7 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước (tăng 5,35% và 5,73%) đều ở mức tăng cao trong 5 năm gần đây.
Nhìn chung trong 8 tháng đầu năm 2020, thị trường bất động sản Thanh Hóa gặp không ít khó khăn, lượng giao dịch sụt giảm, giá trị bất động sản ở mức thấp. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tổng thể, thị trường vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định ở một số phân khúc như đất nền, căn hộ chung cư,...
Đánh giá của nhiều chuyên gia cho rằng: "Nếu kinh tế tỉnh Thanh Hóa những tháng còn lại vẫn duy trì mức tăng trưởng như 8 tháng đầu năm 2020 ở một số lĩnh vực trọng tâm như công nghiệp, dịch vụ, bán lẻ, đầu tư công, các yếu tố khác... thì thị trường bất động sản sẽ được hưởng lợi khá lớn. Chính sự tăng trưởng của nền kinh tế sẽ thúc đẩy sự phát triển của tất cả các nghành kinh tế khác, ngẫu nhiên thị trường bất động sản không nằm ngoài xu hướng đó".
Ông Nguyễn Hữu Huy, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư kinh doanh bất động sản Phục Hưng nhận định, thị trường bất động sản Thanh Hóa những tháng cuối năm vẫn tiếp tục tăng trưởng, thời gian này sẽ là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư găm hàng chờ tăng giá.
Ngoài những nguyên nhân và kết quả nền kinh tế, xã hội tỉnh Thanh Hóa những tháng đầu năm thì ông Huy cũng nhận định thêm một số nguyên nhân khác: "Thời gian gần đây tại Thanh Hóa ngoài những dự án đã được chủ đầu tư bung hàng thì hiện tại không có nhiều dự án mới được triển khai và ra hàng vào dịp cuối năm. Thị trường vàng và ngoại tệ không còn là kênh đầu tư an toàn cho nên nhiều nhà đầu tư sẽ chuyển sang đầu tư bất động sản. Giá bất động sản tháng 7 có xu hướng giảm nên nhiều nhà đầu tư có "tiền thịt" săn lùng nhằm gom hàng chờ tăng giá".