Aa

Thanh Hoá và bài toán phát triển đô thị biển bền vững

Thảo Bùi
Thảo Bùi Buithao021197@gmail.com
Thứ Bảy, 15/10/2022 - 06:18

Với những tiềm năng sẵn có cùng hạ tầng giao thông thuận tiện, Thanh Hoá đang tạo nên làn sóng thu hút đầu tư lớn để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đô thị từ động lực kinh tế biển.

Trải qua 2 năm ảnh hưởng nhiều từ dịch bệnh Covid-19, du lịch Thanh Hoá đã phục hồi mạnh mẽ trở lại. Trong vòng 9 tháng vừa qua, toàn tỉnh đã đón trên 10,3 triệu lượt khách, đạt gần 104% kế hoạch, tổng thu từ du lịch sau 9 tháng đạt gần 20.000 tỷ đồng và đạt 106,4% kế hoạch, vượt mục tiêu đề ra năm 2022.

Những con số “biết nói” trên đã đánh dấu sự trở lại ấn tượng của ngành du lịch Thanh Hóa. Trong nhiều năm gần đây, việc phát triển đô thị gắn với du lịch biển bằng các dự án lớn tại địa phương này đã phá bỏ định kiến du lịch mùa vụ, bình dân để hút khách hạng sang chi tiêu cao, mở ra cơ hội sinh lời hấp dẫn cho các sản phẩm bất động sản gắn với du lịch nghỉ dưỡng như shophouse, boutique hotel, condotel, căn hộ dịch vụ…

Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Với sự định hướng này, Thanh Hóa đã đặt du lịch ở vị trí trung tâm, từng bước khẳng định được vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, việc xây dựng và phát triển Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu, cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển sẽ là thời cơ để Thanh Hóa đẩy mạnh phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, nhận thức sâu sắc được vai trò của phát triển đô thị trong xu thế phát triển hiện nay, ngay từ khi Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị mới được ban hành, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có Kế hoạch số 57-KH/TU để quán triệt thực hiện. Ngoài các mục tiêu chung, Tỉnh ủy Thanh Hóa còn đề ra nhiều mục tiêu tổng quát như: Phát triển đô thị có kiến trúc hiện đại, xanh, giàu bản sắc văn hóa xứ Thanh theo đúng quy hoạch. Nhiều chỉ tiêu cụ thể đã được đề ra trên cơ sở phân tích hiện trạng và điều kiện phát triển đô thị hiện tại. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 40% trở lên, đến năm 2030 đạt trên 50%; tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích tự nhiên đến năm 2030 dự kiến đạt từ 1,9 đến 2,3%.

Sự dẫn đường của các nghị quyết, chính sách đặc thù đã mang đến cho Thanh Hóa nhiều cơ hội để bứt phá, tuy nhiên, để hướng tới phát triển đô thị bền vững, gắn với phát triển du lịch, đặc biệt là đô thị ven biển, tỉnh này sẽ còn phải vượt qua nhiều thách thức. Theo đó, quy hoạch, thực thi quy hoạch, thu hút và lựa chọn nhà đầu tư, sử dụng nguồn lực đất đai… sao cho hiệu quả là những bài toán đang đặt ra cho Thanh Hóa để phát huy thế mạnh của người đi sau, không giẫm lên vết xe đổ của các đô thị lớn đã phát triển một cách tràn lan, ồ ạt, thiếu bền vững.

Reatimes đã có cuộc trò chuyện cùng ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA).

PV: Theo ông, vì sao vài năm trở lại đây, Thanh Hóa lại trở thành địa chỉ thu hút đầu tư phát triển các đô thị biển gắn với du lịch, nghỉ dưỡng?

Ông Nguyễn Mạnh Hà: Yếu tố về hạ tầng giao thông luôn là điều kiện tiên quyết để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển đô thị biển tại Thanh Hoá nói riêng. Hệ thống hạ tầng giao thông kết nối từ các địa phương đến với Thanh Hoá rất thuận tiện, từ đường bộ, đường sắt, đường thuỷ và đường hàng không. Đường ven biển, đường cao tốc Thanh Hoá - Hà Nội, Ninh Bình - Thanh Hoá, cao tốc Nghi Sơn - Sao Vàng và hàng loạt các tuyến đường giao thông trong tỉnh lộ nối các huyện, xã... đã tạo thuận lợi cho kết nối vùng, thuận tiện cho giao thương phát triển cả về kinh tế và xã hội. Bên cạnh đó, Thanh Hoá có vị trí gần với Thủ đô Hà Nội - nơi có nhu cầu cung cấp dịch vụ rất lớn.

Thứ hai, Thanh Hóa có vị trí địa lý đặc biệt, nằm ở cửa ngõ nối liền Bắc Bộ với Trung Bộ, cách Thủ đô Hà Nội và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ khoảng 150km về phía Nam, có bờ biển dài 102km. Thanh Hóa được ví như một Việt Nam thu nhỏ với đầy đủ các loại địa hình, các hệ sinh thái: Đồng bằng, miền núi, trung du và ven biển, cùng nguồn tài nguyên phong phú về đất, rừng, biển. Thanh Hoá cũng là địa phương có bề dày truyền thống lịch sử, có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, được biết đến như là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”.

Ảnh minh họa

Thứ ba, trong những năm vừa qua, tỉnh Thanh Hoá có những chính sách thu hút đầu tư rất đúng đắn, hấp dẫn. Khi đầu tư vào Thanh Hóa, nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất và thực hiện nghĩa vụ ở mức thấp nhất trong khung quy định của pháp luật Việt Nam. Chính quyền tỉnh luôn cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; công khai quy hoạch, hoàn thiện, đầu tư vào kết cấu hạ tầng; đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực.

Chính vì những lý do trên, thời gian qua tỉnh Thanh Hoá đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư lớn tham gia đầu tư, phát triển công nghiệp và đặc biệt phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng ở ven biển. 

PV: Việc các ông lớn bất động sản đổ bộ về Thanh Hóa trong thời gian qua đã tạo ra làn sóng dẫn dắt các nhà đầu tư khác tới xứ Thanh như thế nào?

Ông Nguyễn Mạnh Hà: Theo kinh nghiệm không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, muốn thu hút đầu tư nước ngoài trước hết phải thu hút các nhà đầu tư lớn, các “cánh chim đại bàng lớn” về “làm tổ” trước. Những dự án lớn được hình thành, hạ tầng đồng bộ và tiện nghi đầy đủ được đầu tư sẽ tạo ra sức hút để thu hút các nhà đầu tư nhỏ lẻ khác tham gia.

Trong thời gian vừa qua, tỉnh Thanh Hoá đã đón hàng loạt các dự án bất động sản của các tập đoàn lớn như: Vingroup, Sun Group, Flamingo, T&T, TNR,v.v... Điều này tạo ra những cú hích rất lớn thu hút các nhà đầu tư nhỏ lẻ khác tham gia vào đầu tư, không chỉ các nhà đầu tư trong nước quan tâm mà tỉnh Thanh Hoá còn nhận được sự chú trọng của giới đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Hiện nay, Thanh Hoá là địa phương đứng thứ 8 trên cả nước về thu hút dự án đầu tư nước ngoài.

Với tiềm năng hiện có, chắc chắn đà tăng giá của bất động sản Thanh Hóa vẫn có sự phát triển rất tốt. Các nhà đầu tư quan tâm sẽ dễ dàng lựa chọn địa phương này hơn so với việc đầu tư vào các tỉnh thành phố có thị trường bất động sản đã bước vào giai đoạn trầm lắng, đi ngang.

Nhiều dự án đang được triển khai, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho người dân, nâng cao thu nhập, giảm tình trạng lao động ở Thanh Hoá đi làm ăn xa ở nơi khác, thậm chí còn thu hút lượng lao động từ nhiều địa phương khác về sinh sống và làm việc. Sự thay đổi này kéo theo sự phát triển kinh tế của tỉnh nói chung, đồng thời, đời sống của người dân nói riêng sẽ được nâng lên rất nhiều. Nhu cầu về nhà ở, đất đai tại Thanh Hoá cũng từ đó sẽ tăng lên trông thấy.

PV: Để đáp ứng các yêu cầu của xu hướng phát triển bền vững đô thị biển, theo ông, tỉnh Thanh Hóa nên khuyến khích các mô hình dự án như thế nào?

Ông Nguyễn Mạnh Hà: Theo tôi, để phát triển kinh tế biển và đô thị biển theo hướng bền vững, trước hết tỉnh Thanh Hoá cần có quy hoạch tổng thể thật bài bản, đồng bộ, có tầm nhìn chiến lược cũng như có sự đầu tư về hạ tầng giao thông kết nối để thu hút, hấp dẫn được các nhà đầu tư tham gia.

Thứ hai, khuyến khích các dự án phát triển đa mục tiêu. Đối với các dự án đô thị ven biển nên quy hoạch đủ lớn, đủ rộng, kết hợp đồng bộ giữa nhà ở với du lịch nghỉ dưỡng và các khu vui chơi giải trí để thu hút khách hàng nhiều hơn. Bởi xu hướng du lịch hiện nay là du lịch trải nghiệm, bên cạnh mục đích đi du lịch để tái tạo sức lao động thì còn là cơ hội là để tham quan, khám phá những nét văn hóa của địa phương. Từ đó tạo ra những khu đô thị, những khu nghỉ dưỡng mang tầm cỡ quốc tế để thu hút khách hàng không chỉ trong nước mà cả du khách nước ngoài.

PV: Với những cơ hội phát triển hiện có, ông hình dung như thế nào về diện mạo phát triển đô thị và thị trường bất động sản Thanh Hóa trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Mạnh Hà: Có thể nói, trước đây Thanh Hoá chưa phát triển với đúng tiềm năng của mình. Nhưng những năm gần đây, Thanh Hoá đã có những bước phát triển vượt bậc, nhất là phát triển đô thị, phát triển các khu công nghiệp và đặc biệt phát triển các khu đô thị biển. Với tiềm năng “đất rộng người đông” (quy mô dân số hiện nay gần 4 triệu người), vị trí địa lý gần các khu đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương là trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ, cộng thêm là địa phương có hạ tầng giao thông thuận tiện, diện mạo Thanh Hóa sẽ ngày càng khang trang hơn, nhất là khi các dự án theo quy hoạch được hình thành. Nhu cầu nhà ở, việc làm, nghỉ dưỡng của người dân trong tỉnh, cùng nhu cầu của du khách và người dân vùng Thủ đô giúp Thanh Hóa thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư giúp cho thị trường bất động sản có bước phát triển mạnh trong thời gian tới.

Theo tôi, sự phát triển mạnh mẽ này trước hết là tại TP. Thanh Hoá, thứ hai tại Nghi Sơn, thứ ba là các vùng ven biển như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Thành v.v…

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh lại, bài toán cần giải quyết để hướng tới phát triển đô thị bền vững là làm sao có quy hoạch cụ thể, sử dụng quỹ đất hợp lý, không ồ ạt. Quỹ đất rộng là một lợi thế, nhưng để khai thác tốt giá trị của đất, địa phương cần có những quy định cụ thể để sử dụng đất một cách hợp lý, tiết kiệm quỹ đất. Bên cạnh đó, cần có tầm nhìn xa, tầm nhìn chiến lược lựa chọn những nhà đầu tư uy tín, tiềm lực tham gia vào thị trường. Chú trọng phát triển các khu ven biển tập trung, phát triển đồng bộ các tiện ích vừa tiết kiệm quỹ đất vừa phát triển du lịch nghỉ dưỡng.

Ở nước ta ngoài hai đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM, các địa phương xuất phát điểm tương tự như nhau. Thanh Hoá vẫn tiếp tục trên đà khai tốt tiềm năng vốn có của mình hướng đến phát triển bền vững./.

-       Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top