Sau hơn 5 năm ra đời và được thực hiện kiên trì, Chiến lược nhà ở quốc gia của Chính phủ (năm 2011) đã phát huy những tác dụng rõ rệt. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội đã giúp thị trường BĐS phục hồi tích cực và tạo điều kiện cho hàng trăm ngàn người nghèo, người thu nhập thấp cải thiện được chỗ ở.
Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đã xác định phải phát triển đồng thời hai loại hình nhà ở. Đầu tiên là nhà ở thương mại, là loại hình nhà ở thị trường hàng hóa, dành cho các nhóm đối tượng có đủ khả năng chi trả theo cơ chế thị trường. Thứ nữa là nhà ở xã hội (NƠXH), là nhà ở thị trường phi hàng hóa có sự hỗ trợ của Nhà nước để giảm giá thành, để giúp cho các đối tượng chính sách, người nghèo, người thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, sinh viên..., vốn dĩ không có khả năng chi trả theo cơ chế thị trường, có cơ hội được cải thiện chỗ ở.
Nhà ở thương mại, nguồn cung ngày càng tiếp cận với cầu
Đây là một tín hiệu vui cho thị trường BĐS Việt Nam sau khoảng chục năm thăng trầm, lúc “bong bóng”, lúc lại lâm vào tình trạng “đóng băng”.
Đó là vào khoảng năm 2006 đến cuối năm 2007, hệ thống ngân hàng đã cung cấp tín dụng ào ạt cho các dự án BĐS, thổi vào thị trường một sức nóng đầu tư và thậm chí cả đầu cơ hiếm có, giá cả nhà ở bị đẩy lên cao. Tính đến cuối năm 2007, tổng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực BĐS tăng đến 19% so với cuối năm 2006, chiếm khoảng dưới 10% tổng dư nợ của toàn hệ thống.
Khi đó, nguồn cung tăng như vũ bão khiến ngày càng cách xa nhu cầu thực về nhà ở, đặc biệt là với khả năng thanh toán của đông đảo dân chúng. Sự trả giá đắt đã ập đến, không chỉ với toàn bộ nền kinh tế mà với nhiều nhà đầu tư BĐS.
Nay thời thế đã khác. Thị trường bắt đầu phục hồi trở lại với cách tiếp cận thông minh hơn, chuyên nghiệp hơn, không chỉ ở tầng vĩ mô mà cả ở tầng vi mô, không chỉ đối với các nhà đầu tư mà cả với mọi tầng lớp khách hàng.
Chính sách của Nhà nước đã dần được hoàn thiện bởi sự ra đời của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Dân sự... Nhiều điều luật được bổ sung, sửa đổi khiến cho thị trường thông thoáng hơn, minh bạch hơn song cũng dễ dàng kiểm soát và điều tiết hơn.
Với các ngân hàng, bắt đầu từ năm 2013, tín dụng BĐS có xu hướng tăng và nhanh hơn tốc độ tăng tín dụng nền kinh tế. Việc ban hành Thông tư số 06/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, đã xác định lộ trình giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn về 50%, đồng thời, nâng hệ số rủi ro của với tín dụng BĐS từ 150% lên 200%..., là cơ sở thúc đẩy dòng vốn tín dụng đổ vào BĐS.
Với các nhà đầu tư, từ chỗ lao vào thị trường như một bản năng tìm kiếm lợi nhuận thuần túy thì nay đã khôn ngoan hơn, tìm kiếm những phân khúc thị trường phù hợp với thời thế và nguồn lực của mình hơn; bắt đầu coi nhu cầu thực của khách hàng là một “hoa tiêu” không thể thiếu trong chiến lược phát triển...
Với khách mua nhà, sau nhiều bài học từ thực tiễn “mua nhà theo diện tích” nay đã tỉnh táo hơn, thông minh hơn khi tiếp cận với thị trường. Họ bắt đầu quan tâm đến những nơi ở được quy hoạch khép kín với hạ tầng tiện ích và dịch vụ đồng bộ, như giáo dục, y tế, thể thao, văn hóa, mua sắm, vui chơi giải trí, cảnh quan… Họ cũng đã cảnh giác với các dự án, với các chủ đầu tư thiếu minh bạch thông tin, chưa có thương hiệu và uy tín trên thương trường.
Chỉ cần dẫn ra những bước tiến cơ bản của các yếu tố chủ yếu tác động đến thị trường BĐS nước nhà để có thể tin tưởng rằng, trong 5-10 năm tới, khả năng “bong bóng” rất khó có cơ hội xảy ra.
Nhà ở xã hội – Ý chí mạnh mẽ, hành động quyết liệt
Chưa bao giờ vấn đề NƠXH của nước nhà lại được quan tâm đến như vậy, từ chủ trương của Đảng và Nhà nước trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến hành động chỉ đạo quyết liệt của những người đứng đầu Chính phủ, rồi đến sự háo hức chờ đợi của hàng chục triệu người có thu nhập thấp.
Không nói gì xa xôi, ngày 7/12/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về NƠXH. Tại đây, ý chí của Chính phủ về vấn đề này được thể hiện mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Ông một lần nữa khẳng định việc Chính phủ hết sức quan tâm đến phát triển quỹ NƠXH, nhà ở giá rẻ cho người dân, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp, người có công, người cao tuổi…
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng nhu cầu về nhà ở NƠXH, nhà giá rẻ là rất lớn, đại bộ phận người dân, nhất là công nhân, người lao động các khu công nghiệp tập trung. Trong khi đó, nguồn lực đất đai, tài chính, tín dụng là rất dồi dào, kể cả một phần tiền trong dân. Và ông đặt câu hỏi, tại sao kết quả phát triển quỹ NƠXH vẫn chưa được như mong muốn. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đề nghị các địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn, đồng thời đề xuất, kiến nghị và thí điểm những mô hình mới có hiệu quả trong thu hút đầu tư vào phát triển quỹ nhà ở giá rẻ để đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho người dân.
Cũng tại đây, một số địa phương đã làm tốt công tác phát triển NƠXH cho người thu nhập thấp, như Hà Nội, TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Thái Nguyên... Nhiều DN đã tham gia đầu tư phát triển NƠXH, trở thành mô hình tốt cả về đầu tư, chất lượng nhà ở và dịch vụ, quản lý, vận hành..., như Tổng công ty Becamex Bình Dương, Tổng công ty Viglacera, Tổng công ty IDICO, Công ty Samsung Thái nguyên, Công ty địa ốc Hoàng Quân, Công ty cổ phần thương mại Thủ đô...
Được biết, Bộ Xây dựng cũng đã kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính, tín dụng, thuế liên quan đến NƠXH theo hướng sửa đổi, bổ sung quy định về thuế tài sản nhà, đất nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách để hỗ trợ phát triển NƠXH; hình thành một số định chế tài chính, như Ngân hàng tiết kiệm nhà ở, Quỹ phát triển nhà ở, Quỹ đầu tư bất động sản..., để tạo thêm kênh huy động vốn trung hạn và dài hạn, dành để phát triển NƠXH.
Với ý chí mạnh mẽ và hành động quyết liệt từ Chính phủ như vậy, không chỉ NƠXH mà toàn bộ Chiến lược quốc gia về nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 chắc chắn sẽ có những bước đột phá mới, bắt đầu từ năm 2017.
“Như lời dạy của Bác Hồ, có 4 việc quan trọng liên quan đến đời sống dân sinh là ăn, mặc, ở và đi lại cần phải đặc biệt quan tâm. Hiến pháp năm 2013 cũng ghi rõ, người dân có quyền có nhà ở và có chính sách hỗ trợ để phát triển nhà ở… Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là phát triển nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và người dân. Đặc biệt, cần trân trọng và khuyến khích các nhà đầu tư bỏ vốn phát triển nhà ở xã hội cho cả 9 nhóm đối tượng” (Trích: Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến về Nhà ở xã hội – 7/12/2016) |