Aa

Thị trường BĐS TP.HCM: Phân khúc căn hộ vừa túi tiền bắt đầu quay trở lại

Thứ Ba, 27/06/2017 - 06:01

Hiệp Hội BĐS TP.HCM (HoREA) nhận định rằng, thị trường BĐS Thành phố sẽ có sự chuyển hướng mạnh sang phân khúc căn hộ giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thật của đa số người có thu nhập trung bình và thấp.

Theo báo cáo thị trường BĐS 6 tháng đầu năm 2017 của HoREA, toàn thành phố có 32 dự án nhà ở hình thành trong tương lai được Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện huy động vốn với tổng cộng 16.506 căn hộ.

Trong đó, phân khúc nhà ở cao cấp có 5.164 căn (31,3%); phân khúc nhà ở trung cấp có 5.136 căn (31,1%); còn lại là phân khúc nhà ở bình dân 6.206 căn (37,6%). Nếu so với cùng kỳ năm 2016, phân khúc nhà ở bình dân tăng 1,9 lần; phân khúc nhà ở cao cấp tăng 1,8 lần.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, khoảng một năm trước, thị trường BĐS có xu hướng phát triển chệch hướng sang phân khúc căn hộ cao cấp.

Năm 2017, TP.HCM đưa ra chính sách phát triển các dự án giá rẻ và tầm trung nên các doanh nghiệp đang bắt đầu quay về với phân khúc căn hộ có giá bán vừa túi tiền khách hàng.

sự điều chỉnh lớn sang phân khúc căn hộ có giá vừa túi tiền người mua để giúp các chủ đầu tư phát triển ổn định, giảm thiểu rủi ro.

Thị trường BĐS đang quay trở lại phân khúc căn hộ giá vừa túi tiền 

Đơn cử, dự án Him Lam Phú An với hơn 1.000 căn của Him Lam, hay Hưng Thịnh Corp sẽ cho ra thị trường 10 dự án với tổng căn hộ lên tới gần 6.000 căn…

Ở khu Tây Nam Thành phố có dự án nhà giá rẻ của Nam Long với quy mô 12.000 căn. Giá của các dự án này được cho là phù hợp với thị trường, từ 10 - 20 triệu đồng/m2.

Nhìn tổng quan thị trường, các dự án giá rẻ được phát triển chủ yếu tại các khu vực có lượng người thu nhập thấp sinh sống nhiều như các quận Bình Tân, Tân Phú, quận 9, Thủ Đức, Bình Chánh…

“Như vậy, tỷ lệ căn hộ có giá vừa túi tiền người tiêu dùng đang chiếm tỷ trọng lớn nhất (68,7%) trong tổng số căn hộ đưa ra thị trường trong 6 tháng đầu năm. Đây là tín hiệu đáng mừng. Vì các doanh nghiệp đã có sự tái cơ cấu sản phẩm mãnh mẽ theo hướng tăng mạnh căn hộ quy mô vừa và nhỏ, đáp ứng nhu cầu thực của người dân có nhu cầu nhà ở”, ông Châu nói.

Bên cạnh đó, hiện nay cũng đã xuất hiện một số yếu tố tiềm ẩn rủi ro trên thị trường BĐS như hiện tượng lệch pha cung - cầu, có sự gia tăng mạnh các nhà đầu tư thứ cấp, hoặc nguồn cung tín dụng có xu hướng tập trung vào một số tập đoàn lớn đầu tư vào phân khúc BĐS cao cấp, nghỉ dưỡng.

Trong khi phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại vừa túi tiền người tiêu dùng có tính thanh khoản cao thì cung không đủ cầu. Điều này cho thấy, thị trường BĐS vẫn chưa phát triển minh bạch, lành mạnh và bền vững.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Bá Chí Nhân, nhằm giúp thị trường phát triển bền vững hơn, sắp tới dự kiến cơ quan quản lý Nhà nước sẽ ban hành nhiều quy định quy phạm pháp luật và sử dụng nhiều công cụ để hạ nhiệt thị trường.

Như công cụ về thuế: Đánh thuế vào người có nhiều nhà, thuế BĐS; công cụ về tín dụng: Hạn chế tín dụng vào thị trường BĐS; công cụ về quy hoạch sử dụng đất; công cụ hành chính nhằm ràng buộc nghĩa vụ của chủ đầu tư để bảo vệ người tiêu dùng...

Từ nay đến cuối năm, thị trường BĐS sẽ tiếp tục nằm trong chu kỳ tăng trưởng, nhưng sẽ có sự điều chỉnh lớn sang phân khúc căn hộ có giá vừa túi tiền người mua để giúp các chủ đầu tư phát triển ổn định, giảm thiểu rủi ro.

Như đã đưa tin, thời gian qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng liên tục yêu cầu “tuyệt đối không được chủ quan” với thị trường BĐS.

Yêu cầu được Phó Thủ tướng đưa ra trong bối cảnh thị trường BĐS hiện đang phát triển thuận lợi, đóng góp tích cực vào phát triển chung sau một thời gian đóng băng. Tuy nhiên, cũng có những diễn biến đáng chú ý, đặc biệt là tại TP.HCM.

Trước cơn sốt đất, cuối tháng 5 vừa qua,  ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM đã chủ trì cuộc họp đột xuất với lãnh đạo UBND TP, các sở ngành, quận huyện nhằm chấn chỉnh các thông tin đồn thổi gây bất ổn tình hình an ninh kinh tế - xã hội.

Từ đầu năm đến nay, tại TP.HCM có hiện tượng tăng giá đất nền tại một số khu vực vùng ven như Quận 2, Quận 9, các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ... Giá đất nền tăng từ 10-20%, có khu vực tăng giá 30-40%, cá biệt có nơi giá tăng lên đến 70% so với năm 2016.

Tại một hội nghị diễn ra ngày 26/5 vừa qua, trước lãnh đạo UBND, Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh, thị trường BĐS hiện đang phát triển thuận lợi, đóng góp tích cực vào phát triển chung sau một thời gian đóng băng. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, cần hết sức cảnh giác với bong bóng BĐS.

"Bộ Xây dựng, cơ quan được giao trách nhiệm quản lý nhà nước về thị trường BĐS, cùng với các bộ, ngành, cơ quan liên quan, các địa phương phải tập trung tăng cường hơn nữa kiểm soát sự phát triển của thị trường BĐS, không để xảy ra khủng hoảng, ảnh hưởng đến tăng trường và phát triển bền vững", Phó Thủ tướng yêu cầu.

Còn tại cuộc họp ngày 1/6 về tăng trưởng GDP, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu cần có các giải pháp đảm bảo thị trường BĐS phát triển bền vững, lành mạnh bởi đây là một nhân tố ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo Phó Thủ tướng, tuy thị trường BĐS đang phát triển khá ổn định, nhưng tuyệt đối không được chủ quan. Muốn vậy phải tăng cường vai trò kiểm soát, quản lý nhà nước, gắn phát triển BĐS với quy hoạch, kế hoạch; với việc thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội; gắn với phát triển đô thị, phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, khu du lịch nhưng phải cân đối được cung-cầu của nền kinh tế và của người dân.

Những nội dung này tiếp tục được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại phiên họp Chính phủ ngày 3/6 vừa qua.

Mới đây, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản đề nghị Sở Xây dựng TP.HCM nắm bắt tình hình báo cáo UBND Thành phố triển khai các giải pháp phù hợp nhằm ổn định thị trường.

Trong đó, Bộ đề nghị TP.HCM cần công khai thông tin quy hoạch; công khai về tiến độ triển khai các dự án giao thông, các dự án hạ tầng và dự án BĐS tại các khu vực này. Tổ chức các đoàn kiểm tra việc kinh doanh BĐS kịp thời chấn chỉnh việc chia lô bán nền trái quy định tại các khu vực trên. Chính quyền các quận, huyện cần tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về thông tin và các tin đồn thất thiệt để người dân biết không cuốn theo cơn sốt ảo.

Theo Bộ Xây dựng, nếu thực hiện tốt các biện pháp này sẽ có tác động làm ổn định lại thị trường đất nền những khu vực ven đô của TP.HCM.

Phân tích nguyên nhân gây nên cơn sốt đất, ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nhận định: Lý do thứ nhất là do các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của TP triển khai đồng bộ, xây dựng rất tốt, làm cho đời sống người dân tốt hơn. Điều này đã tác động đến giá cả đất đai của khu vực lân cận.

Thứ hai, một số thông tin về dự án cụ thể ở huyện Cần Giờ, Củ Chi vừa qua xuất hiện trên truyền thông, cũng là một yếu tố gây sốt đất.

Thứ ba, dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân TP, UBND TP, năm 2016 Sở Quy hoạch - Kiến trúc cùng các quận huyện đã rà soát, điều chỉnh lại những quy hoạch bất cập, tức là những dự án “treo” lâu năm không triển khai được, làm ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Khu đất bị quy hoạch “treo” sau khi điều chỉnh quy hoạch thì trở về giá trị thật.

Thứ tư là có sự tác động của những trường hợp đầu cơ, thổi phồng nhằm trục lợi bất chính.

Lãnh đạo TP.HCM đã chỉ đạo nhiều giải pháp cụ thể để xử lý vấn đề này, trong đó đáng chú ý là việc công khai hơn nữa các thông tin, quy hoạch và xử lý các trường hợp cò đất tung thông tin thất thiệt, có dấu hiệu lừa đảo, thổi giá đất để trục lợi.

Trong một diễn biến liên quan, NHNN vừa cho biết trong 5 tháng đầu năm, mặc dù tăng trưởng tín dụng ở mức 6,53% - cao hơn so với cùng kỳ 2016, song tốc độ tăng trưởng tín dụng BĐS chậm lại so với tốc độ năm 2016./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top