Aa

Thị trường BĐS Việt Nam 2017: Sự cân bằng lan tỏa trên các phân khúc

Thứ Năm, 17/11/2016 - 22:22

Tại Hội nghị: “Bất động sản – Xây dựng tương lai" do Forbes Việt Nam tổ chức ngày 15/11 tại TP.HCM, ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam đã nhận định: “Hết năm 2016 và đầu năm 2017, cung cầu trên thị trường khá cân đối, sự cân bằng lan tỏa trên tất cả các phân khúc. Số hộ gia đình tăng nhanh do đó nhu cầu trung và dài hạn rất lớn".

Hội nghị khắc họa bức tranh toàn cảnh thị trường BĐS trong mối tương quan với bức tranh tổng thể của nền kinh tế Việt Nam.

Ông Nguyễn Bảo Hoàng, Chủ tịch công ty Truyền thông Tương Tác, đơn vị đại diện thương mại của Forbes Việt Nam chia sẻ về mục đích của hội nghị: “Hội nghị Bất động sản 2016 bàn đến các yếu tố quan trọng nhất có thể tác động đến xu hướng phát triển của thị trường trong tương lai, các cơ hội đến từ quy hoạch phát triển của Chính phủ và các phương thức gia tăng giá trị về sản phẩm cũng như đầu tư trong BĐS”.

Các chuyên gia nhận định, thị trường BĐS đang chứng kiến những thay đổi tích cực về chất lượng và sự đa đạng của sản phẩm trong các phân khúc BĐS khác nhau khi kinh tế vĩ mô từng bước ổn định. Chính phủ chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các đô thị lớn và lãi suất ngân hàng đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm. Ngoài ra, dòng tiền tiếp tục được đổ vào BĐS cho thấy những tín hiệu lạc quan của thị trường.

Ông ông Neil MacGregor, Giám đốc điều hành Savills Việt Nam cho rằng sức mua ở thị trường BĐS Việt Nam hiện nay trong một quý cũng đã bằng của Singapore cả năm, do đó sẽ không có hiện tượng “bong bóng” BĐS trong thời gian tới: “Mỗi quý vẫn bán được lượng hàng tương đương với số lượng của Singapore đang bán hàng năm. Đây là tín hiệu "mạnh khỏe", nếu sức mua rơi xuống dưới 15% thì mới quan ngại. Đối với nhà phố và villa cung đã vượt cầu nhưng đối với dòng sản phẩm thực sự cao cấp thì nhu cầu mạnh, vượt cả cung. Phân khúc trung cấp và bình dân vẫn đi ngang mặc dù cung tăng năm 2017. Nhìn chung chúng tôi vẫn đánh giá cầu tích cực trong năm 2017.”

Chủ tịch Hiệp hội BĐS- Ông Nguyễn Trần Nam, Phó Chủ tịch Tập đoàn Nam Cường- Bà Trần Thị Quỳnh Ngọc, Tổng Giám đốc Forbes Việt Nam – bà Đường Thu Hương và Chủ tịch Tập đoàn CotecCons- Ông Nguyễn Bá Dương tại hội ngh

Chủ tịch Hiệp hội BĐS Nguyễn Trần Nam (đứng thứ 2 từ bìa phải ảnh), Phó Chủ tịch Tập đoàn Nam Cường - Bà Trần Thị Quỳnh Ngọc, Tổng Giám đốc Forbes Việt Nam – bà Đường Thu Hương và Chủ tịch Tập đoàn CotecCons- Ông Nguyễn Bá Dương tại hội nghị

Đánh giá về các phân khúc, ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam nhận định: “Hết năm 2016 và đầu năm 2017 cung cầu trên thị trường khá cân đối, sự cân bằng lan tỏa trên tất cả các phân khúc. Số hộ gia đình tăng nhanh do đó nhu cầu trung và dài hạn rất lớn. Tuy nhiên, với cơ cấu căn hộ như hiện nay, các nhà phát triển BĐS quá tập trung cho phân khúc cao cấp trong khi phân khúc trung cấp và phân khúc nhà giá thấp không tăng trưởng mạnh. Dù có nhu cầu nhưng người mua không có khả năng thanh toán đối với căn hộ cao cấp.”

Bên cạnh những tín hiệu lạc quan, thị trường BĐS Việt Nam cũng vẫn tiềm ẩn những yếu tố rủi ro. Dư nợ cho vay BĐS đang ở mức “cho phép” nhưng lại tập trung ở một số doanh nghiệp, từ năm 2017 dòng tiền vào bất động sản sẽ sụt giảm. 

Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam nhận định: Dòng tiền vào BĐS sẽ chủ động sụt giảm, ở các kỳ trước tốc độ tăng trưởng luôn cao gấp rưỡi nhưng năm nay cho vay BĐS 12% so với năm ngoái 18%. Năm 2017 sẽ còn giảm vì hiện dư nợ cho vay BĐS khoảng 420.000 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với trước đây 1 năm, tuy nhiên con số thực tế còn cao hơn. Điều đáng quan ngại là dư nợ cho vay BĐS đa phần chỉ tập trung ở một số chủ đầu tư lớn chứ không trải dàn đều.

Ông Nguyễn Cảnh Vinh, Phó Tổng giám đốc ngân hàng Techcombank cho rằng, rủi ro trong cho vay BĐS phụ thuộc vào thanh khoản. Hiện nay chính sách vĩ mô chi phối hoạt động của ngân hàng làm cho hoạt động của ngân hàng ngày càng minh bạch, lãi suất cho vay cũng đã về mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua.

Còn ông Từ Tiến Phát, Phó Tổng giám đốc phụ trách Kinh doanh, Ngân hàng ACB cho rằng: Kiểm soát rủi ro đối với cho vay BĐS chưa chắc đã ổn định.  Trong đó, có tới hơn 70% vốn đầu tư kinh doanh BĐS là vốn vay ngân hàng và 65% tài sản đảm bảo vốn vay là BĐS. Hiện ngân hàng đang kiểm soát chặt chẽ tỷ lệ cho vay BĐS, dư nợ cho vay BĐS hiện khoảng 10%.

Một dòng vốn cũng được xem là khá hấp dẫn đối với thị trường từ các quỹ của nước ngoài như Creed Group (Nhật Bản), VinaCapital, Dragon Capital… nhưng có lẽ vẫn còn quá khiêm tốn so với nhu cầu vốn tại các dự án BĐS từ cao cấp đến giá thấp.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top