Aa

Thị trường chứng khoán 2024 dự báo có nhiều điểm sáng tích cực

Chủ Nhật, 17/12/2023 - 13:34

Theo chuyên gia, theo dõi chỉ báo kinh tế nói chung sẽ thấy sự hồi phục rất chậm của nền kinh tế Việt Nam. Nhưng sang năm 2024, xác suất cao là có một số yếu tố tích cực hơn năm nay sẽ hỗ trợ TTCK.

Bài học năm cũ

Theo chuyên gia từ công ty Quản lý quỹ SSI, ông Bùi Văn Tốt, Giám đốc đầu tư đánh giá, năm 2023 là một năm kinh tế rất khó khăn, các dữ liệu về vĩ mô mặc dù khá tốt nhưng nền kinh tế thực vẫn chưa được thuận lợi. Trong đó, các công ty sản xuất, thương mại dịch vụ và các công ty bán lẻ trong nước thuộc những nhóm ngành không thiết yếu thì doanh thu đều giảm từ 20 - 30%; đối với các nhóm ngành thiết yếu, tỷ lệ giảm sẽ ít hơn khoảng 10 - 20%.

Đối với thị trường chứng khoán (TTCK), đây lại là một năm khá tích cực khi tăng từ đầu năm đến hiện tại khoảng 10% và có 57% số lượng cổ phiếu của VN-Index có mức tăng giá cao hơn so với thị trường chung.

Có thể thấy, yếu tố chu kỳ được thể hiện rất rõ trong năm nay so với năm 2022 vì trong năm ngoái TTCK đã giảm khoảng 33% -  một mức giảm rất sâu. Ngoài ra, tính chu kỳ cũng được thấy ở các yếu tố khác như nhà đầu tư nước ngoài trong năm ngoái mua ròng trên TTCK Việt Nam khoảng 1 tỷ USD, thì trong năm nay họ đã bán ròng khoảng 600 triệu USD.

Bên cạnh đó, các nhóm ngành có mức lợi nhuận thấp trong năm ngoái như vật liệu xây dựng, năng lượng, tài chính, công nghiệp thì năm nay lại là những nhóm có mức tăng trưởng ấn tượng nhất so với các nhóm ngành khác.

“Một yếu tố ấn tượng tiếp theo đó là kỳ vọng từ đầu năm các nhà đầu tư tham gia thị trường cũng như các chuyên gia, các công ty chứng khoán đều đưa ra chỉ báo tích cực. Ví dụ về mặt lợi nhuận, mọi người đều kỳ vọng tăng khoảng 15% trong năm 2023, nhưng cho đến hiện tại lợi nhuận sau thuế của các công ty trên VN-Index đều thấp hơn từ 3-4%, trong khi TTCK dựa nhiều trên kỳ vọng.

Ở giai đoạn đầu của quá trình hồi phục, có đến 37% số cổ phiếu trong rổ VN-Index có lợi nhuận sau thuế 9 tháng thấp hơn so với cùng kỳ, tuy nhiên lại có mức tăng giá cổ phiếu tốt hơn so với VN-Index”, ông Bùi Văn Tốt cho biết.

Về kinh nghiệm đầu tư, vị chuyên gia cho rằng có một số bài học chúng ta có thể rút ra cho cả giai đoạn 2022-2023 đó là: Thứ nhất, không nên chống lại xu hướng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Theo đó, Fed tăng lãi suất lần đầu tiên vào tháng 3/2022 và từ đó đến hiện tại, nền kinh tế nói chung và các tài sản tài chính nói riêng đều gặp khó khăn. Trong giai đoạn tiếp theo, nếu mọi người kỳ vọng Fed bắt đầu giảm lãi suất trở lại từ 6 tháng cuối năm 2024, thì khả năng tình hình sẽ tốt hơn ở nhiều mặt.

Thứ hai, là về việc đa dạng hóa. Trong thời kỳ khó khăn của nền kinh tế, một số công ty đã có mức độ đa dạng hóa về ngành và các sản phẩm khác nhau, hoặc thâm nhập các thị trường khác nhau đều có sức chống chọi tốt hơn so với các công ty chỉ tập trung vào một mảng nào đó.

Điển hình như với ngành tôm, CTCP Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) có mức đa dạng hóa về ngành rất tốt, khi thị trường Mỹ yếu thì họ lại tăng trưởng mạnh ở thị trường Nhật Bản giúp lợi nhuận cao hơn so với các công ty cùng ngành. Hay CTCP Cơ Điện Lạnh (HoSE: REE) cũng đa dạng hóa các ngành nghề khác nhau, trong năm nay có một số mảng như thủy điện bị hiệu ứng El Nino sẽ khó hơn còn các mảng khác lại tạo ra dòng tiền tốt.

“Nếu mở rộng ra với nhà đầu tư cũng nên có mức độ đa dạng hóa về các lớp tài sản khác nhau như bất động sản, trái phiếu, cổ phiếu, tiền gửi. Trong những tình huống như thị trường bất động sản gặp khó, giá bất động sản giảm ở tất cả các phân khúc và các thị trường khác nhau, nhưng giá cổ phiếu lại tăng. Vì vậy, khi chúng ta đa dạng hóa tài sản thì danh mục sẽ cân bằng hơn về lợi nhuận, thanh khoản,... bảo vệ nhà đầu tư không bị loại khỏi cuộc chơi.

Thực tế, việc đa dạng hóa sẽ tạo ra tính chủ động cho một nhà đầu tư, để họ có thể phân bổ tài sản ở các thời điểm khác nhau hợp lý hơn, ngay cả khi có những biến động bất ngờ trên thị trường mà không bị động về dòng tiền”, vị chuyên gia khuyến nghị.

Những điểm sáng trong năm mới

Giám đốc đầu tư tại Công ty Quỹ SSI chia sẻ, khi theo dõi chỉ báo kinh tế nói chung sẽ thấy sự hồi phục rất chậm của nền kinh tế Việt Nam. Nhưng sang năm 2024, xác suất cao là có một số yếu tố tích cực hơn năm nay.

Năm 2024, chúng ta bắt đầu đi vào chu kỳ giảm lãi suất của Fed và tạo ra sự tích cực không chỉ ở các tài sản đầu tư mà nền kinh tế nói chung.

Cụ thể như: Một là, cuộc họp của Fed vừa qua cho thấy họ kỳ vọng sẽ giảm 75 điểm cơ bản so với mức hiện tại, khi đó, chúng ta bắt đầu đi vào chu kỳ giảm lãi suất của Fed và tạo ra sự tích cực không chỉ ở các tài sản đầu tư mà nền kinh tế nói chung, vì sức ép về tỷ giá sẽ giảm đi rất nhiều.

Hai là, kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2024 cũng tốt hơn nhiều do năm nay chúng ta đang có nền thấp về mặt lợi nhuận. Một số công ty lớn như Hòa Phát, MWG,... đều có mức sụt giảm lợi nhuận lớn, vì vậy kỳ vọng năm sau với các công ty niêm yết trên VN-Index sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận vào khoảng 15% so với năm nay. Đây là mức hỗ trợ rất lớn cho thị trường.

Ba là, các hoạt động của tiêu dùng trong nước cũng như thương mại xuất khẩu sẽ được cải thiện trong năm tới. Trong đó, ngành sản xuất để phục vụ xuất khẩu sẽ tốt hơn, từ đó thu nhập của người dân nói chung cũng gia tăng kích thích tiêu dùng nói chung.

Bốn là, về câu chuyện ngắn hạn của thị trường như việc nâng hạng TTCK đến gần hơn, khi đó dòng tiền nước ngoài đầu tư vào các cơ hội ngắn hạn sẽ vào trước. Vì vậy hy vọng dòng tiền nước ngoài năm 2024 có thể dồi dào hơn năm nay.

Năm là, các chính sách của Chính phủ Việt Nam nói chung vẫn sẽ là kích thích tăng trưởng kinh tế cả về tiền tệ và tài khoá. Mặc dù chính sách tiền tệ không còn nhiều dư địa vì lãi suất đã giảm rất sâu, nhưng kỳ vọng chúng ta sẽ duy trì chính sách nới lỏng như hiện tại, để kích thích kinh tế, đồng thời thúc đẩy các chính sách về tài khóa như đầu tư công mở rộng hơn nữa./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top