Aa

Thị trường chứng khoán có lặp lại \'cơn sóng thần\' năm 2009 sau gói kích thích kinh tế?

Thứ Sáu, 17/12/2021 - 09:56

TS. Quách Mạnh Hào - Giảng viên Đại học Lincoln (Vương quốc Anh) nhận định thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang đứng trước một giai đoạn tăng trưởng dài và tương đối bền vững.

Tuy vậy, không nên kỳ vọng gói hỗ trợ sắp được đưa ra sẽ kích thích tăng trưởng thị trường giống như năm 2009 bởi bối cảnh kinh tế là hoàn toàn khác nhau.

Gói kích thích kinh tế có giúp TTCK lặp lại "cơn sóng thần" năm 2009?

Năm 2008, khi chính sách tiền tệ đảo ngược từ thắt chặt sang nới lỏng và thực hiện việc hỗ trợ lãi suất 4%, TTCK đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc. Giai đoạn tăng trưởng cao nhất trong năm 2009 lên đến 165%, khi VN-Index tăng từ khoảng 240 điểm lên 620 điểm. 

Ở thời điểm hiện tại, đứng trước gói kích thích kinh tế lớn hơn nhiều lần với quy mô khoảng 5% GDP, câu hỏi đặt ra là liệu thị trường có lặp lại làn sóng thần năm 2009 khi nhiều chuyên gia phân tích cũng đang đề cập tới con số 1.800 - 2.500 điểm.

Thị trường chứng khoán có lặp lại 'cơn sóng thần' năm 2009 sau gói kích thích kinh tế? - Ảnh 1.
TS. Quách Mạnh Hào. (Ảnh: Tinnhanhchungkhoan

TS. Quách Mạnh Hào, Giảng viên Đại học Lincoln, Vương quốc Anh đã có những góc nhìn về vấn đề trên trong buổi hội thảo Chứng khoán Việt - "Lướt sóng" phục hồi kinh tế do VnEconomy tổ chức.

Theo ông Hào, bối cảnh của gói kích thích hỗ trợ kinh tế, giảm và hỗ trợ lãi suất trong bối cảnh hiện tại rất khác những gì diễn ra năm 2009. Khi nền kinh tế chuyển từ trạng thái thiếu tiền sang thừa tiền, việc bơm thanh khoản quá mức đã dẫn đến sự tăng trưởng của các thị trường tài sản, trong đó có chứng khoán gần như ngay lập tức. 

Hiện nay, tiền trên thị trường và trong hệ thống ngân hàng là rất nhiều. Nền kinh tế giống như một cỗ máy. Vấn đề của "cỗ máy" đó không phải thiếu tiền mà nó chưa được khôi phục để chạy, do đó lượng tiền dồi dào đã đẩy thị trường tăng mạnh. 

Bản chất của gói hỗ trợ lần này không phải bơm thêm tiền mà là tìm cách đưa tiền vào các hoạt động kinh tế. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào thời gian vận hành trở lại của "cỗ máy" đó cũng như mức độ hoạt động sẽ như thế nào.

"Tôi nghĩ là chưa có dấu hiệu cụ thể cỗ máy đó hoạt động trở lại, có nghĩa là tiền vẫn đang nằm lại thị trường và sẽ còn nằm lại thị trường. Nó khó cho thấy dấu hiệu giảm trong giai đoạn trước mắt.", ông Hào nhận định.

Tuy vậy, khi các hoạt động kinh tế phục hồi, nguồn tiền trên thị trường sẽ giảm đi vì theo quan điểm của vị diễn giả, gói hỗ trợ lần này nhằm mục đích đưa tiền đã được bơm ra trở lại vào nền kinh tế chứ không phải bơm thêm tiền mới. Quá trình này có thể kéo dài từ 6 tháng đến một năm để chứng kiến dòng tiền trở lại với nền kinh tế.

Tâm lý thị trường phổ biến hiện nay đang kỳ vọng tích cực vào gói hỗ trợ kinh tế, kéo theo sự tăng trưởng của thị trường. Tuy vậy, không nên kỳ vọng gói hỗ trợ sắp được đưa ra sẽ kích thích tăng trưởng thị trường giống như gói hỗ trợ năm 2009 bởi bối cảnh kinh tế là hoàn toàn khác nhau.

Dòng tiền sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm ngành, TTCK đang đứng trước giai đoạn tăng trưởng dài và bền vững

Nhìn vào thước đo mức độ rủi ro của thị trường theo mô phỏng tý suất chiết khấu, kể từ khi thông tin về các gói hỗ trợ được hàm ý trong các phát biểu của các chính khách, các chuyên gia kinh tế, có thể thấy sự sụt giảm rất lớn và chưa có dấu hiệu tăng lại của tỷ suất chiết khấu hay nói cách khác là mức độ rủi ro chung trên thị tường. 

Thị trường chứng khoán có lặp lại 'cơn sóng thần' năm 2009 sau gói kích thích kinh tế? - Ảnh 2.
Ảnh chụp màn hình sự kiện

Điều này đẩy định giá chung của các tài sản trên TTCK Việt Nam tăng lên. Đây là một trong những yếu tố dẫn tới sự tăng trưởng của VN-Index lên 1.500 điểm trong thời gian vừa qua. Định giá của thị trường đang hấp dẫn và thậm chí còn hấp dẫn hơn so với trước đây.

Kể từ khi thông tin về gói hỗ trợ kinh tế đươc đưa ra, 5 ngành thu hút dòng tiền vào mạnh nhất là y tế, viễn thông, vật liệu xây dựng, truyền thông và bất động sản. Khi đó, nhà đầu tư quan tâm nhiều về nhóm bất động sản, nhưng nhìn rộng hơn thì đây chỉ là một trong 5 nhóm ngành thu hút lực cầu lớn. Ngược lại, dòng tiền có dấu hiệu yếu đi ở các nhóm tài nguyên cơ bản, bảo hiểm, dầu khí, công nghệ và du lịch giải trí. 

Có thể thấy, kể từ khi ý tưởng về gói hỗ trợ được đưa ra, thị trường biến động theo hướng tích cực nhưng có sự phân hóa vào những ngành được cho là được hưởng lợi trực tiếp từ gói hỗ trợ. Ngược lại, những ngành đã tăng trưởng nóng hoặc không được hưởng lợi trực tiếp sẽ suy yếu. 

Điều này gợi ý tiền sẽ tiếp tục ở lại thị trường, nhưng mức định giá tương đối cao sẽ khiến dòng tiền sẽ luân chuyển giữa các nhóm ngành chứ không đồng đều ở tất cả các ngành.

Cũng theo ông Hào, thị trường luôn có những giai đoạn đi lên, đạt đỉnh rồi đi xuống. Do đó, tính chu kỳ sẽ tồn tại. Tuy vậy, chu kỳ đó kéo dài bao lâu lại là câu chuyện khác. Dưới góc nhìn của ông, chúng ta đang có một giai đoạn tăng trưởng dài và tương đối bền vững.

Tính bền vững thể hiện ở chỗ dòng tiền vào thị trường khá mạnh, khá lớn và tạo ra một sức hút khi nhà đầu tư đang xem TTCK như một kênh đầu tư thay cho kênh tiền gửi tiết kiệm truyền thống. Việc coi chứng khoán là tương lai, là kênh đầu tư mà trước đó họ không nhận ra sẽ là nền tẳng cho sự phát triển TTCK một cách bền vững, tăng trưởng thị trường tốt hơn so với những giai đoạn trước đây.

Bên cạnh đó, thị trường đang có nhiều sản phẩm đầu tư đa dạng như chứng quyền, chứng khoán phái sinh để có thể đầu tư dài hạn. NĐT đang có nhiều công cụ tham gia thị trường hơn so với giai đoạn trước và được tiếp xúc với thông tin bên ngoài nhiều hơn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top