Aa

Thị trường chứng khoán năm 2021: Tăng trưởng bình thường trong… bất thường?

Thứ Năm, 30/12/2021 - 13:30

Xu thế tăng trưởng của TTCK mặc dù nền kinh tế bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi Covid-19 là một xu thế chung chứ không phải thị trường của chúng ta đi ngược xu thế.

Sự bất thường trên thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2021 là dù kinh tế tăng trưởng âm trong quý III và đặc biệt, khoảng 120.000 doanh nghiệp Việt Nam phải tạm dừng hoạt động, trong đó có cả những doanh nghiệp quy mô lớn, nhưng chứng khoán Việt Nam lên đỉnh ngoạn mục về cả điểm số và thanh khoản. Dòng tiền từ nhà đầu tư nội cuồn cuộn chảy vào sàn chứng khoán, nhưng khối ngoại bán ròng kỷ lục, gần 60.000 tỷ đồng trong 11 tháng đầu năm.

Bên cạnh đó, là hiện tượng trong năm 2021, nhiều mã cổ phiếu ghi nhận tăng giá đến 100 - 400% như CMS, CEO, VTH, SDA, VKC, DZM, TC6… chỉ trong 1 tháng, trong khi hiệu quả hoạt động kinh doanh không có gì nổi trội. Chỉ số VN-Index, HNX-Index tăng mạnh, nhưng với doanh nghiệp, việc huy động vốn mới vẫn không hề dễ dàng. Mức lãi suất trái phiếu 15%, thậm chí 18% là một thực tế nhiều doanh nghiệp đã trả cho việc gọi vốn năm 2021 và Bộ Tài chính đã phải nhiều lần cảnh báo…

thi truong chung khoan nam 2021 tang truong binh thuong trong bat thuong
Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, sự tăng trưởng của TTCK năm 2021 vượt xa mọi dự đoán của cơ quan quản lý

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán SSI cho rằng, bản thân thị trường chứng khoán khi sinh ra đã được chấp nhận sự khác nhau về cách nhìn nhận, lý do nhận thức khác nhau do định nghĩa những giá trị khác nhau của người mua, người bán và đây là sự bình thường của thị trường chứng khoán.

Tạm định nghĩa những gì không giống như suy nghĩ của chúng ta đều gọi là bất thường, còn những gì giống với suy nghĩ của chúng ta gọi là bình thường, ông Hưng cho biết, tăng trưởng đột biến của chỉ số là bất thường nhưng lại là bình thường. Hay thanh khoản tăng kỷ lục là điều mơ ước mà trước đây một năm không ai nghĩ đến; rồi số tài khoản mới vô cùng nhiều cũng là điều mà trước đây chúng ta không có trong kế hoạch, hay việc nhà đầu tư chuyển từ tài khoản tiết kiệm sang tài khoản đầu tư chứng khoán là điều rất nhiều năm chúng ta mong muốn và hiện nay đã bắt đầu thành hiện thực…

“Sau 21 năm phát triển, chức năng xây dựng thị trường chứng khoán chúng ta đã làm rất tốt. Nếu trước đây thị trường phụ thuộc nhiều vào khối ngoại thì nay, nhà đầu tư nước ngoài không còn dẫn dắt thị trường. Dù nhà đầu tư nước ngoài bán ra, thị trường vẫn tiếp tục đi lên và tăng trưởng”, ông Hưng cho hay.

Đánh giá về sức khỏe doanh nghiệp và sức khỏe của dòng tiền, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT Fiin Ratings, đánh giá rất cao vai trò rất lớn của kênh trái phiếu doanh nghiệp khi đến nay đã chiếm tới 14,5% GDP. Nếu loại bỏ phần (bank bonds) thì chiếm khoảng 9% dư nợ tín dụng ngân hàng. Tổng kết 11 tháng, kênh trái phiếu doanh nghiệp chiếm khoảng 5,5% dư nợ toàn bộ hệ thống tín dụng. “Nếu không có cái kênh này, một số doanh nghiệp lớn chuyên ngành đã sụp đổ, đặc biệt trong bối cảnh Covid làm đứt dòng tiền”, ông Thuân nhận xét.

Một bất thường khác là thị trường cổ phiếu chứng khoán, điều khiến ông Thuân phải thay đổi quan điểm nhìn nhận sau 20 năm tham gia thị trường, đó là chứng kiến các nhà đầu tư nhìn nhận cổ phiếu như một hàng hóa và chịu sự quy luật cung cầu mà không phải quy luật giá trị.

“Chúng tôi thực hiện một khảo sát sơ bộ thì rất nhiều điều đáng ngạc nhiên, nhiều nhà đầu tư không hề quan tâm P/E, P/B là gì mà họ cứ đi tìm cổ phiếu giá rẻ, bất chấp quy luật gì giá trị. Họ cứ mua và họ theo đám đông. Ông Thuân cho rằng, ở góc độ cung cầu là bình thường nhưng theo quy luật giá trị thì có lẽ chúng ta cần dành nỗ lực nhiều hơn về mặt truyền thông, về mặt đào tạo để nhà đầu tư nhận thức rõ ràng hơn”.

“Hãy hình dung nếu VN-Index này mà chúng ta đang ngồi trên điểm P/E khoảng 35 lần như lúc khủng hoảng, có khi chúng ta sẽ bị “đổ đèo” rất nhanh nhưng rất may chúng ta đang ngồi trên P/E khoảng 16 lần, cộng với nền tảng vĩ mô ổn định thì ở góc độ nào đấy là chúng ta khá yên tâm. Tuy nhiên, vẫn có nhiều biến số tác động đến vấn đề này, trong đó có sức khỏe doanh nghiệp, lãi suất, dòng tiền nước ngoài… thì đấy là không ai nói trước được”, ông Thuân vừa lo lắng, vừa trấn an.

Về phía cơ quan quản lý thị trường, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thì cho rằng, sự tăng trưởng của TTCK năm 2021 vượt xa mọi dự đoán của cơ quan quản lý. Tất nhiên, khi vượt xa mọi dự đoán thì nó không thể nào bình thường được nhưng nó không hàm chứa nhiều yếu tố tiêu cực như chữ “bất thường”.

Lý giải nguyên nhân của sự tăng trưởng vượt xa dự đoán, bà Bình cho biết, sự kỳ vọng vào sức bật của nền kinh tế sau khủng hoảng do Covid là cách nhìn chung, xu thế chung của nhà đầu tư chứng khoán trên toàn cầu chứ không phải chỉ riêng Việt Nam. Và nếu chúng ta nhìn sang TTCK Mỹ, một trong những TTCK lớn nhất thế giới, tính đến ngày 27/12 cho thấy giá trị tăng trưởng của thị trường là 27,6%, gần 28%, Việt Nam tăng cao hơn, với gần 35%. Các thị trường khác như thị trường châu Âu, châu Á đều có sự tăng trưởng tương tự.

Như vậy, chúng ta thấy rằng xu thế tăng trưởng của các TTCK mặc dù nền kinh tế bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi Covid là một xu thế chung chứ không phải thị trường của chúng ta lại đi ngược xu thế chung.

Bên cạnh đó, nhìn vào con số huy động vốn của TTCK năm 2021 cho thấy, chúng ta huy động vốn rất mạnh. 11 tháng đầu năm huy động vốn đã tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái và riêng huy động vốn của khối doanh nghiệp thông qua việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu và đấu giá cổ phần hóa tăng gấp 2,2 lần so với năm ngoái. Bà Bình cho rằng, rõ ràng doanh nghiệp huy động vốn để chuẩn bị cho một sự đầu tư mới, để họ chuẩn bị cho một sự tăng trưởng mạnh trong tương lai chứ không phải là huy động vốn rồi để đấy. Khi họ huy động vốn như vậy cũng cho thấy một tín hiệu dự báo trước cho chúng ta một sự tăng trưởng rất mạnh của các doanh nghiệp này sau khủng hoảng kinh tế. Và với sự tăng trưởng của các doanh nghiệp, với sự tăng trưởng của thị giá cổ phiếu đã làm cho quy mô của TTCK, vốn hóa thị trường và dư nợ trái phiếu của các doanh nghiệp đạt đến các con số là gần 143% GDP, xấp xỉ với quy mô của tín dụng ngân hàng năm 2020, khoảng 146,2% GDP.

“Điều này cho thấy, TTCK ngày càng trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế”, bà Bình nhấn mạnh.

Lý giải cho sự tăng trưởng rất mạnh của thị trường trong năm 2021 ở khía cạnh khác, bà Bình cho biết, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng vẫn tốt. Kết quả kinh doanh theo báo cáo tài chính quý III của các doanh nghiệp niêm yết cho thấy: 80% doanh nghiệp có lãi, doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế đều tăng, đặc biệt là lợi nhuận sau thuế tăng đến 33,4%, doanh thu thuần tăng 15,7%... Và như vậy theo bà, các doanh nghiệp đều có những nền tảng cho sự tăng trưởng chứ không phải hoàn toàn là doanh nghiệp có kết quả kinh doanh xấu lại có thị giá đi quá xa so với giá trị thật của doanh nghiệp.

Một nguyên nhân cuối cùng không thể không nhắc đến đó là sự xuất hiện của lực lượng rất đông đảo của các nhà đầu tư mới (F0) khi số lượng các nhà đầu tư này tăng trưởng rất mạnh. Trong đó, riêng năm 2021 con số này đã tăng 1,3 triệu tài khoản, bằng 4 năm trước cộng lại và làm cho tốc độ tăng trưởng của thị trường Việt Nam nhanh chóng. Sự tăng trưởng này theo bà Bình rõ ràng đã tạo một lực cầu không thể chối cãi được trên thị trường.

“Tôi cho rằng TTCK Mỹ đang tăng trưởng được xấp xỉ 28% có khi còn bất thường hơn Việt Nam khi tăng 35%. Bởi vì với những thị trường đã có bề dày lịch sử phát triển như vậy, với số lượng dân số tham gia vào TTCK rất lớn như vậy thì rõ ràng sự tăng trưởng của nhà đầu tư trong TTCK Việt Nam sẽ tạo ra lực cầu mạnh mẽ hơn rất nhiều và nó cũng lý giải lý do tại sao giá cổ phiếu do thị hiếu của các nhà đầu tư F0 quyết định”, bà Bình nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top