Sau một tuần phục hồi, thị trường chứng khoán Việt Nam có tuần giao dịch đáo hạn phái sinh tương đối giằng co quanh ngưỡng giá 1.065 điểm. Sự biến động mạnh vẫn diễn ra trong phiên, đặc biệt là ở nhóm cổ phiếu trụ. Đà tăng hưng phấn xuất hiện ở đầu tuần, sau đó động thái chốt lời bắt đầu diễn ra của nhà đầu tư, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu penny, bất động sản. Đà tăng chững lại và quay đầu giảm, xét cho cả tuần, VN-Index gần như đi ngang khi chỉ tăng 0,17 điểm (+0,02%) lên mức 1.067,07 điểm.
Hiện tại, trên thị trường đang có rất nhiều thông về việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành. Đây được coi là thông tin tích cực cho nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.
Với kết quả kinh doanh quý I/2023 của các doanh nghiệp Việt Nam được công bố, rõ ràng nền kinh tế đang bị suy giảm, cũng là điều dễ hiểu khi thế giới vừa trải qua cơn đại dịch chưa từng có. Sản xuất và tiêu dùng trên thế giới vẫn chậm lại, lạm phát nhiều quốc gia vẫn đang cao, đó lại là những điểm đến của các mặt hàng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam: dệt may, thuỷ sản, thiết bị điện tử,…
Theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong quý I/2023 ước đạt 154,27 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, xuất khẩu ước đạt 79,2 tỷ USD, giảm 11,9%; nhập khẩu ước đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ.
Tuy lạm phát Việt Nam đang ở mức chấp nhận được, nhưng sức mua trong nước vẫn yếu đi rất rõ tại các mặt hàng có giá trị gia tăng cao như: Ôtô, tiêu dùng cao cấp, thiết bị điện tử,… Phần còn lại là các mặt hàng thiết yếu, tuy có tăng trưởng nhưng khá chậm nên cũng không thể bù đắp lại sự suy giảm nhanh chóng của sức cầu nói chung.
Sau một thời gian dài hoạt động trong lãi suất nâng cao, doanh nghiệp hầu hết đang gặp nhiều khó khăn để phát triển, duy trì kinh doanh sản xuất. Vậy nên chẳng ai bảo ai, các nhà điều hành đều âm thầm “thắt lưng buộc bụng”. Doanh nghiệp thắt, người lao động phải thắt theo và rồi tạo một vòng xoáy tâm lý “cắt giảm chi tiêu” không dễ tháo gỡ.
Thị trường tài chính và thị trường bất động sản vẫn rất ảm đạm. Đây là nguyên nhân sâu xa cho mức tiêu thụ hàng hoá giảm mạnh thời gian qua. Chỉ cần 2 thị trường này phục hồi thì tiêu dùng sẽ nhanh chóng phục hồi, tín dụng khơi thông, tâm lý thoải mái, bất chấp doanh nghiệp sản xuất vẫn khó khăn.
Muốn chứng khoán và bất động sản hồi phục thì chỉ có một cách duy nhất lúc này, đó là thực hiện đồng bộ cả 3: giảm lãi suất, bơm tiền, gỡ vướng pháp lý. Hiện nay, lãi suất đã bắt đầu giảm nhưng đó là lãi suất điều hành, lãi suất cho vay vẫn giảm rất chậm. Cung tiền ghi nhận mốc tăng trưởng thấp kỷ lục. Pháp lí hay chính sách liên tục ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ, tuy nhiên mức độ vẫn chỉ ở mức chung chung, mới xử lí được cái cấp bách, cái lâu dài vẫn cần phải chờ thêm.
Thị trường chứng khoán chỉ phản ứng ngược chiều mạnh mẽ với diễn biến lợi suất khi có sự đảo ngược "thanh khoản" đi kèm, nếu không thì hoạt động của thị trường sẽ khá yếu ớt, nhìn phản ứng của thị trường trong 2 lần giảm lãi suất trước đó là chúng ta có thể cảm nhận được phần nào.
Với thời điểm hiện tại, nếu lãi suất giảm thì sự đồng bộ vẫn yếu, sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu vẫn chưa cải thiện, thanh khoản hệ thống chỉ ở mức cân bằng và cung tiền gần như đình trệ. Vì vậy, tác động của đợt giảm lãi suất đến thị trường lần này cũng sẽ không đủ mạnh để thị trường có một sự bứt tốc.
Mặt khác, đôi khi "tin tốt ra lại là bán", bởi vì tại những vùng trũng thông tin, thị trường đều kỳ vọng hết vào một tin tốt nên dòng tiền đã gia nhập trước đón đầu. Đến khi tin ra và đôi khi giá phản ứng chậm với tin, thanh khoản không có sự cải thiện thì dòng tiền đi trước này sẽ mau lẹ chốt, áp lực là không nhỏ. Thị trường trong ngắn hạn sẽ có hiệu ứng hưng phấn theo tin, tuy nhiên để những chính sách của Nhà nước, những chuyển biến vĩ mô có tác động rõ ràng hơn đối với nền kinh tế, chúng ta cần phải có thời gian. Vĩ mô là thứ không thể thay đổi trong một sớm một chiều./.