Aa

Thị trường chứng khoán: Tuổi 20 đầy biến động

Chủ Nhật, 26/07/2020 - 08:00

Chỉ một tuần sau khi thị trường chứng khoán đón sinh nhật tuổi 20, diễn biến kinh tế, xã hội phần nào bị tác động tiêu cực khiến thị trường có chút “sang chấn” với hàng chục điểm mất đi.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập, cột mốc đủ lớn cho hành trình trưởng thành cùng nỗ lực nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi. Tuy nhiên, chỉ sau một tuần đón sinh nhật, diễn biến kinh tế, xã hội phần nào bị tác động tiêu cực khiến cho thị trường có chút “sang chấn” với hàng chục điểm mất đi.

Thị trường chứng khoán vừa trải qua một tuần lễ sau sinh nhật tuổi 20 đầy biến động. Ảnh minh họa: TTXVN

Ngay trong ngày sinh nhật lần thứ 20, thị trường chứng khoán VN-Index đã mất ngay 10 điểm. Tiếp đó, phiên giao dịch cuối tuần qua (23/7), VN-Index đã “rơi tự do” và mất đi 28 điểm (3,2%) lùi về mức 829 điểm. Có thể phiên giảm này phần nào bị tác động bởi ca nhiễm Covid-19 mới phát hiện được tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, nhìn rộng hơn với diễn biến tiêu cực từ dịch bệnh, thương chiến, giá vàng… thì thị trường chứng khoán Việt Nam đang bước vào tuổi 20 đầy biến động.

VN-Index trở nên mong manh

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, thị trường chứng khoán Việt Nam nằm trong nhóm các thị trường giảm điểm sâu nhất trong quý I, nhưng cũng là một trong những thị trường có mức hồi phục mạnh nhất. Chỉ số VN-Index đã tăng 36% từ mức đáy 662 điểm (31/3) lên 900 điểm (10/6).

Thị trường chứng khoán biến động mạnh đã khiến một lớp nhà đầu tư mới được hình thành, giúp cho thanh khoản tăng cao kỷ lục. Thị trường thường xuyên có những phiên giá trị giao dịch khoảng 9.000 tỷ đồng, thậm chí có phiên lên tới hơn 10.000 tỷ đồng. Đặc biệt, trong phiên giao dịch ngày 15/6, giá trị khớp lệnh lên tới hơn 1 tỷ đô la, đây là kỷ lục về giá trị giao dịch từ khi thành lập thị trường chứng khoán.

Sự giãn nở của VN-Index cũng được nới rộng biên độ hơn khi các phiên tăng giảm hàng chục điểm diễn ra thường xuyên hơn. Theo thống kê của người viết tính từ đầu năm đến nay có khoảng hơn 10 phiên thị trường biến động trên 20 điểm. Phần lớn trong số này đều bị tác động bởi các thông tin liên quan đến dịch bệnh và đâu đó là thương chiến Mỹ - Trung và cuộc chiến giá dầu.

Ở thời điểm bản lề hướng đến tuổi 20, thị trường chứng khoán thiếu hẳn lực đỡ khi hàng loạt phiên giao dịch mất điểm kỷ lục diễn ra và vốn hóa hàng chục tỷ đô la bị mất đi. VN-Index trở nên mong manh theo tâm lý nhà đầu tư, các cố phiếu có vốn hóa lớn mong manh với dịch bệnh và thương chiến.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội cả trong nước lẫn quốc đang bị tác động bởi nhiều yếu tố khách quan thì vẫn chưa có gì chắc chắn cho những diễn biến tiếp theo của thị trường chứng khoán. Đó có thể là lý do khiến khối ngoại đang “tạm thoát ly” ra khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam để trở về với các thị trường truyền thống.

Minh chứng rõ nhất là việc khối ngoại bán ròng trong 5 tháng đầu năm và ghi nhận chuỗi bán ròng dài nhất với hơn 30 phiên liên tiếp. Trong đó tháng 3 khối này bán ròng hơn 10.055 tỷ đồng, sang tháng 4 hơn 30.731 tỷ đồng. Đến tháng 5, mức độ bán ròng giảm nhưng vẫn còn rất lớn, đạt trên 5.033 tỷ đồng. Trong tháng 6, dấu hiệu mua ròng đã xuất hiện tuy nhiên với diễn biến dịch bệnh một lần nữa được khơi lên thì vẫn chưa rõ diễn biến tiếp theo.

Thông thường khoảng thời gian đầu năm, thị trường chứng khoán sẽ có động lực tăng điểm rất lớn với kế hoạch mới của các doanh nghiệp niêm yết. Tuy vậy năm nay có lẽ là ngoại lệ khi “diễn biến xấu” xuất hiện ngay đầu năm mới. Điều này khiến thị trường đón tuổi 20 cũng cùng với sự “hụt hẫng” lớn khi hàng chục tỷ đô vốn hóa bị mất đi.

Khi thị trường đang bước đầu ổn định trở lại sau sự “tàn phá” của Covid-19 từ đầu năm thì đến nay nỗi ám ảnh về một làn sóng dịch bệnh mới lại trỗi dậy. Thị trường vừa lên “dây cót” tinh thần sau ngày sinh nhật 20 tuổi lại phải nếm trải nỗi “hụt hẫng” lớn về điểm số. Chưa bao giờ thị trường trở nên bị động và mong manh với các tác động khách quan như hiện tại.

Thách thức tiếp theo cho hành trình trưởng thành

Ở thời điểm hiện tại, mặc dù chưa có cơ sở để đánh giá chi tiết, nhưng những nhận định gần đây cho thấy Covid-19 sẽ có tác động lớn hơn nhiều khi mà kinh tế toàn cầu trước đó đã cho thấy các dấu hiệu suy yếu. Các ngân hàng trung ương không còn nhiều dư địa nới lỏng chính sách, trong khi chu kỳ kinh tế đã trải qua giai đoạn tăng trưởng kéo dài hơn 10 năm kể từ cuộc khủng hoảng gần nhất.

Khác với các giai đoạn trong quá khứ, khi mà kinh tế Việt Nam tỏ ra tương đối vững vàng trước các biến động bên ngoài; ở giai đoạn hiện tại, dịch Covid-19 dự báo sẽ tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế, cũng như lợi nhuận các doanh nghiệp trong nước, và nghiêm trọng hơn là có thể dẫn đến khủng hoảng kinh tế quy mô toàn cầu.

Nguồn: thống kê trên HOSE

Ngoài những tác động khách quan từ dịch bệnh, thương chiến… thị trường chứng khoán Việt Nam cũng cần giải quyết dứt điểm những tồn tại trong nội hàm của mình nếu muốn thăng hạng lên thị trường mới nổi.

Trước mắt, tình trạng tăng vốn ảo với các thông tin thật giả lẫn lộn nhằm huy động vốn vẫn đang tồn tại. Kịch bản này đã được rất nhiều doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán sử dụng gây nên tình trạng “vàng thau lẫn lộn” trong giới đầu tư. Cụ thể, doanh nghiệp công bố bán cổ phần để tăng vốn với giá bán cao hơn thị giá. Sau đó, nhiều cổ đông bỏ quyền và số cổ phần còn lại được phân phối cho một cổ đông nội bộ hoặc bên liên quan.

Sau đó, thanh khoản và thị giá cổ phiếu tăng mạnh sau khi doanh nghiệp chào bán thành công và yếu dần cùng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đi xuống.

Trường hợp thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty cổ phần Công nghiệp và Khoáng sản Bình Thuận (KSA) khiến Ban lãnh đạo công ty ra hầu tòa là một trường hợp điển hình cho tình trạng này.

Nhìn trên góc độ tài chính, các doanh nghiệp trong số này còn có điểm chung là thiếu tiền đầu tư nên tăng vốn, nhưng sau khi tăng vốn lại mạnh tay cấp vốn cho các đối tác, khách hàng thông qua các khoản phải thu, trả trước, thậm chí cho vay tín chấp cá nhân tăng mạnh.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp bị nghi ngờ theo một cách khác khi dồn dập tăng vốn gấp nhiều lần ngay trước khi trở thành công ty đại chúng và đưa cổ phiếu lên sàn. Ngoài ra, các cổ phiếu giao dịch dưới thị giá hay “cổ phiếu trà đá” (dưới 2.000 đồng) thường bị đặt câu hỏi về quá trình tăng vốn và thường vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin, bị kiểm soát đặc biệt…

Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong năm 2019, đã có 469 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán được ban hành với số tiền xử phạt gần 29 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 364 quyết định trong năm 2018, chưa kể đến các vi phạm bị nhắc nhở. Trong 6 tháng đầu năm 2020, theo thống kê sơ bộ, có 121 quyết định xử phạt đã được UBCK ban hành.

Tình trạng doanh nghiệp vi phạm quy định công bố thông tin ngày một nhiều thì niềm tin cho thị trường ngày một xuống thấp. Nếu tình trạng kéo dài nhà đầu tư e ngại mỗi khi phải nhắc đến tăng vốn hay chào bán cổ phiếu khiến cho vai trò trung chuyển vốn của thị trường chứng khoán mất đi tính hiệu quả.

Một vấn đề thực tế nhất là, sự cố giao dịch vẫn thường xuất hiện khiến cho nhà đầu tư vẫn đang giao dịch trong trạng thái hồi hộp. Kèm theo đó là những hạn chế liên quan đến giới hạn sở hữu khối ngoại, bình đẳng giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước…

Trong thời gian qua, các tổ chức xếp hạng cho biết, nếu hoạt động giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài còn bị hạn chế, chưa tương thích với thông lệ quốc tế, thì rất khó để đưa ra quyết định nâng hạng cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Với Luật Chứng khoán mới đươc Quốc hội thông qua năm 2019, hy vọng những tồn tại này được giải quyết khi luật được ứng dụng triệt để nhằm hướng tới mục tiêu thăng hạng trong thời gian tới.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top