Aa

"Thị trường có đủ nguồn lực lẫn nhu cầu, điều Việt Nam cần là chớp lấy cơ hội"

Thứ Hai, 29/04/2019 - 20:31

Nhân ngày lễ 30/4, chúng ta hãy thử khám phá xem Việt Nam đã thay đổi như thế nào trong con mắt của một người bạn quốc tế.

Nền kinh tế Việt Nam kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới vào năm 1986 đã đạt được nhiều thành tựu làm ngay cả bản thân chúng ta phải ngạc nhiên. Từ một nước chìm trong đói nghèo, ngày nay chất lượng sống của người dân Việt Nam liên tục tăng, và các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoàn toàn có thể tự tin đứng ngang hàng với bạn bè năm châu trong cuộc chơi kinh tế toàn cầu.

Lễ kỷ niệm 30/4 tới, đồng thời cũng là năm cuối cùng của thập kỷ này, có lẽ là một cơ hội rất thích hợp để chúng ta nhìn lại về những gì đã thay đổi và giữ nguyên trong quá trình hội nhập nền kinh tế quốc tế.

Chúng ta nên tìm ra căn nguyên đã khiến nền kinh tế Việt Nam đạt được nhiều thành tựu như vậy, để từ đó có thể vạch ra một hướng đi mới đúng đắn. Và liệu có ai có thể cho chúng ta lời khuyên tốt hơn một người bạn của Việt Nam?

Luật sư Giles Cooper là đồng giám đốc của công ty luật Duane Morris Việt Nam, một chi nhánh trực thuộc tập đoàn quốc tế Duane Morris. Ông là một chuyên gia trong lĩnh vực luật kinh doanh – đầu tư tại khu vực Đông Nam Á.

Trong vòng 20 năm qua, ông Cooper đã làm cố vấn cho nhiều nhà đầu tư và các thương hiệu quốc tế nổi tiếng trong việc hội nhập môi trường kinh doanh tại Việt Nam như Hard Rock Café (Mỹ), Tập đoàn Đóng tàu Damen (Đức)...

Một lĩnh vực khác mà ông Cooper có nhiều kinh nghiệm là ngành năng lượng tái tạo. Với tư cách là trưởng nhóm phụ trách ngành công nghiệp năng lượng của Duane Morris, ông Cooper đã tư vấn pháp cho nhiều đối tác tham gia thị trường năng lượng tái tạo tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, đơn cử dự án hợp tác giữa chính phủ Đức và Bộ Công Thương trong xây dựng khung khổ pháp lý cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng sản xuất và phân phối điện bền vững ở nước ta.

Nhờ vào những đóng góp của mình, ông Cooper được vinh dự nhận danh hiệu Luật sư xuất xắc trong lĩnh vực doanh nghiệp và đầu tư tại Việt Nam do Legal 500 Asia Pacific và Chambers Asia Pacific trao. Ông cũng là thành viên của Hội đồng Quản trị công ty Việt Nam, Hội đồng Tư vấn quản trị công ty Việt Nam, Hội đồng doanh nghiệp New Zealand tại ASEAN, và phòng thương mại tại Việt Nam của nhiều nước như New Zealand, Úc, Mỹ, và Nhật Bản.

Ông Giles Cooper

Ông Giles Cooper

PV: Ông có thể nói một chút về bản thân được không?

Ông Morris: Từ gần hai mươi năm nay, tôi đảm đương công việc của một luật sư trợ giúp pháp lý cho các nhà đầu tư nước ngoài đến làm ăn tại Việt Nam. Tôi hỗ trợ các nhà đầu tư từ khi họ gia nhập thị trường đến lúc rời khỏi thị trường.

Các khách hàng của tôi chủ yếu là những tập đoàn đa quốc gia, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như sản xuất, năng lượng, ngân hàng, bán lẻ, và bảo hiểm. Tôi cũng là một người chồng và cha của hai đứa bé tuyệt vời...

PV: Nếu có thể dùng một từ để miêu tả bản thân thì ông sẽ nói như thế nào?

Ông Morris: Một “Vietnamphile” (“một người yêu mến Việt Nam cuồng nhiệt”). Tham vọng của tôi là có thể góp phần nào hướng Việt Nam đến với con đường phát triển bền vững.

PV: Ngọn gió nào đã đưa ông đến với Việt Nam?

Ông Morris: Tôi có một người bạn rất thân làm nghề phóng viên từng sống ở Việt Nam hồi giữa thập niên 1990. Tôi viếng thăm Việt Nam lần đầu vào năm 1999 vừa để thăm bạn, vừa nhằm khám phá đất nước ngày. Và hai mươi năm sau, Việt Nam vẫn còn níu chân tôi ở lại.

PV: Ấn tượng đầu tiên của ông về Việt Nam là gì? Ông hiện nay có còn cảm thấy như thế nữa không?

Ông Morris: Khi đó tôi còn rất trẻ, còn rất lãng mạn. Tôi được người bạn đón ở sân bay, rồi cả hai ngồi xe máy đi trên một con đường đất dẫn vào Hà Nội. Lúc đó Thủ đô các bạn còn chưa có xe ô tô hay đèn giao thông nên mọi thứ rất khác so với bây giờ. Khi đó tôi cảm thấy vừa ngạc nhiên, vừa phấn chấn.

Đã có rất nhiều thứ thay đổi trong vòng hai thập kỷ vừa qua. Ngay cả tôi cũng đã già đi và lập gia đình. Nhưng có một điều không thay đổi là Việt Nam vẫn đang truyền sức sống cho tôi hằng ngày.

PV: Ông đã đến thăm nhiều nơi ở Việt Nam chưa? Nơi nào gây ấn tượng với ông nhất? Và ông có cảm nhận gì về những người Việt Nam mà ông đã gặp?

Ông Morris: Tôi đã có cơ hội được đi dọc chiều dài đất nước các bạn. Trong thời gian đầu ở Việt Nam, tôi đi khắp các tỉnh miền núi phía Bắc trên chiếc xe máy của mình. Từ đó đến nay, Hà Giang luôn luôn là một trong những thắng cảnh mà tôi yêu thích nhất trên thế giới.

Cảnh sắc Hà Giang cũng tuyệt vời như những người dân ở đó vậy. Tôi nhớ mãi những lần mà tôi và những người bạn phải dừng lại giữa chặng đường. Luôn luôn có những gia đình sẵn sàng mở cửa đón chào chúng tôi. Họ có thể nghèo về vật chất nhưng lại giàu về lòng tốt.

***

Trong vòng hơn mười năm gần đây, chính phủ, các doanh nghiệp và người dân Việt Nam đã bắt đầu hình thành khái niệm “phát triển bền vững”, tăng trưởng kinh tế đi đôi với công bằng xã hội và bảo vệ các nguồn tài nguyên môi trường. Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia chịu hậu quả nghiêm trọng nhất của hiện tượng ấm lên toàn cầu. Vì vậy mà việc xây dựng được chiến lược tăng trưởng kinh tế bền vững là một những giải pháp cấp thiết nhất để nước ta có thể đối phó với biến đổi khí hậu.

Luật sư Morris Cooper đã có những đóng góp đáng kể cho công cuộc phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam. Trước hết, ông đã trợ giúp pháp lý cho hằng loạt dự án nâng cao chất lượng môi trường Việt Nam như nhà máy điện gió Bạc Liêu của tập đoàn GE Energy, hay nhà máy xử lý chất thải trị giá hơn 450 triệu Đô-la Mỹ tại TP.HCM. Ông cũng là cố vấn cho chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài trong việc xây dựng hệ thống luật pháp khuyến khích sự phát triển của thị trường năng lượng tái tạo ở nước ta. Chúng ta có thể rút ra được nhiều bài học quý giá từ những nhận xét và gợi ý của ông Cooper dưới đây:

PV: Là một chuyên gia về lĩnh vực luật doanh nghiệp, đồng thời là thành viên của nhiều tổ chức thương mại quốc tế, ông có đánh giá nào về nền kinh tế và hệ thống luật pháp tại Việt Nam?

Ông Morris: Nền kinh tế vĩ mô của các bạn đang phát triển rất ổn định. Giai đoạn phát triển của Việt Nam kéo dài đã được hai mươi năm và có rất nhiều thành tựu đáng để các bạn tự hào, đặc biệt là việc chính phủ Việt Nam đã đưa quốc gia hội nhập với nền kinh tế thế giới thông qua các hiệp định cùng với chính sách tự do hóa thương mại và đầu tư.

Về mặt vi mô, tôi nghĩ rằng vẫn còn rất nhiều cải tiến có thể thực hiện để tăng độ công bằng và hiệu quả của lực lượng hành pháp. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần các chính sách nghiêm túc hơn để bảo vệ môi trường và quyền lợi của người nghèo. Không quốc gia nào nên cố gắng theo đuổi tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá.

Nguồn: Internet

Nguồn: Internet

PV: Nhiều chuyên gia đã dự đoán rằng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ giảm trong tương lai gần. Qua một số dự án mà ông đã làm cố vấn như cảng biển, cáp quang, và nhà máy xử lý chất thải, theo ông thì liệu dòng vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng có tiếp tục chảy vào Việt Nam?

Ông Morris: Việt Nam vẫn rất cần những dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, và không có lý do gì để nghi ngờ rằng dòng vốn sẽ không tiếp tục chảy vào đất nước các bạn. Các nhà đầu tư nước ngoài hiểu rất rõ về nhu cầu cơ sở hạ tầng và tiềm năng lợi nhuận của Việt Nam.

PV: Hiện đang có trở ngại nào ngăn cản các nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam?

Ông Morris: Có một số rào cản nhất định mà tôi mong rằng Việt Nam sẽ đưa ra hướng giải quyết trong thời gian tới. Ví dụ như cách mà hệ thống hành chính của các bạn đang hoạt động cần được sửa đổi để có thể hoạt động nhanh hơn. Riêng với lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng thì chính quyền các địa phương nên cố gắng hơn nữa trong việc tạo dựng môi trường đầu tư thân thiện.

PV: Đánh giá của ông về khả năng các thương hiệu nước ngoài hợp tác với doanh nghiệp địa phương tại Việt Nam? Làm thế nào để chúng tôi có thể khuyến khích sự hợp tác này?

Ông Morris: Các thương hiệu nước ngoài đã và đang tỏ ra sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp địa phương. Điều khiến họ còn ngần ngại là sự thiếu lòng tin vào việc liệu các đối tác địa phương có thể thực hiện đúng những điều khoản hợp đồng không. Các bạn vẫn còn thiếu hệ thống luật để đảm bảo việc này, và vì thế mà cơ hội hợp tác giữa hai bên vẫn còn hạn chế.

PV: Ông có cảm nhận gì về triển vọng của thị trường năng lượng tái tạo ở Việt Nam?

Ông Morris: Tiềm năng phát triển của thị trường năng lượng tái tạo ở Việt Nam hiện vô cùng lớn. Các tính toán đã chỉ ra rằng chỉ riêng điện mặt trời cũng có thể đạt công suất gấp năm lần khả năng hiện nay của toàn bộ hệ thống tại Việt Nam.

Tuy vậy, từ tiềm năng đến thực tế là một quãng đường rất dài, và cho đến nay thì thị trường phát triển mà không có phương hướng nhất định.

Tôi mong rằng Việt Nam có thể đưa ra những quyết định để giải quyết tình trạng hiện nay. Việt Nam nằm trong số những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu. Đồng thời, chất lượng không khí cũng đang ngày càng tệ hơn. Tạo được một thị trường năng lượng tái tạo bền vững sẽ là chìa khóa cho việc phát triển chất lượng sống của người dân Việt Nam.

PV: Nhà nước có vai trò gì trong việc khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo ngoài nhiệm vụ xây dựng hệ thống luật pháp?

Ông Morris: Nhà nước Việt Nam nên đưa ra được những chính sách rõ ràng để gửi đến thị trường và người dân Việt Nam một thông điệp rằng năng lượng tái tạo là chìa khóa cho một tương lai thịnh vượng theo đúng nghĩa.

PV: Một câu hỏi cuối cùng: Từ kinh nghiệm của mình, ông có thể đưa ra gợi ý cho Việt Nam về việc phát triển bền vững hay không?

Ông Morris: Như tôi đã nói ở trên, lĩnh vực năng lượng tái tạo là nền tảng cho một Việt Nam phát triển bền vững. Thị trường có đủ cả nguồn lực lẫn nhu cầu. Điều mà Việt Nam cần làm là chớp lấy cơ hội.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top