Aa

Thị trường khách sạn cao cấp TP.HCM: Sôi động cùng hạ tầng

Thứ Sáu, 21/07/2017 - 06:00

Hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư bài bản khiến TP.HCM ngày càng thu hút nhiều khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Cũng chính bởi vậy, ngày càng có nhiều khách sạn cao cấp được đầu tư phát triển tại thành phố này, bao gồm cả thương hiệu nội và ngoại.

Những năm gần đây, cùng với sự gia tăng mạnh mẽ lượng khách du lịch quốc tế đến với TP.HCM, ttrường khách sạn tại thành phố này cũng vì thế mà có nhiều cơ hội phát triển. Theo thống kê, năm 2016 là năm đạt kỷ lục với 5,2 triệu khách, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đánh giá về tiềm năng du lịch của thành phố, có ý kiến cho rằng, ngoài các danh thắng, di tích lịch sử, trung tâm vui chơi giải trí... hạ tầng giao thông cũng là điểm nhấn của TP.HCM. Chiến lược Phát triển Giao thông vận tải đến năm 2020 đang nhắm đến mục tiêu xây dựng 2.000 km đường cao tốc, bao gồm cả đường cao tốc Bắc - Nam nối từ TP.HCM và Hà Nội dự kiến sẽ hoàn thành trong khoảng ba năm. Hơn nữa, việc xây dựng nhiều cầu vượt trong nội đô TP.HCM sẽ tiếp tục thúc đẩy lượng xe lưu thông trên đường.

Tại TP.HCM, việc nâng cấp và mở rộng quốc lộ 22 đã được đề xuất. Một đường cao tốc mới chạy song song với Quốc lộ cũng sẽ được hình thành. Một khi đã hoàn thành, đường cao tốc, cùng với Quốc lộ 22 và các tuyến đường số 3 và 4 sẽ kết nối Việt Nam với Thái Lan và Campuchia tốt hơn. Cũng ở vùng ngoại ô TP.HCM, đường cao tốc mới TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hoàn thành trong vòng chưa đầy 4 năm cũng là một bước ngoặt quan trọng.

Trong khi đó, tuyến đường sắt cao tốc nối TP.HCM và Hà Nội cũng là một phương án giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa 2 trung tâm tài chính lớn nhất cả nước, thậm chí còn trở thành phương án có thể thay thế cho đường hàng không. Ngoài ra chính phủ còn có kế hoạch tăng tốc độ hệ thống đường sắt lên 80 - 90 km/h so với tốc độ hiện tại là 60 - 70 km/h.

Ở khu vực phía nam, sân bay quốc tế Long Thành sẽ được xây dựng tại phía nam tỉnh Đồng Nai để chia sẻ áp lực với sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Kế hoạch xây dựng dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2019, với sức chứa dự kiến đạt 100 triệu lượt hành khách/năm, sân bay mới sẽ không chỉ hỗ trợ cho các chuyến đi đến TP.HCM mà còn thúc đẩy nhu cầu du lịch tại miền Nam Việt Nam bao gồm các địa điểm như Hồ Tràm và Phan Thết - Mũi Né...

Tất cả những dự án này đều trở thành nhân tố kích thích thị trường BĐS TP.HCM thăng hoa, trong đó có phân khúc khách sạn cao cấp. Việc đi lại dễ dàng cũng khiến du khách quốc tế dễ dàng lựa chọn thành phố sầm uất này là điểm đến. 

“Các sáng kiến du lịch trong thành phố cũng đang thúc đẩy nhu cầu du lịch ngắn và trung hạn. Một sáng kiến quan trọng là đề xuất cải tổ du lịch đường thủy của thành phố, nhằm tận dụng tiềm năng du lịch kênh rạch và sông ngòi rộng lớn của thành phố, bao gồm cả chợ nổi trên sông. Chính quyền địa phương cũng đang mở rộng các loại hình mới như du lịch trang trại và thể thao. Điển hình là đề xuất hợp tác với các khu vực ngoại ô như huyện Cần Giờ và Hóc Môn để thúc đẩy các hoạt động vui chơi giải trí và ẩm thực”, đại diện JLL nhận định về tiềm năng du lịch của TP.HCM. 

Lượng du khách nước ngoài nhiều nhất đến từ các quốc gia như Trung Quốc, Úc, Malaysia, Singapore, Hồng Kông... Trong số đó, lượng du khách và khách doanh nghiệp Trung Quốc đang ngày càng gia tăng. Nhóm khách này thường đặt phòng thông qua các đại lý bán phòng trực tuyến (OTAs). 

Trong khi đó, khách Nhật Bản và Hàn Quốc lại thường xuyên tìm kiếm dịch vụ phòng của các thương hiệu uy tín. Nguyên nhân có thể bởi, trong số những du khách này phần lớn là khách doanh nghiệp chiếm tỷ lệ cao, đây cũng là hai quốc gia này có lịch sử đầu tư dày đặc vào BĐS và sản xuất Việt Nam. 

Nắm bắt xu hướng và không nhường "miếng bánh" béo bở cho các thương hiệu ngoại, những năm gần đây, nhiều thương hiệu khách sạn nội địa cao cấp và sang trọng đã đồng loạt xuất hiện tại TP.HCM như như Reverie, khách sạn Caravelle, khách sạn Majestic và khách sạn Rex... cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu quốc tế như IHG, Accor, Marriott và Hyatt.  Theo Công ty tư vấn BĐS JLL, dự kiến trong ba năm tiếp theo, khoảng 3.500 phòng trên 13 khách sạn tư nhân sẽ được mở ra khắp thành phố, và phân khúc này sẽ ngày càng nóng hơn bao giờ hết. 

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top